Sau vụ xả súng tấn công ở Matxcơva, Nga, ngày 22-3 (giờ địa phương), nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm tấn công. Tuyên bố cho rằng vụ tấn công do nhóm Islamic State Khorasan (ISIS-K), một chi nhánh của IS, thực hiện. Hãng tin Reuters giải thích một số câu hỏi liên quan đến ISIS-K.
ISIS-K là gì?
Nhóm ISIS-K, được đặt tên theo một tên cũ chỉ khu vực bao gồm các phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan, nổi lên ở miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng gây tiếng vang về sự tàn bạo cực độ.
Là một trong những chi nhánh hoạt động tích cực nhất trong khu vực của nhóm IS, số thành viên của ISIS-K đã giảm bớt sau khi đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 2018. Lực lượng Taliban và Mỹ trong những năm đó đã gây ra tổn thất nặng nề cho IS.
Tuy nhiên Mỹ cho biết khả năng xây dựng thông tin tình báo chống lại các nhóm cực đoan ở Afghanistan như ISIS-K đã bị suy giảm kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2021.
ISIS-K đã thực hiện những vụ tấn công nào?
ISIS-K đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công, bao gồm các cuộc tấn công vào nhà thờ Hồi giáo ở trong và ngoài Afghanistan.
Đầu năm nay, Mỹ chặn được thông tin liên lạc xác nhận nhóm này đã thực hiện vụ đánh bom kép ở Iran khiến gần 100 người thiệt mạng.
Vào tháng 9-2022, ISIS-K nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết chết người tại Đại sứ quán Nga ở Kabul, Afghanistan.
Nhóm này cũng chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công vào sân bay quốc tế Kabul vào năm 2021 khiến 13 lính Mỹ và nhiều dân thường thiệt mạng trong cuộc sơ tán đầy hỗn loạn của Mỹ khỏi nước này.
Đầu tháng này, một tướng hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông cho biết ISIS-K có thể tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây bên ngoài Afghanistan trong sáu tháng tới và có rất ít hoặc không có cảnh báo trước.
Trong khi cuộc tấn công của ISIS-K ở Nga cuối tuần này là một sự leo thang đáng kể, các chuyên gia cho biết nhóm này từ nhiều năm qua đã phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"ISIS-K đã tập trung vào Nga trong 2 năm qua và thường xuyên chỉ trích ông Putin trong các tuyên truyền của nhóm này", ông Colin Clarke thuộc Trung tâm Soufan, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington nói rằng ISIS-K "coi Nga là đồng lõa trong các hoạt động thường xuyên đàn áp người Hồi giáo". Ngoài ra, nhóm này cũng được coi là thành viên của nhóm chiến binh Trung Á bất bình với Matxcơva.
Ukraine tuyên bố không liên quan vụ xả súng
Sau tuyên bố của IS, tình báo Mỹ nói rằng "không có lý do gì để nghi ngờ" tuyên bố nhận trách nhiệm của IS. Đài CNN cho biết họ đã được thông báo rằng "kể từ tháng 11-2023 đã có thông tin tình báo 'khá cụ thể' cho thấy ISIS-K muốn thực hiện các cuộc tấn công ở Nga... Tình báo Mỹ đã cảnh báo Nga về điều đó".
Tuy nhiên Nga đến nay vẫn cho rằng Ukraine có liên quan đến vụ việc. Ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga, nói nếu sự liên quan của Kiev trong vụ tấn công vào phòng hòa nhạc được chứng minh, tất cả những người liên quan "phải bị truy lùng và giết chết không thương tiếc, bao gồm cả các quan chức chính quyền của quốc gia nào đã gây ra sự phẫn nộ như vậy".
Trong khi đó, các quan chức Ukraine khẳng định họ không liên quan tới vụ tấn công. "Ukraine chắc chắn không liên quan gì đến vụ nổ súng/vụ nổ ở khu thương mại Crocus", ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của chính quyền tổng thống Ukraine, nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận