Can đảm đi qua đợt chỉnh huấn để được tham gia chiến dịch, được ở gần người yêu nhất có thể; cắn răng vượt qua bao gian khổ trong chiến hào, hầm phẫu thuật để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa trau dồi nghiệp vụ, nhưng Toản vẫn không lường hết nổi những khắc nghiệt của chiến trường, của cuộc đời.
Và khi phải đối mặt, tình yêu đã tiếp sức cho cô...
Vụ án T59
70 năm đã trôi qua, bà Toản vẫn còn nhớ rất rõ một biến cố lớn đã xảy ra với cô y sĩ trẻ chính là mình ngày ấy:
"Giữa tháng 3-1954, thủ trưởng mặt trận yêu cầu quân y lập trạm trung chuyển thương binh sát mặt trận gọi là T59, phân loại và vận chuyển nhanh chóng thương binh về tuyến sau bằng cơ giới. Tôi cùng y tá Giáp và đồng chí L., thương binh cụt một tay phụ trách chính trị được phân công đi thành lập trạm sơ cứu tiền phương này.
Trên đường đi, bất ngờ tôi gặp anh Khánh đang cùng Đại đoàn 308 trở về sau cuộc tấn công thần tốc ở Thượng Lào. Có ai ngờ giữa rừng núi mênh mông, hai người đang yêu nhau lại gặp được nhau, chỉ có thể là sự sắp đặt của số phận. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã tiếp cho tôi sức mạnh trong những tháng ngày ở T59.
Trạm trang bị rất sơ sài và chỉ có hai người làm chuyên môn: tôi được phân công phụ trách, và anh Giáp y tá. Vận chuyển thương binh phải nhờ vào đội dân công. Hàng trăm chiến sĩ bị thương dồn dập chuyển về mỗi ngày, hai chúng tôi liên tục sơ cứu: cầm máu, rửa vết thương, băng bó, phân loại thành các hạng nhẹ, trung thương, trọng thương.
Những chiến sĩ bị thương nhẹ thì ở lại, chuyển các đội điều trị, còn lại tiếp tục chuyển ra tuyến sau, rồi lại đón thương binh mới. Ngày nào cũng vậy, không được chọn lầm, không được bỏ sót ai.
Áp lực công việc vượt quá sức một sinh viên y khoa năm thứ hai, nhưng tôi luôn nhớ thư anh Khánh gửi: "Rồi đây em sẽ gần gũi những người lính chiến đấu, em sẽ thông cảm và hiểu anh hơn. Những thiếu sót trong chỉ huy gây đau thương cho chiến sĩ sẽ được bàn tay của những người lính áo trắng (trong đó có em của anh) bổ khuyết, sửa chữa...".
Những ngày ấy, máy bay Pháp quần thảo, pháo sáng thả khắp nơi. Dưới lán, thương binh nằm la liệt. Rất thường phải làm việc 24/24 giờ, suất ăn của chúng tôi chỉ là cá khô và cơm nát, nhiều khi phải nhịn để nhường cơm cho thương binh. Những chiến sĩ bị thương được cáng tới, quằn quại đau đớn, có người hy sinh ngay trên tay tôi. Người được chuyển về phía sau cũng đối diện vô vàn hiểm nguy do địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
Điều kiện của trạm quá thiếu thốn, từ bông băng, thuốc giảm đau. Đầu tháng 4-1954, đường chuyển thương bị đánh bom lại gặp mưa lớn, không đưa thương binh đi được. Trạm bị ách tắc. Mấy ngày liền, thương binh không có gạo, không thuốc men, bị dồn ứ, kêu rên la hét.
Từ chỗ chỉ lọc chuyển, giờ tôi phải săn sóc xử trí hàng trăm thương binh bị kẹt. Tôi cố gắng bình tĩnh, vừa băng bó chăm sóc vừa liên tục an ủi, hát hò, ngâm thơ, động viên từ sáng tới tối mong giảm đau đớn cho thương binh.
Ai đó đã phản ánh lên trên. Một đoàn thanh tra chiến trường về làm việc song cũng không gặp được trạm trưởng lẫn trạm phó, lúc ấy đang đi lo tìm xe cộ chuyển thương. Thấy hàng trăm thương binh la liệt, rên la, đoàn kiểm tra thêm bức xúc. Họ quyết định lập tòa án binh ngay tại chỗ, xét xử trong đêm. Đó là vụ án T59. Tôi, với tư cách người phụ trách chuyên môn, bị triệu tập.
Khi đó tôi đang phục vụ liền một lúc hai thương binh, vừa chèn một người bị lên cơn co giật, vừa tiêm cho một người bên cạnh, thì có người nhắn: "Chị lên gặp các thủ trưởng có việc cần". Tôi nghĩ việc gì cũng không cần bằng thương binh, nên làm xong tôi mới lên.
Tại lán chỉ huy, hai người cùng làm với tôi đang vòng tay cúi gằm mặt, ở giữa một ông mặt rất nghiêm, còn hai người khác đứng. Họ nói cộc lốc: "Đây hả, cô phụ trách chuyên môn hả, tên gì?". Trước thái độ này, tôi bực bội phản ứng: "Tên Toản, họ Nguyễn".
"Cô có biết trách nhiệm của mình với thương binh không?". Đáp: "Tôi biết chứ". "Cô có biết thương binh thắc mắc không?", tôi hỏi lại: "Thương binh nào, ở lán nào, thắc mắc gì?". "Thế cô cho trách nhiệm mình là thế nào?".
"Tôi đem hết sức phục vụ thương binh. Tôi chỉ được giao nhiệm vụ phân loại thôi, nhưng thực tế khó khăn, tôi đã xử trí vết thương, gọi điện xin xe, tự mình săn sóc thương binh từ sáng tới đêm...".
Phiên tòa lúc nửa đêm
Tòa án binh được lập trong đêm. Trả lời chất vấn, tôi một lần nữa thẳng thắn trình bày chiến trường quá thiếu thuốc men dụng cụ, vừa chăm sóc vừa lựa thương binh chuyển về tuyến sau, chúng tôi đã làm hết sức mình. Thương binh đều thừa nhận tôi có trách nhiệm, nhưng lại nói hai người kia "đi suốt không thấy đâu, thương binh chưa được ăn cơm thì hai người này đã ăn cơm rồi".
Tôi trình bày: bữa cơm sáng của hai anh là bữa nhịn từ tối qua, và họ phải đi tìm xe, chỉ có tôi ở lại lo chuyên môn. Nhưng tòa không nghe, họ quyết định tước quân tịch, Đảng tịch của hai người. Trước mặt thương binh, tòa biểu dương tôi. Tôi kêu lên: "Không đúng! Không đúng!".
Tôi không hiểu tại sao có những chuyện vô lý thế này. Nhiều người khuyên rằng tôi đã được thừa nhận thì nên im lặng, nhưng tôi muốn hét lên rằng sự cố gắng của ba chúng tôi vượt lên trên sức người, không thể kết tội bất công vô cảm.
Số báo ngày 19-4-1954, trang 2 báo Quân Đội Nhân Dân đăng tin phiên tòa "chấn động" xét xử vi phạm của một trạm vận chuyển thương binh.
Kèm theo là Thông cáo số 3 của Tòa án binh Mặt trận và bài tường thuật kín trang nhất với dòng tít lớn: "Vì không chấp hành 5 điều kỷ luật chiến trường, không triệt để thi hành chỉ thị, mệnh lệnh của thượng cấp; Vì thiếu tinh thần phụ trách trước binh sĩ; Vì phạm chính sách thương binh;
Toàn thể nhân viên quân y trong trạm tải thương đã bị truy tố trước Tòa án binh Mặt trận; Tòa án binh nghiêm khắc xử phạt: Tước quân tịch, phạt tù hai cán bộ tiểu đoàn và đại đội; Tha tội cho một nhân viên quân y khác; Bộ Tổng tư lệnh cảnh cáo Ban chỉ huy cung cấp vì thiếu trách nhiệm trong việc nói trên".
Bài tường thuật viết: "Vụ án nhân viên quân y tổng trạm tải thương mới đây có ý nghĩa giáo dục rất quan trọng. Quân đội nhân dân của chúng ta là một quân đội có kỷ luật sắt và tự giác. Nó sở dĩ rất mạnh chính vì nó đã chấp hành và bảo vệ triệt để những chính sách bênh vực quyền lợi của quần chúng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra"...
"Theo bản án, các can phạm không chăm sóc đầy đủ các đồng chí thương binh, không bảo đảm được việc điều trị và hộ lý cho thương binh đã làm yếu lực lượng chiến đấu, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của bộ đội tại tiền tuyến và của các đồng chí thương binh sau này.
Trước Tòa án, các can phạm có nhận lỗi, nhưng còn vin vào những lý do khác nhau như thiếu phương tiện và tổ chức còn mới mẻ. Thực ra những khó khăn khách quan đó chỉ là phụ, nếu có tinh thần trách nhiệm cao thì những khó khăn đều khắc phục được hết".
Sau này, cả hai đồng đội của tôi đều được phục hồi.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận thức được rằng không có dũng khí thì không thể tự bảo vệ mình trước bất công. Tôi coi đó là một kỷ niệm sâu sắc, thử thách khó khăn của chiến trường cũng như cuộc đời.
Từ đó, tôi luôn tâm niệm rằng dù ở đâu cũng phải trung thực, phải hoàn thành trách nhiệm thì mới có thể bảo vệ danh dự của mình. Bài học suốt cuộc đời tôi gìn giữ là đấu tranh vì sự thật".
Anh Cao Văn Khánh nhận tin sét đánh ngay trước đợt tấn công ác liệt nhất của chiến dịch. Thư anh viết không giấu nổi bàng hoàng: "Vừa rồi khi đang khai hội (triển khai tấn công), thì nghe anh Đạo (Chính ủy Lê Quang Đạo) báo tin cho biết em Toản bị ra tòa án binh. Anh tái người! Em Toản của anh phải ra tòa án binh sao?...".
-------------------------
7-5-1954, tin chiến thắng vang động mặt trận Điện Biên Phủ, ngay cả các thương binh cũng quên vết thương của mình. Đại tá Cao Văn Khánh được phân công chỉ huy thu dọn chiến trường, bàn bạc với phía Pháp phương án trao trả thương binh, tù binh...
Kỳ tới: Chữa trị cho thương binh Pháp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận