Mấy mươi năm binh nghiệp, ông Cao Văn Khánh luôn có mặt ngoài chiến trường, trên mặt trận. Yêu xa rồi làm vợ xa chồng, gia sản quý nhất của bà Ngọc Toản đến tuổi 94 hôm nay là hàng ngàn lá thư ông gửi về từ mặt trận, từ lúc làm quen cho đến lúc chia ly vĩnh viễn...
Cuộc gặp gỡ trước thềm chiến dịch
Cơ duyên gặp nhau được Cao Văn Khánh thuật lại trong bức thư đầu tiên tháng 8-1953, khi kế hoạch chiến dịch Điện Biên Phủ đang được chuẩn bị: "Một sự tình cờ, tôi biết Toản. Một hôm, trước chiến dịch Hòa Bình, anh Lê Quang Đạo (phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) có giới thiệu sơ qua về Toản: một cô người Huế, hoạt động trong học sinh đoàn. Chi tiết ấy làm tôi chú ý. Tình đồng chí, thêm tình đồng hương...".
Rời Huế cuối 1945, Cao Văn Khánh bỏ lại sau lưng thanh xuân sôi nổi và lãng mạn ở cố đô. Nghĩ đi chiến đấu vài ba năm rồi về tiếp tục dạy học, nhưng chiến tranh đảo lộn mọi trù tính. Hình ảnh người vợ tương lai trong ông giờ không còn là tiểu thư đài các bên cây đàn dương cầm nữa, mà sẽ là một người bạn đời tri kỷ, đồng điệu về văn hóa, thấu hiểu và chia sẻ cuộc đời chiến đấu, nâng đỡ tinh thần và giữ gìn cho ý chí ông vững mạnh, sinh những đứa con khỏe mạnh và dạy dỗ chúng bổn phận công dân phụng sự đất nước dân tộc.
Bị cuốn đi theo nhịp chiến tranh, có lúc ông nghĩ sẽ không bao giờ toại nguyện, như sau này ông thổ lộ: "Anh không còn cha mẹ, anh đã xa anh em, chỉ còn đồng chí, đồng đội và chiến trận hơn 10 năm trời...".
Vợ ông Lê Quang Đạo ra Việt Bắc, mang theo tấm ảnh chụp chung với hai người bạn học. Nhìn Ngọc Toản trong ảnh, ông Đạo nghĩ ngay tới Cao Văn Khánh. Chìa bức ảnh cho bạn, Lê Quang Đạo nháy mắt: "Cô này người Huế chính cống, con "cụ Thượng" cũng đi kháng chiến đấy!".
Đại đoàn phó xin tấm ảnh, đút vào túi áo ngực. Sau đó là chiến dịch liên miên. Hôm tổng kết chiến dịch Tây Bắc, Khánh gặp ông Hoàng Xuân Tùy, và "Tùy lại giới thiệu một người, ngẫu nhiên lại là Toản". Khánh chợt nghĩ duyên số.
Được biết Toản mới được điều ra Việt Bắc học lớp y khoa của giáo sư Tôn Thất Tùng, Cao Văn Khánh tức tốc đạp xe tới Ngòi Quảng, Chiêm Hóa nơi có trường y, phòng thí nghiệm và bệnh viện thực hành của vùng ATK.
Nửa ngày đạp xe đường rừng đến nơi vấp phải cái barrier chắn ngang, ông mới sực nhớ đi vội đã quên giấy tờ tùy thân. Cậu gác trẻ nhất định không cho vào. Bỗng nghe tiếng chào: "Anh Khánh đi đâu vậy?". Ông mừng rỡ: "Mình lên thăm anh Vương Thừa Vũ đau dạ dày nằm viện ở đây". Anh bộ đội sốt sắng quay sang chiến sĩ gác: "Đây là đồng chí Cao Văn Khánh, đại đoàn phó 308". Cậu gác đỏ mặt kéo barrier lên. Khánh thầm nghĩ: "Đúng là trời giúp!".
Đại đoàn 308 tổng lực cho tình yêu
Khi đó, Ngọc Toản mới từ Khu 4 lên Việt Bắc cùng anh rể - giáo sư Đặng Văn Ngữ, quyết toàn tâm theo kháng chiến chứ không lấy chồng.
Cao Văn Khánh và Tôn Thất Tùng vốn đã quen nhau từ thời tham gia hướng đạo sinh ở Huế. Muốn giúp bạn mà lại biết tính học trò, giáo sư nghĩ chỉ có cách dùng uy thầy. Trưa đó, ông nghiêm mặt: "Cô Toản, hai giờ chiều mang tôi mượn cuốn sách của anh Ngữ".
Bắt gặp ánh mắt tinh nghịch của ông, cô học trò cảnh giác, viện cớ đau bụng và nhờ người bạn. Đúng hai giờ, nhác thấy "kẻ tế thần" hăm hở ôm sách sang, biết là vỡ trận, bác sĩ Tôn Thất Tùng quát ầm: "Ta bảo cô Toản mang sách sang chứ có nói chú đâu".
Thua keo này bày keo khác, Tôn Thất Tùng kéo Cao Văn Khánh cùng đi thăm bệnh. Thầy làm bộ tình cờ: "À, đồng hương Huế đây. Cô Toản biết anh Khánh không?". Cao Văn Khánh sững sờ nhìn cô gái trẻ có đôi mắt dịu hiền trước mặt. Dù đã xem ảnh nhưng ngoài đời, những đường nét thanh tú trong vắt của cô toát lên vẻ đài các kín đáo khác hẳn những người ông từng gặp. Vị chỉ huy dạn dày không thốt nên lời.
Toản đưa mắt nhìn người đàn ông sạm màu nắng gió đang mỉm cười, ngập ngừng lịch sự bắt bàn tay. Vừa khuất bóng thầy, cô lí lắc kể với bạn: "Cái ông mặt sắt đen sì chỉ huy đồn Phan Đình Phùng ở Huế ai mà chả biết! Hồi đó yêu bà T.V. hơn mình đến mười tuổi".
Tấn công phải cấp tập, tối hôm đó, giáo sư Tôn Thất Tùng triệu tập thương binh nhẹ và sinh viên y khoa tới nghe đồng chí đại đoàn phó 308 nói chuyện chiến sự. Ngọc Toản ngồi trong góc khuất cuối phòng, không tạo điều kiện nào cho "diễn giả" tiếp cận.
Chưa gặp được riêng Ngọc Toản nhưng Cao Văn Khánh tìm được ở trường y nhiều học trò cũ và "đàn em" hướng đạo Huế. Ông phân công Nguyễn Đào, cùng lớp Toản, "hết sức giúp đỡ", đồng thời gặp Đảng ủy trường trình bày hoàn cảnh chiến dịch liên miên và nhờ tổ chức "hết sức tạo điều kiện". Trong một buổi chiều, đại tá đại đoàn phó 308 đã chuẩn bị xong các mũi cho trận "bao vây tổng lực" quan trọng nhất đời ông.
Đại tá Vương Thừa Vũ, đại đoàn trưởng 308, đang nằm viện vì bệnh đau dạ dày nặng, đích thân giúp đồng đội. Ông mềm dẻo bảo Toản: "Là đồng chí với nhau, cô nên gặp anh Khánh thì mới biết là người thế nào".
Cô sinh viên y khoa càng bướng bỉnh, Cao Văn Khánh càng bị thu hút. Đánh giá "lô cốt" này khá "rắn", bộ tư lệnh Đại đoàn 308 "thay đổi chiến thuật, tập trung lực lượng chủ công, táo bạo tấn công thẳng sở chỉ huy đầu não". Tư lệnh Vương Thừa Vũ nhận trách nhiệm lên tận Tuyên Quang tìm tới nhà gặp mẹ Ngọc Toản.
Người phụ nữ phúc hậu, dáng vẻ thanh tao với mái tóc trắng như cước là phu nhân của cố Đông các Đại học sĩ Thượng thư Tôn Thất Đàn, bà quả phụ can đảm đã bao năm thay chồng giữ nếp gia phong. Không chỉ dạy con nghĩa khí trung quân ái quốc, bà còn tự nguyện bỏ lại nhà cửa đất đai ở cố đô Huế, cùng các con đi bộ ròng rã sáu tháng ra Việt Bắc, theo Cụ Hồ.
Ông Vũ thận trọng mở lời: "Thưa cụ, tôi có anh bạn rất tốt, đánh giặc rất giỏi. Anh ấy chưa lấy vợ và nay rất mong muốn được làm rể cụ. Xin cụ cho phép anh ấy được viết thư tìm hiểu chị Toản". Bà cụ dụi điếu thuốc hút dở, thủng thẳng: "Nếu ông ấy làm chỉ huy thì không nên lấy con tôi, vì lý lịch nhà tôi xấu".
Vương Thừa Vũ đành phải giở "phương án dự phòng", giới thiệu bạn ông cũng là người Huế. Khi biết là đồng hương, bà cụ dịu giọng: "Tui kén rể chứ đâu kén người đánh giặc giỏi. Con tôi đã trưởng thành nên chỉ cần là người tốt và con ưng ai thì tôi đồng ý người đó". Ông Vương Thừa Vũ tấm tắc: "Tưởng cụ là vợ quan, lễ giáo phong kiến lắm, không ngờ cụ lại tân tiến vậy!".
Chuyện phải đến đã đến, Khánh và Toản gặp nhau ở Phố Ngữ, cơ quan Cục Quân y, nhận lời sẽ thư từ cho nhau, rồi chia tay mỗi người mỗi ngả. Một thời gian sau, Ngọc Toản nhận được bức thư đầu tiên của Cao Văn Khánh, viết ngày 27-8-1953.
Thư viết không dài, không có lời hoa mỹ thậm chí hơi khô khan, lạ thay, lại lay động trái tim cô gái trẻ. Chưa ai đặt vấn đề với Toản một cách khiêm nhường và thẳng thắn như vậy, từng câu chữ trong các bức thư toát lên vẻ điềm tĩnh của một người từng trải, chừng mực lịch sự.
Toản viết trong nhật ký: "Qua thư từ trao đổi, tôi thấy anh đúng là mẫu người mà tôi mong sẽ làm bạn đi cùng cuộc đời mình".
Năm ấy Ngọc Toản 23 tuổi và Khánh đã là đại tá đại đoàn phó 36 tuổi.
Gửi thư tạm biệt ngày 29-11-1953 cho Toản trước khi vào chiến dịch, ông Cao Văn Khánh viết: "Anh rất muốn được gặp em để sống lại những giây phút đầu tiên, cùng lên thăm mẹ để được thấy lại không khí gia đình hầu như đã lùi quá xa trong ký ức sau bao năm kháng chiến... Nhưng hiện giờ chúng ta không có cơ hội. Anh hẹn với em một ngày sau chiến tranh".
-----------------------
Tình yêu lãng mạn của cô y sĩ Ngọc Toản chớm nở thì chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Can đảm đi qua chỉnh huấn để tham gia chiến dịch, nhưng Toản không lường hết những khắc nghiệt của chiến trường.
Kỳ tới: Tòa án binh, bài học cuộc đời và tình yêu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận