Các thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đưa bệnh nhân 19, người bệnh nặng nhất ở khu vực miền Bắc ra tham dự buổi công bố khỏi bệnh ngày 27-5 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch COVID-19, cho thấy số giờ làm việc của các điều dưỡng viên đã gia tăng đáng kể, trên 3,6 giờ/ngày tại các cơ sở tham gia chống dịch, đặc biệt là cơ sở trực tiếp khám chữa bệnh.
Bà Bình cho biết ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch, môi trường làm việc của các điều dưỡng đã tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khoẻ. Điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế năm 2019 cho thấy trên 87% cán bộ y tế cho biết công việc luôn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, áp lực nặng nề, căng thẳng hơn các ngành, nghề khác.
Trong khi đó, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và phơi nhiễm bệnh tật. Thời điểm làm việc thường xuyên trái quy luật sinh học (trực đêm) và phải làm việc bất kể ngày nghỉ, lễ, tết, mưa, bão, rét...
Trong khi đó, tại hội thảo truyền thông vừa diễn ra nhằm hưởng ứng chiến dịch do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động nhân dịp nằm quốc tế về điều dưỡng và hộ sinh 2020, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết tỷ lệ trung bình điều dưỡng/10.000 dân ở Việt Nam là 11,4, chưa bằng 1/2 so với trung bình của thế giới.
Vị này cũng cho biết đến 2030 Việt Nam thiếu 40-50 ngàn điều dưỡng, chưa kể chất lượng đào tạo chưa ổn do gần 50% điều dưỡng mới có thời gian đào tạo nghề 2 năm, chưa đạt chuẩn ASEAN mà Việt Nam tham gia ký kết là điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng (đào tạo 3 năm).
Ngày 28-5, Bộ Y tế cho biết ngày thứ 42 không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, Việt Nam cũng không ghi nhận thêm ca mới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đang là 327 nhưng chỉ còn 49 người đang điều trị.
Trong vụ dịch COVID-19 vừa qua, vai trò quan trọng của nhân viên y tế trong phòng chống dịch đã được nói đến nhiều, Việt Nam là một trong số rất ít ỏi quốc gia đến nay chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận