Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm khám, tư vấn điều trị nghiện thuốc lá cho bệnh nhân - Ảnh: CTV
Nếu nhìn vào các con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới thấy tác hại của khói thuốc lá thật đáng sợ.
Mỗi năm có hơn 8 triệu người tử vong, trong đó có 1 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Riêng tại nước ta, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV-AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Nhân viên y tế không biết có phòng cai nghiện
Để phòng ngừa tình trạng nghiện thuốc lá, tại TP.HCM hiện nay có 10 đơn vị nhận tư vấn miễn phí việc cai nghiện thuốc lá. Các đơn vị này nằm trải đều khắp các bệnh viện Q.1, Q.Thủ Đức, Q.11, huyện Bình Chánh, Phạm Ngọc Thạch, Nhân dân Gia Định, Đa khoa khu vực Hóc Môn, Nguyễn Tri Phương, Triều An và Viện Y Dược học dân tộc.
Ngày 3-6, chúng tôi đến Bệnh viện Q.1 xin được tư vấn cai nghiện thuốc lá cho người nhà. Một nhân viên y tế trực hướng dẫn tại sảnh bệnh viện lắc đầu nói "bệnh viện không có phòng này", và chỉ qua Trung tâm Y tế dự phòng Q.1.
Thế nhưng khi qua Trung tâm Y tế dự phòng Q.1, một nhân viên y tế lại khẳng định: "Việc này ở trung tâm chưa thực hiện. Anh thử hỏi lại Bệnh viện Q.1".
Trở lại Bệnh viện Q.1, nhân viên y tế lúc nãy cho rằng từ trước đến nay không có ai đến hỏi cai nghiện thuốc lá nên không biết có phòng này và yêu cầu chúng tôi lên tầng 3, phòng 304 gặp bác sĩ tư vấn. "Ở đây có phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá hả? Bệnh viện đâu có phòng ấy" - một nhân viên y tế đứng ngoài cửa phòng tỏ vẻ ngơ ngác.
Vào phòng 304 chúng tôi được điều dưỡng tên Anh nói: "Giờ bác sĩ tư vấn nghỉ bù rồi, làm sao tư vấn. Nếu anh cần tư vấn thì để lại số điện thoại hẹn trước đi nhé". Điều dưỡng này phân trần ở Bệnh viện Q.1 lâu lâu mới có một ca đến tư vấn, chưa có ca nào điều trị và khuyên người bệnh nếu muốn tư vấn, điều trị bài bản nên qua Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định được biết đến là đơn vị đầu tiên tổ chức tư vấn miễn phí, điều trị cai nghiện thuốc lá trực tiếp và qua tổng đài. Thế nhưng theo thống kê, năm 2017 chỉ có khoảng 126 lượt bệnh nhân đến để được tư vấn cai nghiện thuốc lá và con số này năm 2018 chỉ tăng lên khoảng 200 lượt người.
Theo ghi nhận, tại phòng tư vấn luôn luôn có hai điều dưỡng túc trực tư vấn trực tiếp hoặc qua tổng đài 18001214. Bệnh nhân khi đến đây được điều dưỡng thu thập các thông tin cá nhân, bệnh lý chống chỉ định, bệnh sử hút thuốc lá, mức độ nghiện, muốn cai... Sáng 3-6 có mặt trước phòng tư vấn này khoảng 30 phút, chúng tôi không thấy người nào vào xin được tư vấn cai nghiện!?
Với mức độ hút thuốc mỗi ngày gần 1 gói và bị bệnh phổi, điều dưỡng của phòng này khuyên chúng tôi đưa người nhà đến khoa hô hấp của bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, khám.
"Bác sĩ cho toa thuốc điều trị theo lộ trình, song song đó người nhà có thể mua thêm các viên nhai hoặc dán nicotine thay thế thuốc mỗi khi người nghiện có cảm giác thèm. Nếu qua được 4 - 6 tuần sẽ yên tâm, còn không cương quyết bỏ cũng sẽ tái lại" - một điều dưỡng nói.
Lồng ghép để tăng người khám
Bác sĩ Hồ Thái Long - Viện Y dược học dân tộc TP - cho biết lượng người nghiện thuốc đến yêu cầu tư vấn điều trị hiện nay rất vắng, có khi cả tháng chỉ có hai người. "Ngoài châm cứu, đơn vị đang thử nghiệm cai thuốc bằng phương pháp nhĩ châm tác động vào hệ thần kinh giúp người nghiện giảm lượng tiết nước bọt, từ đó giảm cảm giác thèm thuốc" - bác sĩ Long nói.
Trong khi đó, bác sĩ Võ Thị Rĩ - phó giám đốc Bệnh viện Q.11 - cho biết bắt đầu từ tháng 4-2018 đơn vị khai trương phòng tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá. Theo thống kê sơ bộ, số lượng người đến tư vấn trực tiếp từ tháng 1 đến tháng 5 khoảng trên 30 trường hợp.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - trưởng phòng CTXH Bệnh viện Q.Thủ Đức - cho biết từ khi phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đi vào hoạt động đến nay chỉ có khoảng 5 trường hợp tự tìm đến tư vấn điều trị nghiện thuốc.
Để có nguồn bệnh tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá, cả hai bệnh viện đã tiến hành lồng ghép tư vấn cai nghiện thuốc lá vào hoạt động của các phòng khám bệnh lý hô hấp, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản...
"Khi đến khám các bệnh về hô hấp sẽ được hỏi về tình trạng hút thuốc lá. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn ngắn, tư vấn chuyên sâu cho người bệnh hút thuốc" - bác sĩ Rĩ nói.
Theo bác sĩ Rĩ, hiện nay chi phí điều trị cai nghiện thuốc lá, cộng với việc thuốc điều trị chưa được BHYT thanh toán, chính là rào cản của việc điều trị.
"Hút thuốc lá không còn là tật mà là bệnh rồi. Do đó nếu được giải quyết BHYT như các bệnh lý khác có lẽ việc điều trị sẽ thuận lợi hơn. Bởi với một người nghiện thuốc lá khi phát bệnh thì chi phí điều trị mà BHYT phải bỏ ra chi trả còn tốn hơn rất nhiều so với chi phí điều trị nghiện thuốc lá ban đầu" - bác sĩ Rĩ phân tích.
ThS.BS Nguyễn Hữu Hoàng - khoa nội hô hấp Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết nghiện thuốc lá là sự lệ thuộc về mặt thể chất và tâm thần đối với nicotine có trong thuốc lá. Ngày nay, nghiện thuốc lá được xác định là bệnh, nằm trong nhóm bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do dùng chất hướng thần.
"Để cai nghiện thuốc lá, chính người nghiện phải chủ động trong việc muốn cai. Nếu họ không nhận thấy việc hút thuốc lá là có hại và xem đó là chuyện bình thường thì rất khó để cai nghiện thành công" - bác sĩ Hoàng khẳng định.
Chỉ xử phạt được 3 trường hợp vi phạm
Tại hội thảo "Xây dựng môi trường không khói thuốc lá" do Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe (T4G - Sở Y tế TP.HCM) tổ chức mới đây, nhiều con số về thuốc lá được đưa ra khiến nhiều người giật mình. Theo đó, tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới tại TP.HCM hiện là 46,6%.
Tỉ lệ người hút thuốc lá thụ động nhiều nhất tập trung tại các địa điểm: quán bar, cà phê với 83,7%; nhà hàng 66,9%. Đặc biệt, tỉ lệ người hút thuốc thụ động tại các cơ sở y tế chiếm đến 23,4%.
Đối lập với thực trạng này, trong năm 2019 Thanh tra Sở Y tế TP chỉ xử phạt được 3 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 35 triệu đồng, gồm các hành vi như không có hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình và không treo biển có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc.
Theo Bộ Y tế, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nước ta và 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mỗi năm trên toàn cầu có 165.000 trẻ em trước 5 tuổi tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới bởi hút thuốc lá thụ động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận