Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Ảnh: PHẠM THẮNG
Sáng 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Không thể bỏ xã hội hóa
Một trong những vấn đề nhận được quan tâm là xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội.
Tuy nhiên, thường trực ủy ban thấy quy định trên còn chưa hợp lý nên cần quy định theo hướng: phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Cụ thể hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỉ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay nghị quyết 20 của trung ương đã nói về xã hội hóa, do đó không nên nói trái với nghị quyết và có thể suy nghĩ "để thiết kế nội hàm xã hội hóa nó khác đi chứ không thể bỏ xã hội hóa".
"Nghị quyết trung ương nói đi nói lại mãi, bây giờ lại bảo không có xã hội hóa không được", ông Định nói thêm và chỉ rõ khối y tế tư nhân làm hiệu quả và đội ngũ y tế cả công - tư đều đóng góp cho xã hội.
Trước việc nhân viên y tế "chạy" từ công sang tư và nói là "chảy máu chất xám", ông Định cho rằng thực tế họ vẫn ở trong quốc gia, nhân dân vẫn được hưởng chứ "có chạy đi đâu đâu".
"Đó là do cơ chế chính sách, bệnh viện công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này, có chạy sang Tây đâu mà sợ. Mình phải sửa chính sách công để giữ các cán bộ. Ngay cả đơn vị hành chính nhà nước cũng thế", ông Định nêu rõ.
Giải trình về nội dung này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay xã hội hóa, tài chính y tế là những nội dung mới nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo bà Lan, nội dung này chưa quy định trong các luật khác nên nếu đưa được vào luật sẽ cố gắng để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.
Lãnh đạo Bộ Y tế chỉ rõ việc thực hiện xã hội hóa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và bộ xin tiếp thu các ý kiến để xác định nội hàm xã hội hóa ở đây như thế nào cũng như giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: PHẠM THẮNG
Cần cơ chế bảo vệ cán bộ y tế
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề cập việc rất cần thiết có cơ chế, biện pháp bảo vệ cán bộ y tế.
Tại khoản 3, điều 109 dự thảo luật quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng được sử dụng để gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự; tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự…
Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng dự luật phải quy định như thế nào để “không xung đột” với các luật khác.
Ông đơn cử bác sĩ không thể đuổi một người ra ngoài khi họ xúc phạm mình được, thay vào đó phải có lực lượng chuyên trách, lực lượng bảo vệ, an ninh làm việc này.
“Ví dụ khi có báo động thì lực lượng chuyên môn vào can thiệp, chứ bác sĩ đang cầm dao mổ bị xông vào đấm, đá, tát làm sao mà tự bảo vệ được mình”, ông Định nói.
Ông nêu tiếp cơ sở khám chữa bệnh không có quyền “tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh trật tự” mà phải là cơ quan chức năng. Do đó, cần thảo luận thêm để làm rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị các cơ quan phối hợp với Bộ Công an, Tư pháp quy định cụ thể thêm để bảo vệ cán bộ y tế, tránh tình trạng như thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận