Chị N.T.H. (25 tuổi) là kế toán cho một công ty tại Hà Nội. Trước đây khi còn là sinh viên, chị H. vào loại chăm vận động. Ba năm trở lại đây, khi bắt đầu công việc của nhân viên văn phòng, chị H. nhận thấy sức khỏe mình giảm sút rõ rệt.
Táo bón, rối loạn tiêu hóa tấn công nhân viên "bàn giấy"
"Công việc thường chiếm hết thời gian của tôi, đặc biệt vào những ngày phải làm quyết toán thu chi trong tháng tôi thường xuyên quá tải. Rõ nhất của sự thay đổi là thường xuyên gặp phải tình trạng đau lưng, khó tiêu, đầy hơi. Mặc dù chưa nghiêm trọng nhưng gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày", chị H. chia sẻ.
Trong khi đó, chị T.A.T. (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) giữ vị trí thư ký giám đốc của một công ty Nhật được bốn năm qua. Mỗi ngày, chị T. ngồi văn phòng làm việc hơn tám tiếng đồng hồ. Ngày nào công việc quá tải, chị quên luôn bữa trưa hoặc ăn rất trễ, thậm chí mang công việc về nhà tiếp tục làm.
"Có lúc đói run người nhưng vẫn làm rướn thêm một chút, rồi cơn đói cũng qua và ăn sau đó. Nhiều ngày gần đây cảm nhận bụng rất nặng nề, có khi bụng sôi, số lần đi đại tiện nhiều hơn", chị T. chia sẻ thêm.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết ông thường xuyên tiếp nhận người bệnh là nhân viên văn phòng đến khám, điều trị, tình trạng chung là họ đã mắc một hoặc nhiều các triệu chứng bệnh tiêu hóa như đầy hơi, ăn không tiêu, hay đi đại tiện...
Số lượng nhân viên văn phòng có triệu chứng này ngày càng gia tăng, tỉ lệ thuận cùng lối sống hiện đại áp lực, công việc căng thẳng như hiện nay.
Những bệnh lý tiêu hóa thường gặp
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa - Bệnh viện 108, người thường xuyên ngồi văn phòng làm việc có nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy hơi, hội chứng ruột kích thích... Đặc biệt, đối với những người thường xuyên gặp stress tình trạng này còn nặng nề hơn.
"Việc ngồi lâu, thiếu vận động sẽ khiến nhu động ruột, dạ dày ngày một yếu đi. Đồng thời dịch tiêu hóa cũng giảm dần dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa. Điển hình như chứng đầy bụng, khó tiêu, hội chứng ruột kích thích, điều này khiến nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể hạn chế, sức khỏe ngày càng bị ảnh hưởng. Ngoài ảnh hưởng đến tiêu hóa, việc ngồi lâu trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến hệ tim mạch, thoái hóa xương khớp, mắt", bác sĩ Tuấn cho hay.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương cho rằng không hẳn nhân viên văn phòng ngồi nhiều dẫn đến mắc các bệnh đường tiêu hóa, mà nguyên nhân chính là chúng ta không có nhiều thời gian vận động, tiêu hao năng lượng.
Điều này khiến nhu cầu ăn uống của nhóm người này bị bất thường, không cảm thấy đói khi đến giờ ăn. Còn khi có vận động thể chất thì cơ thể được tiêu hao năng lượng nhiều hơn, chu kỳ ăn uống được điều độ hơn.
"Ăn uống không điều độ sẽ làm rối loạn chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa: tiết dịch, co bóp nhiều hơn, lâu dần gây viêm loét dạ dày, gây đau, đầy hơi, tiêu chảy..." - bác sĩ Phương nói.
Trước áp lực công việc, nhiều người không "thoát" được công việc khi đã về nhà. Điều này có thể gây stress hệ thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến hệ thống đường tiêu hóa, gây rối loạn hệ tiêu hóa với những biểu hiện nêu trên.
Để phòng tránh các bệnh về tiêu hóa khi làm việc văn phòng, bác sĩ Tuấn khuyến cáo mỗi người nên tìm cách vận động thường xuyên để giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa. Có thể đi bộ trong giờ nghỉ trưa, tập thể dục, yoga hoặc các hoạt động khác để tăng cường sức khỏe.
Bên cạnh đó, cần ăn uống đúng cách và khoa học. Nên tránh ăn quá no hoặc quá đói, uống đủ nước trong ngày và tăng cường sử dụng thực phẩm giàu chất xơ và vitamin.
Bác sĩ Lưu Phương lưu ý mỗi cá nhân cần phải biết cách điều chỉnh giờ giấc làm việc và ăn uống phù hợp, tốt nhất giờ nào làm việc đó. Tranh thủ vận động nhẹ giữa giờ, có khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn, không mang công việc về nhà...
Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng thế nào đến hệ tiêu hóa?
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, khi trải qua căng thẳng thần kinh, cơ thể sẽ sản xuất các chất gây stress như cortisol, adrenaline và noradrenaline. Các chất này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa bằng cách làm tăng lượng axit trong dạ dày, giảm lượng máu và chất dinh dưỡng đến các mô trong niêm mạc dạ dày và tá tràng. Gây ra sự mất cân bằng trong hệ tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và chảy máu tiêu hóa.
Các chất này cũng có thể làm tăng sản xuất histamine trong cơ thể. Histamine là chất dẫn đến sự phản ứng viêm và làm tăng lượng axit trong dạ dày. Sự tăng sản xuất histamine có thể gây ra viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, căng thẳng cũng ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn do thay đổi môi trường pH của đường tiêu hóa, dẫn đến sự tăng trưởng không cân bằng của vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi.
"Việc duy trì một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống đúng cách, tập thể dục thường xuyên và giảm stress sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe toàn diện và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa và các bệnh lý khác", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận