Ngày 2-1, tài khoản Facebook tên Kugan Pillai đăng tải bài viết kể việc bị nhân viên xuất nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay Nội Bài đòi tiền tip. Tài khoản này cho biết "cảm thấy mình đã bị bắt chẹt, nếu không đưa tiền sẽ không lấy lại được cuốn hộ chiếu". Cuối cùng người này phải nhượng bộ đưa cho nhân viên sân bay 500.000 đồng.
Bài đăng gắn thẻ các trang Facebook có tick xanh của Bộ Ngoại giao Singapore, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM. Sự việc gây "bão" dư luận khi đến nay đã có 8.200 lượt chia sẻ, hơn 15.000 lượt tương tác với bài viết trên.
Nhiều người bị nhân viên sân bay "vòi" tiền
Nhiều bạn đọc cho biết chuyện nhân viên sân bay "vòi vĩnh" kéo dài lâu lắm rồi, nhiều người là nạn nhân. "Mấy cái vụ vòi tiền này tồn tại mấy chục năm rồi" - bạn đọc Dũ viết. "Cái này có lâu rồi. Việt kiều, du học sinh, người nước ngoài đều dính" - Lục Tiên Sịnh cho hay.
"Ngay bản thân tôi đi xuất khẩu lao động mà còn bị hành để vòi tiền" - bạn đọc Sakura kể. Bạn đọc Bi cũng cho biết: "Bạn tôi là du học sinh nước ngoài đến Việt Nam cũng bị dính vụ tip này, tôi cũng rất xấu hổ sau khi sự việc này xảy ra"…
Bạn đọc Trần Xuân Lý cho rằng sự việc lâu nay đã nghe nói nhiều mà vẫn không chấm dứt được. "Giữa thanh thiên bạch nhật, vị trí đó không trong bóng tối mà luôn có camera theo dõi thường xuyên. Nếu nhân viên lấy tiền sẽ dễ dàng bị phát hiện ra ngay, vậy mà nó vẫn tồn tại thì thật là lạ" - bạn đọc Lý viết.
Bức xúc trước vấn nạn này, bạn đọc Hana Tran kể rằng "chuyện này xảy ra thường xuyên với Việt kiều, nhất là khi làm thủ tục nhập cảnh và ở khu nhận hành lý ở cổng ra. Cách đòi "tip" còn lộ liễu và phong phú hơn nhiều. Đa số mọi người không muốn bị phiền phức nên thường kẹp tiền vào hộ chiếu.
Ai không kẹp tiền sẽ bị làm phiền bằng nhiều cách: bị hỏi nhiều câu hỏi vu vơ hoặc nghe nhiều gợi ý trắng trợn hoặc cứ phải đứng đó nhìn nhân viên sân bay lật đi lật lại từng trang hộ chiếu, gõ gõ hộ chiếu xuống mặt bàn xem còn sót tờ tiền nào không!
Đến chỗ nhận hành lý cũng là ải khó khăn. Hành lý đã bị nhân viên sân bay lấy khỏi băng chuyền, đem để vào một góc khuất, trong khi hành khách cứ đứng chờ miệt mài bên cạnh băng chuyền hành lý. Có khi chờ đến hết vẫn không thấy hành lý, đi hỏi nhân viên sân bay đứng ở khu vực nhận hành lý thì mới đuợc "tận tình" dắt vào góc để hành lý. Sau khi tìm được thì nhân viên sân bay nhắc nhở: "Cho xin vài đồng bồi dưỡng"…".
Quá xấu hổ cho hình ảnh quốc gia
Đánh giá việc cơ quan quản lý mới chỉ tạm đình chỉ nhân viên sân bay đòi tiền tip, nhiều bạn đọc cho rằng cách xử lý như trên là quá nhẹ, bởi việc vòi vĩnh này làm mất thể diện quốc gia.
Bạn đọc Nhân bình luận: "Nên cho nghỉ. Đây không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn là danh dự của quốc gia. Xem bình luận của bạn bè quốc tế vào bài viết tôi thật tình rất xấu hổ. Muốn phát triển du lịch thì những con người thế này nên loại hẳn!".
Đồng tình, Nam Hoàng cho rằng "Không phải chỉ là đình chỉ, mà đuổi việc luôn". Bạn đọc Ngọc Trần chung ý kiến: "Thời đại nào rồi, trời ơi! Phải nghĩ tới thể diện quốc gia để đất nước còn phát triển được! Cho nghỉ việc và bồi thường cho khách nữa".
Trong khi đó, theo bạn đọc Bút Bi: "Cho thôi việc thì nhẹ quá, một con sâu làm ảnh hưởng đến cả nước". Bởi theo bạn đọc Nguyen, "đây là một trong những lý do để trả lời cho câu hỏi vì sao khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và không quay lại, cũng giải thích vì sao du lịch Việt Nam đội sổ sau khi phục hồi du lịch".
Bạn đọc Phạm Thiết Hùng nhắc lại câu chuyện "Vì sao nhân viên sân bay mặt lúc nào cũng khó đăm đăm": "Sau bài báo của Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề tại sao du lịch Việt Nam chỉ đạt được hơn 3 triệu khách không như kỳ vọng, đến ngày hôm nay một trong những lý do đã được trả lời đó là sự sách nhiễu của nhân viên cửa khẩu".
Để chấm dứt vấn nạn xấu xí này, Phúc Nguyễn cho rằng "đừng xem xét sai phạm của một cá nhân mà hãy có biện pháp để làm trong sạch cả bộ phận an ninh và các bộ phận khác tại các sân bay".
Một trong những giải pháp cụ thể được bạn đọc Tonic đưa ra: "Đã đến lúc phải có tiêu chuẩn quy định về khu vực bàn làm việc của bộ phận cửa khẩu. Hầu hết các vị trí này thiết kế bục cao quây xung quanh cán bộ nên khó trông thấy lúc tác nghiệp. Chúng ta hãy để các yếu tố khác tạo dựng nên sự khách quan, việc này thể hiện nhất quán chủ trương về sự minh bạch".
Bạn có ý kiến gì về nội dung trên? Để chấm dứt vấn nạn xấu xí này, cần phải làm gì?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận