![Nhân viên liên bang mất việc ở Mỹ: Nước mắt và sự giận dữ - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/screenshot-2025-02-10-143130-1739172817497618450240.png)
Elon Musk - người đứng đầu Ban Hiệu suất Chính phủ, đã triển khai các thành viên trong nhóm của mình đến nhiều cơ quan liên bang - Ảnh: The New York Times
Theo CNN, Nhà Trắng đã đề nghị 2 triệu nhân viên liên bang làm việc toàn thời gian tự nguyện nghỉ việc trong tuần này, với cam kết vẫn được trả lương và hưởng phúc lợi đến hết ngày 30-9.
Hiện tại, các nhân viên vẫn đang cân nhắc quyết định này. Trong khi đó, một số công đoàn công nhân liên bang đã kêu gọi thành viên từ chối đề nghị và khởi kiện quyết định của Tổng thống Trump.
Đợt cắt giảm lớn nhất lịch sử
Chính phủ Mỹ từng thực hiện nhiều đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn, như quân đội Mỹ giảm 50.000 việc làm (2011), Không quân cắt giảm 40.000 người (2005) và bưu điện Mỹ giảm 30.000 nhân sự (2010).
Tuy nhiên, con số 2 triệu người lần này là chưa từng có trong lịch sử. Hiện hơn 2 triệu nhân viên đã nhận được email đề nghị thôi việc, với 65.000 người chấp nhận, tăng 25.000 người so với ngày 5-2.
Các quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump cho biết kế hoạch này có thể giúp chính phủ tiết kiệm tới 100 tỉ USD. Theo bà McLaurine Pinover, phát ngôn viên Văn phòng Quản lý nhân sự Liên bang Mỹ (OPM), số nhân sự chấp nhận đề nghị có thể tiếp tục tăng.
Liên đoàn công nhân viên chức Chính phủ Mỹ cảnh báo rằng quá trình "thanh lọc" nhân sự này có thể gây ra "hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sự hỗn loạn cho người dân Mỹ".
Nhân viên bất lực
![Nhân viên liên bang mất việc ở Mỹ: Nước mắt và sự giận dữ - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/screenshot-2025-02-10-143210-17391730825541028790390.png)
Khung cảnh vắng vẻ tại Cơ quan Bộ Giáo dục Mỹ vào ngày 5-2 - Ảnh: The New York Times
Theo báo New York Times, một nhân viên giấu tên tại Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia cho biết tâm lý chung trong cơ quan là "sợ hãi và bối rối", bởi dù có chấp nhận đề nghị của Tổng thống Trump hay không, họ vẫn đối mặt với nguy cơ mất việc.
Luật sư và lãnh đạo công đoàn tại Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), Joyce Howell, nói với Reuters rằng hơn 200 nhân viên đã tham gia một cuộc họp vào giờ ăn trưa để tìm lời khuyên và cách thức giữ lại vị trí của họ trong cơ quan.
Bên cạnh đó, hàng trăm người đã biểu tình phản đối kế hoạch tái cấu trúc của Tổng thống Trump. Đại diện Đảng Dân chủ Gerry Connolly lên tiếng: "Ông ấy là ai mà có thể phá hoại các cơ quan liên bang?".
Tại phiên điều trần trước Quốc hội, bà Everett Kelly, chủ tịch Liên đoàn Công chức Chính phủ Mỹ, cũng chỉ trích mạnh mẽ: "Những gì đang diễn ra không phải là tinh giản bộ máy, mà là phá hủy chính phủ".
Các nhân viên chính phủ liên bang bày tỏ bức xúc trước quyết định của Tổng thống Trump. Ông Poole, 41 tuổi, chuyên gia hệ thống hướng dẫn tại Căn cứ Không quân Hill (Utah), chia sẻ: "Chính quyền đã mô tả chúng tôi là những người vô dụng, bất tài, năng suất thấp, thậm chí là kẻ thù của nước Mỹ".
Ông Yang, một nhân viên liên bang với tám năm kinh nghiệm, cũng cho biết: "Đây là một quyết định khó khăn. Thành thật mà nói, tôi yêu công việc của mình và chưa sẵn sàng nghỉ việc. Nhưng tôi cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác".
Ông Andrew Huddleston, phát ngôn viên của Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ, nhận định: "Đây là một phần trong chiến lược của chính quyền - đe dọa, dụ dỗ và ép buộc nhân viên phải nghỉ việc".
Nhiều nhân viên liên bang cũng bày tỏ sự tức giận trước việc bị buộc rời bỏ công việc. "Tôi cảm thấy như bị bỏ rơi", một nhân viên chính phủ chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận