Nhãn phản ứng sinh học của Solveiga Pakstaite - Ảnh: dezeen.com
Đa phần người tiêu dùng không biết cách đọc thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm vì nó rối rắm và khó hiểu. Hơn nữa, lắm lúc họ chẳng nhớ nổi là mình đã khui gói thực phẩm ra từ lúc nào.
Vì lo ngại không biết chắc là các thực phẩm đó có còn dùng an toàn hay không, thôi thì cứ vứt bỏ cho an tâm.
Lãng phí từ tài nguyên đến môi trường
Hàng năm, một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên quý giá như nước và diện tích đất canh tác đã hao phí rất vô ích vào việc sản xuất khoảng 100 triệu tấn thực phẩm rồi bị thải bỏ trên toàn cầu.
Theo thống kê, có đến 30% diện tích đất canh tác của thế giới và 25% nguồn nước ngọt ở Mỹ dùng để sản xuất những loại thực phẩm mà kết cục của chúng là nằm ở thùng rác chứ không vào bao tử người. Chưa tính đến việc trồng trọt chúng tạo ra một khối lượng khí nhà kính tương đương của 33 triệu chiếc xe ô tô thải ra.
Người sáng chế nhãn phản ứng sinh học Solveiga Pakstaite - Ảnh: Greater London Authority
Ở Mỹ, các nghiên cứu cho thấy đa số người tiêu dùng không hiểu được cách ghi thời hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Vì thế, có đến 90% số người Mỹ thải bỏ thực phẩm quá sớm trong khi chúng vẫn còn trong thời hạn sử dụng.
Hàng năm, dân Mỹ thải bỏ một khối lượng thực phẩm trị giá khoảng 218 tỉ USD (khoảng 4.950 tỉ đồng) và bình quân mỗi hộ gia đình vứt vào thùng rác một lượng thực phẩm trị giá 1.500 USD (khoảng 34 triệu đồng).
Còn ở Anh, theo số liệu khảo sát, các hộ gia đình ở nước này hàng ngày vứt bỏ đến những 1,9 triệu lát thịt heo, tương đương 32,5 tấn thịt heo đã chế biến. Tổng số lượng thực phẩm thải ra bãi rác lên đến 7 triệu tấn/năm, trong đó, tính riêng thịt heo lát có trị giá đến 170 triệu bảng (khoảng 5 ngàn tỉ đồng).
Hàng năm, bình quân mỗi hộ gia đình ở Anh vứt bỏ một số thực phẩm trị giá đến hơn 700 bảng (khoảng 20,8 triệu đồng).
Nhãn "chỉ mặt" hàng quá đát
Nhãn thông minh giúp phân biệt hàng quá đát - Clip: InsigniaTechnologies.com-Business Insider
Một công ty ở Scotland là Insignia Technologies đã phát triển một loại nhãn mác thông minh có thể tự thay đổi màu sắc để cảnh báo người tiêu dùng nếu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng và đã bao lâu kể từ khi họ khui mở bao bì thực phẩm.
Loại nhãn thông minh này hiện đang được triển khai ở một số chuỗi siêu thị và công ty bao bì ở Mỹ và Anh quốc.
Chuỗi siêu thị hàng đầu Sainsbury ở Anh hiện đã bắt đầu dán loại nhãn thông minh này trên sản phẩm thịt heo lát của họ nhằm giúp người tiêu dùng tiết kiệm lượng thực phẩm thải loại hàng ngày.
Sainsbury dự kiến sẽ tiếp tục triển khai loại nhãn mác mới này sang các loại thực phẩm khác trong thời gian tới. Việc áp dụng hệ thống nhãn mác này nằm trong chương trình kêu gọi ý thức tiết kiệm của người tiêu dùng "Thải bỏ ít đi, tiết kiệm nhiều hơn" (waste less, save more".
Dự kiến các nhà sản xuất và bán lẻ ở Anh sẽ tiếp tục triển khai các sáng kiến khác như ứng dụng cài trên điện trên điện thoại thông minh, các loại cân có khả năng tính trị giá cac thực phẩm bị thải bỏ, tủ lạnh thông minh…nhằm giúp người dùng có thể kiểm soát được lượng thực phẩm mà mình thải bỏ một cách hợp lý và tiết kiệm hơn.
Một sáng chế khác đã được trao tặng giải thưởng khoa học danh giá James Dyson là loại nhãn "phản ứng sinh học" còn gọi là "nhãn nổi u" (Bump Mark label) của nhà thiết kế công nghiệp 23 tuổi Solveiga Pakstaite.
Loại nhãn này được dùng để dán trên các loại thực phẩm mau hư hỏng. Nhãn có cấu tạo chủ yếu là gelatine, theo thời gian gelatine sẽ tự phân hủy làm bề mặt nhãn trở nên sần sùi, nhờ đó người tiêu dùng có thể dùng tay sờ nhãn sản phẩm để biết là chúng vẫn còn dùng tốt hay không.
Nếu bề mặt nhãn vẫn trơn láng thì vẫn còn trong thời hạn sử dụng, nhưng nếu nhãn nổi những cái u sần sùi thì đã quá hạn sử dụng. Sáng chế này đã thu hút được nhiều nguồn tài trợ để hoàn thiện kỹ thuật và đưa vào sản xuất.
Nhãn gel đổi màu của Trung Quốc - Ảnh: BI & American Chemical Society
Ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm một loại nhãn ghi thời hạn cho thực phẩm gọi là "nhãn thời gian-nhiệt độ" rất dễ đọc, dễ hiểu và chính xác. Loại nhãn này có chứa các thanh bạc và vàng cực nhỏ cùng một số hóa chất, trong đó có chloride và vitamin C.
Theo thời gian và nhiệt độ lưu trữ của sản phẩm, bạc sẽ xúc tác với vàng và làm nhãn đổi màu từ đỏ tươi sang cam rồi vàng, và cuối cùng là xanh lá.
Các thành phần cấu tạo nhãn có thể điều chỉnh được để dán trên nhiều loại thực phẩm có thời hạn sử dụng khác nhau: từ loại mau hư như sữa cho đến những loại có thời hạn lưu trữ lâu dài. Dù có chứa bạc và vàng nhưng giá thành của của mỗi chiếc nhãn rất rẻ, chưa đầy một xu Mỹ.
Với việc triển khai ngày càng rộng rãi những loại nhãn mác thông minh này, người ta hy vọng việc phung phí các loại thực phẩm sẽ dần dần giảm bớt đáng kể, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm bớt lượng khí thải cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận