TTCT - Người dân trông chờ Hội nghị Trung ương 6 sẽ giải quyết dứt điểm được nhiều vấn đề nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Vì vấn đề tinh giản bộ máy tổ chức này đã “ứ đọng” từ rất lâu. Trong ảnh: người dân Q.8, TP.HCM đăng ký cấp phép xây dựng qua mạng trên trang web cpxd.quan8.hochiminhcity.gov.vn, tại trụ sở UBND Q.8. -Ảnh: Quang Định Trùng lắp chức năng Một trong những nguyên nhân - từng được nói đến từ lâu và nhiều lần - làm bộ máy phình ra không ngừng là do thiết kế mô hình tổ chức không khoa học, cộng với việc thêm bớt cơ quan, bộ máy tùy tiện. Có chuyên gia từng giữ vị trí cao trong Đảng cho rằng có khá nhiều cơ quan có chức năng gần giống nhau giữa Đảng và Nhà nước, chẳng hạn cơ quan nội vụ của Nhà nước và ban tổ chức của Đảng; hay cơ quan thanh tra của Nhà nước và ủy ban kiểm tra của Đảng... Việc duy trì bộ máy như vừa qua vừa khiến biên chế tăng vọt, vừa khiến các cơ quan Đảng và chính quyền lấn sân nhau. Đẻ thêm bộ máy là phải thêm ghế, thêm người, thêm cơ sở vật chất, người phục vụ, kinh phí và biên chế sẽ chịu không nổi. Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì lên tới 11 triệu người. Tổng số công chức khổng lồ nước ta lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức). Biên chế phình to, bộ máy cồng kềnh đưa đến hệ lụy trực tiếp: ta cần tới số ngân sách khổng lồ để trả lương. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo: chi phí “nuôi” bộ máy quá lớn là một trong những nguyên nhân khiến chi cho đầu tư đang giảm dần. Chi cho đầu tư phát triển thấp thì nước ta sẽ khó phát triển, khó cất cánh. Như thế, tinh gọn bộ máy là điều tất yếu phải làm và làm ngay. Giải pháp nhất thể hóa Đã đến lúc phải đổi mới một cách cơ bản hệ thống chính trị, trong đó có việc nhất thể hóa bộ máy Đảng và Nhà nước. Bí thư các tỉnh, thành có thể kiêm luôn chức chủ tịch HĐND, thậm chí kiêm chủ tịch UBND tỉnh. Phó bí thư làm công tác Đảng chuyên trách. Bộ máy của Đảng phải thu hẹp lại để tăng cường cho cơ quan hành pháp điều hành quản lý nhà nước. Chúng ta không nên sợ tình trạng độc đoán, chuyên quyền bởi vẫn còn các cơ chế giám sát khác, còn có các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sau nghị quyết trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác cán bộ, nhiều địa phương đã thí điểm thực hiện nhất thể hóa cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Cụ thể, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Con số rất dễ thấy: chỉ riêng việc thực hiện nhất thể hóa hai chức danh bí thư và chủ tịch UBND cho hơn 11.000 xã, phường, thị trấn, biên chế đã giảm đáng kể. Có thể nhìn vào câu chuyện của tỉnh Quảng Ninh khi nơi này thực hiện đề án 25, tham khảo kinh nghiệm các nước có hệ thống chính trị tương đồng như Lào, Trung Quốc... về các mô hình nhất thể hóa chức danh, sử dụng chung cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng với cơ quan chuyên môn của chính quyền; thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý: bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc UBND cùng cấp... Ở cấp xã, phường, họ đã nhất thể hóa 5/11 chức danh bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND, 6/11 chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND xã. Nhờ đó, biên chế xã, phường đã giảm 2 người, cán bộ chuyên trách giảm 3-5 người. TP Uông Bí đã hợp nhất được 85% chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố, 15% chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Ở thôn, tổ dân phố chỉ còn hai chức danh được hưởng phụ cấp. Về nhất thể hóa tổ chức, ở cấp huyện nhất thể hóa đã giảm được 202 đầu mối trực thuộc cấp huyện, 14.578 người hưởng lương từ ngân sách, tiết kiệm kinh phí (tính đến hết năm 2015) trên 221 tỉ đồng. Tất nhiên còn nhiều ngần ngại, e dè với chủ trương nhất thể hóa và băn khoăn về cơ sở khoa học của mô hình, cho rằng việc nhất thể hóa có dẫn đến chuyên quyền độc đoán, mất dân chủ, “lợi ích nhóm” vì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Những băn khoăn đó là cần thiết, nhưng vấn đề này đã được chính các nhà lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra khá sâu sắc. Trước những bất cập của bộ máy nhà nước Xô viết sau 5 năm hoạt động, V.I. Lênin đã vạch kế hoạch cải tiến bộ máy nhà nước Xô viết và các cơ quan Đảng theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”. Lênin đã khẳng định: “Tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế?”. Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh mô hình nhất thể hóa một số chức danh, hợp nhất một số cơ quan Đảng và chính quyền, đoàn thể là giải pháp khả thi, mang tính đột phá trong thực hiện mục tiêu tinh giản tổ chức gắn với tinh giản biên chế mà nghị quyết Đại hội XII đã vạch ra. Tinh giản tổ chức trong cơ quan chính quyền Đối với cán bộ, công chức, nhiều quốc gia bỏ hẳn biên chế, chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở Luật cán bộ, công chức mới. Thay cho “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm, trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy. Từ những năm 2000, New Zealand đã thực hiện vấn đề này. Họ chỉ có hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời, thậm chí từ cấp thứ trưởng trở xuống cũng là hợp đồng. Trung Quốc bỏ chế độ biên chế mà ký hợp đồng lao động với công chức... Tinh giản bộ máy, biên chế là xu thế khách quan, nhưng trước hết cần tính minh bạch, tính hệ thống và tính đồng bộ. Phải xây dựng kỷ cương, kỷ luật, đánh giá công tâm, công khai tiêu chí, đối tượng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cương quyết, không ngại va chạm mới có thể thực hiện được việc tinh giản, sắp xếp lại bộ máy để hoạt động hiệu quả. Chính phủ, trong nghĩa gốc của từ này (từ tiếng Hi Lạp), là “Cầm lái”, nên công việc của Chính phủ là cầm lái chứ không phải bơi chèo. Bộ phận cầm lái thì cần phải nhỏ, phải tinh, phía bơi chèo cần phải lớn, phải đông… Như vậy mới là nhà nước nhỏ, xã hội lớn. ■ Tags: Biên chếTinh gọn bộ máyTinh giản bộ máyCả quyết và minh bạch
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối 5-11 (giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại hàng loạt bang miền đông Mỹ đã mở cửa để các cử tri bầu người lèo lái nước Mỹ trong 4 năm tới.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.