Một bạn thanh niên tình nguyện chuyển gạo tận tay cho một người già tại điểm phát tặng gạo Bắc Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Và những điểm cung cấp gạo miễn phí cho người dân trong mùa dịch COVID-19 như mô hình của Tuấn Anh tiếp tục được nhân rộng tại một số tỉnh thành khác.
Địa điểm phát, tặng gạo thứ hai của Tuấn Anh được đặt trước UBND xã Vĩnh Lộc B, gồm 3 cửa xả gạo để phục vụ người dân. Người dân đến nhận gạo sẽ được lực lượng Đoàn thanh niên và dân quân tự vệ hướng dẫn cách xếp hàng, nhận gạo.
Bà Lại Thị Bích Trâm - phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B - chia sẻ là một trong những xã rộng thứ 3 trên cả nước về mặt địa lý, hơn nữa, địa phương có hơn 70% người từ nơi khác đến sinh sống và làm việc. Do dịch COVID-19, trên địa bàn có khoảng 6.000 người dân bị ảnh hưởng công việc. "Nay "ATM gạo" đưa vào hoạt động đã giúp đỡ người dân khó khăn rất nhiều", bà Trâm nói.
Tương tự, chương trình từ thiện giúp đỡ người khó khăn trong mùa dịch COVID-19 "Túi gạo nghĩa tình" cũng được tổ chức tại đình Thần - Bình Lợi Chung và Thánh thất Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ngoài được hỗ trợ gạo, địa phương cũng đã kêu gọi người dân ủng hộ thêm đường, nước tương, bột ngọt... cho người nghèo.
Sáng cùng ngày, tại Quận đoàn Bình Thạnh, chương trình "Triệu bữa cơm" do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với PepsiCo cũng đã trao hàng trăm suất quà cho người dân khó khăn. Ông Ngô Minh Hải, chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, chia sẻ đây là hoạt động thiết thực. Dự kiến tại TP.HCM, hội sẽ phát 114.000 suất quà, kéo dài hết tháng 4 để giúp đỡ người dân khó khăn trong thời gian cách ly xã hội.
Tương tự, cùng ngày, một điểm phát, tặng gạo cho người nghèo theo mô hình anh Tuấn Anh đã xuất hiện tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Điểm tặng gạo này do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đứng ra vận động để giúp người nghèo không "đứt bữa". Ngay sau khi khai trương, đã có cả ngàn người lao động nghèo, người đang tạm thất nghiệp đến nhận phần gạo hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
Anh Phạm Trọng Phát - phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk - nói không ngờ chương trình lại lan tỏa nhanh đến như vậy. Số gạo ban đầu để khởi động chương trình chỉ hơn 2 tấn. Khi chương trình khai trương, nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ người vài trăm ký, có nơi hỗ trợ 2-3 tấn. Dự kiến điểm tặng gạo này hoạt động kéo dài đến hết ngày 30-4.
Cùng ngày tại Hà Nội, một cây "ATM gạo" mới khác tiếp tục được vận hành tại Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Dù trời khá lạnh, nhưng từ sáng sớm hàng trăm người dân đội mưa đến xếp hàng nhận gạo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - người lên ý tưởng cho cây "ATM gạo" Hà Nội - cho biết tại điểm thứ hai này, gạo sẽ được phát từ 8h - 17h đến ngày 30-4. Mỗi người dân khó khăn sẽ được nhận 3kg gạo/người/ngày.
Trước đó, điểm phát, tặng gạo đầu tiên theo mô hình trên ở Hà Nội đã được mở tại Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận