13/10/2021 12:26 GMT+7

Nhân ngày 13-10: Trọng trách của doanh nhân và kỳ vọng với Nhà nước

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Doanh nhân hiện đối diện nhiều khó khăn, không ít từ chính sách. Họ nói gì về trách nhiệm của mình, và cần người đồng hành thế nào? Trọng trách khôi phục kinh tế không thể chỉ đặt lên đôi vai các doanh nhân.

Nhân ngày 13-10: Trọng trách của doanh nhân và kỳ vọng với Nhà nước - Ảnh 1.

Công ty Việt Thắng Jean đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại từ châu Âu để giảm sử dụng lao động - Ảnh: N.H.

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, các doanh nhân cùng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về trọng trách của họ, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.

* Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM: Giúp chính quyền làm tốt hơn chức trách

Việc chống dịch, khôi phục sản xuất cũng như giữ công nhân bây giờ đặt lên vai của những doanh nhân. Cần hiểu rằng đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh này cũng là dịp để doanh nhân đóng góp sáng kiến, hiến kế cho chính quyền làm tốt hơn chức trách của mình, giúp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rõ ràng và thiết thực hơn.

Về chiến lược hậu dịch, tôi thấy rằng mình phải có trọng trách lớn hơn cho doanh nghiệp của mình. Về dài hạn, cần phải xây dựng các kịch bản để ứng phó với những tình huống bất lợi như đại dịch vừa rồi. Đồng thời, đại dịch cũng là một nhân tố buộc các doanh nghiệp cải tiến, đầu tư hơn nữa máy móc thiết bị 4.0 để bù đắp thâm hụt lao động.

Như doanh nghiệp chúng tôi đã từng bỏ ra 20 triệu USD để đầu tư nhiều máy móc hiện đại của châu Âu để thay thế sức người, từ chỗ cần 800 người làm thủ công thì nay chỉ còn duy trì 19 người cho các công việc đó. Tất nhiên, đầu tư máy móc phải có lộ trình, cần vốn và thị trường, song các doanh nghiệp cũng cần hướng đến điều này.

Nhân ngày 13-10: Trọng trách của doanh nhân và kỳ vọng với Nhà nước - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Việt cho hay các doanh nghiệp cần những trợ lực về mặt chính sách, sửa đổi những rào cản chính sách

Để giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, chúng tôi cũng cần những "trợ lực", đó là sửa đổi các điều kiện hưởng các chính sách hỗ trợ, ban hành các gói hỗ trợ về vay vốn, lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp tái sản xuất và giữ chân người lao động.

Về dài hạn, Chính phủ cần phân loại từng ngành nghề, từng nhóm sức khỏe doanh nghiệp để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp. 

Chính quyền cần nhìn nhận doanh nghiệp là chủ thể của tuyến đầu trong "cuộc chiến" phục hồi kinh tế, để từ đó có các chính sách phù hợp bởi doanh nghiệp có "khỏe" thì nền kinh tế mới "khỏe".

* Ông Vũ Lâm Chí Đức - chủ tịch Dom Capital, chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Nhà nước cần có thái độ dịch vụ tốt hơn

Nhân ngày 13-10: Trọng trách của doanh nhân và kỳ vọng với Nhà nước - Ảnh 3.

Ông Vũ Lâm Chí Đức cho rằng cần tháo gỡ các vướng mắc trong hành lang pháp lý liên quan đến kinh doanh

Thời gian qua, nhiều chính sách ban hành đã tác động ngay đến doanh nghiệp, trong đó có những chính sách tác động tiêu cực, ảnh hưởng trầm trọng đến việc sản xuất, lưu thông, xuất khẩu... Do đó, một trong những trọng trách của doanh nhân là phải tạo cho mình thói quen mạnh dạn góp ý chính sách, gạt đi tâm lý sợ trù dập.

Nguồn tài chính đất nước có hạn nên các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về tháo gỡ hành lang pháp lý liên quan đến kinh doanh, ví dụ cắt giảm giấy phép con. Đồng thời, Nhà nước cũng có thái độ dịch vụ tốt hơn, để doanh nghiệp hào hứng làm ăn, đóng thuế nhiều hơn. 

Về dài hạn, Chính phủ nên có chiến lược 5 năm, 10 năm hỗ trợ kinh tế tư nhân cũng như các doanh nghiệp SME. Nhìn sang các nước xung quanh chúng ta, ví dụ Nhật Bản, Singapore... họ có những chính sách rất tốt, như 24 giờ có thể mở công ty, như thế mới kích thích mở công ty, kích thích khởi nghiệp, ươm mầm được những lứa doanh nhân trẻ…

* Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Cần hành động

chu tien dung

Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho rằng cần có những chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp

Những sự trợ lực về chính sách, Chính phủ, Quốc hội đã nhận thức rồi thì làm sao biến thành hành động để giúp các doanh nghiệp. Đây là giai đoạn đặc biệt, những khó khăn thách thức rất đặc biệt chưa từng có, nên doanh nghiệp cần những chính sách đặc biệt chưa từng có.

Ở đây tôi muốn nói là làm sao để tính khả thi của các quy định, gói hỗ trợ, chính sách nó thực sự là "tiền tươi thóc thật", doanh nghiệp tiếp cận được một cách tối đa, thực sự là động lực đồng hành với doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng, trong thời gian vừa qua, quá trình thực hiện luôn luôn có những vấn đề chưa kịp thời, chưa đồng bộ.

Tâm sự của một doanh nhân về những ngày Tâm sự của một doanh nhân về những ngày 'bão lửa'

TTO - Khi TP.HCM quyết định phải "3 tại chỗ" để sản xuất, chúng tôi rất bối rối. Kịch bản xấu nhất là nếu đóng cửa, chúng tôi mỗi sáng thức dậy vẫn phải trả chi phí 3,5 tỉ đồng, khoảng 100 tỉ đồng mỗi tháng, với DN có đến 7.500 công nhân.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên