TTCT - Bán hết 37 trong 45 bức được trưng bày, triển lãm “Những cảm xúc bằng màu” của nhà văn Trần Thị Trường (từ 21 đến 31-12-2019 tại Hà Nội) có thể gọi là một hiện tượng trong làng hội họa VN. Trần Thị Trường, “Đối thoại của khác biệt, 2019”, 40x50cm, sơn dầu trên toan.“Kể từ năm 2000 đến nay, đây là lần đầu tiên có tới 80% số tác phẩm trưng bày của một triển lãm tại địa điểm này được mua...” - họa sĩ Nguyễn Xuân Thủy, giám đốc nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, cho biết.Có nhiều lý do tranh của Trần Thị Trường được nhiều người thích. Đây là triển lãm đầu tay của một nhà văn lần đầu cầm cọ, với các bức hầu hết là tĩnh vật, vẽ bình, lọ, hoa, vẽ góc nhà, bếp củi.. mộc mạc, tình cảm. Nhưng lý do chính để người xem mở hầu bao đưa tranh về có lẽ là mức giá mà tác giả đặt ra: từ 7 triệu đồng (cho những bức khổ 30x40 và 40x50) đến 23 triệu đồng (cho những bức khổ lớn 120x80).Trần Thị Trường, “Chờ xuân, 2019”, 50x40cm, sơn dầu trên toan.Đó là mức giá hợp lý ở nhiều điểm. Đa phần khách tới triển lãm là bạn bè văn nghệ sĩ của tác giả - những người mà khoản chi dưới 10 triệu đồng cho một bức tranh là phù hợp, khó có thể trả cao hơn dù muốn. Còn từ góc nhìn của nhà sưu tập, Trần Thị Trường tuy là nhà văn có tiếng song tuổi nghề trong hội họa còn trẻ, giá trị thương mại của tác phẩm chưa được xác lập. Và tác giả có lẽ đã rất hiểu và yêu công chúng của mình để đưa mức giá phù hợp số đông người thưởng lãm.Một bài học hay về đặt giá đúngVới nghệ sĩ, đặt giá tác phẩm luôn là việc khó nhất khi tổ chức triển lãm. Trước đây, các gallery thường làm việc này vì không ai hiểu người mua tranh bằng họ. Tuy nhiên, sự thoái trào của các gallery với lối làm việc cũ ít tạo được giá trị tăng thêm cho tác phẩm, với sự phổ biến của mạng xã hội như một công cụ tiện lợi để tự giới thiệu tác phẩm, ngày càng nhiều họa sĩ chọn cách tự tổ chức triển lãm, trực tiếp đặt giá và bán tranh.Nhưng hầu hết họa sĩ không có đầu óc thương mại, không hiểu tâm lý và khả năng của người có thể mua tác phẩm của mình; chưa kể tâm lý con gà tức nhau tiếng gáy, thấy họa sĩ kia tranh cũng không đẹp hơn mình là mấy mà để giá cao, mình để thấp hơn thì lại thành như tự thừa nhận mình kém. Để giá cao cũng có cái hay là triển lãm chỉ cần bán được một vài bức cũng đủ tiền trang trải chi phí, may mắn thì dư ra một chút; tranh còn lại có thể mang về bán dần với cảm giác đó vẫn là tài sản trong nhà.Tuy nhiên, để giá ở mức mà nhiều người thích tác phẩm có thể mua được sẽ có nhiều cái lợi. Một họa sĩ có tác phẩm được nhiều nhà sưu tập trưng bày sẽ có nhiều người yêu nghệ thuật được tận mắt ngắm tác phẩm, qua đó biết đến họa sĩ nhiều hơn; tương ứng là nhu cầu đối với các tác phẩm của họa sĩ ấy sẽ lớn hơn trong tương lai. Và nhà sưu tập khi có cảm giác mua được tác phẩm với giá hợp lý cũng sẽ hứng thú hơn trong việc tiếp tục mua và quảng bá cho nghệ sĩ.Động cơ của nhà sưu tậpEmily Hall Tramain, một nhà sưu tập lừng danh người Mỹ, đã đúc kết: “Một nhà sưu tập có ba động cơ để sưu tập: (1) tình yêu chân thành với nghệ thuật, (2) cơ hội đầu tư, và (3) địa vị xã hội mà khoản đầu tư cho nghệ thuật mang lại. Không một nhà sưu tập nào thực sự là một nhà sưu tập mà thiếu một trong ba động cơ trên”.Tình yêu với tác phẩm có thể đến trước hoặc sau khi sưu tập. Nhiều người sẵn sàng mua tác phẩm như một khoản đầu tư và/hoặc để khẳng định địa vị xã hội, nhưng sau một thời gian sống chung với tác phẩm, ngắm nhìn nó hằng ngày, họ bắt đầu cảm và yêu nghệ thuật thực sự. Để thị trường tranh Việt phát triển, luôn cần có nhiều nhà đầu tư hơn.Nhà sưu tập Việt gần đây đã đông hơn, dù số lượng nhà sưu tập thực tế vẫn rất ít so với số người có tiềm lực tài chính để làm điều này. Nhiều người đã bỏ những khoản tiền khá lớn để mua tranh Đông Dương, tranh thời hậu chiến, tranh của các họa sĩ đương đại đã thành danh. Tranh đương đại của một vài họa sĩ trẻ bắt đầu được chú ý.Tuy nhiên, xét về mặt thương mại, đầu tư vào các họa sĩ đương đại trẻ luôn chứa nhiều rủi ro khi khó thể biết ai sẽ trở thành họa sĩ có tác phẩm “được giá”, số lượng tác phẩm của các họa sĩ trẻ cũng rất khó kiểm soát/kiểm định. Đó là lý do kể cả ở những thị trường rất lớn như Âu Mỹ, giá tác phẩm của các tác giả đương đại trẻ (kể cả đã thành danh) luôn ở mức rẻ. Tranh Pollock thời những năm 1950, tranh Warhol thời những năm 1960, 1970 chỉ được giao dịch với giá vài trăm đôla dù được nhiều nhà sưu tập danh tiếng mua.Người có tiền, đặc biệt là những nhà sưu tập có kiến thức, luôn cẩn trọng trong đầu tư. Trừ những trường hợp tác phẩm có sức lôi cuốn đặc biệt, nhà sưu tập, đặc biệt là nhà sưu tập đại gia, sẽ chỉ xuống tiền khi (1) thấy đây là cơ hội sinh lời, sau một thời gian tác phẩm có thể bán lại được với giá ít nhất cao hơn giá mua + lãi ngân hàng, và/hoặc (2) việc sở hữu tác phẩm khiến nhà sưu tập được một người (hay một nhóm người) nào đó ngưỡng mộ. Trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay, động cơ số 2 của nhà sưu tập sẽ khó được thỏa mãn, nên các họa sĩ chấp nhận bán giá “hợp lý” để cơ hội sinh lời của nhà sưu tập trở nên cao hơn.Cái khó của giá caoDạo qua một vòng vài triển lãm của các họa sĩ đương đại trẻ nhưng đã tương đối có tên như Hoàng Duy Vàng, Đỗ Hiệp, Nguyễn Khắc Chinh, Phạm Tuấn Tú… tại Bảo tàng Mỹ thuật, có thể thấy các họa sĩ trẻ đã hình thành tư duy khá chuyên nghiệp trong tổ chức triển lãm, chăm chút cho không gian, tài liệu và tác phẩm. Giá bán có mức tối thiểu khoảng 110 triệu đồng cho các tác phẩm của Duy Vàng, 140 triệu đồng cho tác phẩm của Tuấn Tú, 170 triệu đồng cho tác phẩm của Đỗ Hiệp, và đơn vị tính bằng xe ôtô cho tác phẩm của Khắc Chinh.Bức “Ở nơi đây” của Phạm Tuấn Tú, acrylic trên toan, 130x170cm, 2011.Các nghệ sĩ lý giải mức giá cao do số giờ lao động và nguyên vật liệu đầu tư vào tác phẩm. Quả thực, các tác phẩm đều được thực hiện rất công phu và tốn kém nguyên vật liệu. Duy Vàng bán 2/3 triển lãm với toàn bộ các bức khổ lớn có giá rất cao so với giá tối thiểu. Đỗ Hiệp bán được hơn một nửa số tranh, Khắc Chinh một số bức (riêng Tuấn Tú không có thống kê).Không bàn về giá trị nghệ thuật, khó mà nói mức giá của các họa sĩ này là cao hay thấp, ít nhất trên phương diện đầu tư, vì thị trường thứ cấp ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, người mua tác phẩm ngoài vì yêu thích ra cũng ít có cơ hội để kiểm nghiệm khả năng sinh lời của tác phẩm sau một thời gian ngắn. Một nhà sưu tập nhiều kinh nghiệm sau khi xem triển lãm của Đỗ Hiệp và Tuấn Tú nói rằng ông thích và có thể mua khá nhiều bức, nhưng sẽ để vài năm sau mua lại (từ họa sĩ hoặc những nhà sưu tập khác) vì ông dự đoán khi đó giá các tác phẩm này cũng không tăng mấy. Trước mắt, ông sẽ đầu tư vào việc khác sinh lời cao hơn, trừ khi các họa sĩ giảm 30-40% giá niêm yết.Việc đặt giá tranh cao hoặc rất cao có rủi ro là sau một vài giao dịch thành công thì họa sĩ (nếu thiếu một chiến lược dài hạn và một chuyên gia môi giới am hiểu thị trường) sẽ mắc kẹt với mức giá cao đó và không thể hạ giá tranh (dù rất muốn), phải giữ một lượng tranh tồn kho ngày một lớn. Và khi các tác phẩm chỉ nằm trong kho, khả năng được biết đến của họa sĩ đó sẽ ngày một giảm, thành công thương mại cũng giảm theo. Đã có nhiều họa sĩ đương đại tiếng tăm của Việt Nam rơi vào tình trạng này.Bức “Tìm kiếm gương mặt thật 3”, sơn dầu, 150x165cm, 2013 của Nguyễn Khắc Chinh.“Tranh tôi giá nên thế nào?”Việc định giá tranh là lựa chọn của họa sĩ/gallery. Sản phẩm nghệ thuật, ngoài việc tối đa hóa doanh thu theo một trong hai công thức: số lượng ít nhưng giá rất cao (đối tượng là nhà sưu tập đại gia) hoặc số lượng nhiều nhưng giá phải chăng (đối tượng nhà sưu tập trung lưu, văn nghệ sĩ trí thức), thì còn nhiều yếu tố khác phải cân nhắc: hình ảnh của họa sĩ, đẳng cấp được khẳng định qua giá bán, sự tiếp cận với công chúng, hứa hẹn về khả năng sinh lời và giá trị xã hội cho nhà sưu tập.Trong thương mại thuần túy, bán sản phẩm giá cao (như kim cương, hàng hiệu, du thuyền…) cho số lượng rất ít khách hàng cũng có thể mang lại doanh thu lớn ngang với bán sản phẩm giá phải chăng (như quần áo trung lưu, thực phẩm trung lưu…) cho số đông. Nhưng để bán được một sản phẩm với giá cao luôn đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên nghiệp. Họa sĩ sẽ khó mà vừa lo sáng tác vừa tự rèn luyện các kỹ năng chuyên môn của các nhà môi giới chuyên nghiệp. Chưa kể, trong mỹ thuật, nhiều tác phẩm không hề “kim cương, du thuyền” nhưng họa sĩ lại cứ thích hét giá “du thuyền, kim cương”.■Một số nơi như Vicas Studio đang tích cực đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng, thường xuyên tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ trẻ và lấy mức phí trung gian thấp (25% trên giá bán). Giá tranh ở đây thường vào khoảng 15-20 triệu đồng, như ở triển lãm “Những cô nàng” với các hoạ sĩ trẻ chưa tên tuổi (bán được rất ít). Triển lãm “Góp dó” tập hợp nhiều họa sĩ đương đại vẽ bằng bay, bán khá tốt các bức có mức giá trên dưới 10 triệu đồng.Các họa sĩ tương đối thành danh khi triển lãm tại Vicas cùng đặt giá thấp hơn giá ở các gallery khác (như Nguyễn Nghĩa Cương với mức giá từ 15-40 triệu đồng, bán được 2/3 số tranh). Gần nhất, tranh Lã Bá Quân (triển lãm “Hồn Xiêu Phách Lạc”) với mức giá từ 30-70 triệu đồng bán được 3 bức và giảm 25% giá cho khách Việt. Tags: Thị trường tranhBán tranhHọa sĩ đương đạiGiá tranhTrần Thị TrườngĐầu tư cho tranh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.