Trong công văn gửi đến báo Tuổi Trẻ, Công ty CP chuỗi thực phẩm TH (thuộc Tập đoàn TH) cho biết: "Chúng tôi cũng đã yêu cầu các đối tác tạm dừng toàn bộ quảng cáo của TH True MILK trên nền tảng YouTube để rà soát và đánh giá lại một lần nữa các kênh YouTube có thể hiển thị những quảng cáo tương tự".
Yêu cầu Google và đối tác giải trình
Cũng theo công văn, doanh nghiệp này cho biết đã ngay lập tức làm việc trực tiếp với đối tác quảng cáo và Google - cơ quan chủ quản của YouTube - để yêu cầu giải trình về việc quảng cáo của TH True MILK xuất hiện trong phim ngắn (clip) "Giải cứu con tin 9 - NCT Vlogs" (Câu view bất chấp để quảng cáo, Tuổi Trẻ ngày 8-3-2023).
Bên cạnh việc tạm dừng quảng cáo, doanh nghiệp này "cũng yêu cầu các đối tác tiếp tục nghiên cứu, áp dụng những giải pháp hiệu quả để phân tích đánh giá cả các nội dung trong từng clip có khả năng liên quan đến các nội dung nhạy cảm hay không để từ đó hạn chế các trường hợp tương tự có thể xảy ra".
Tương tự, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cũng "đã ngay lập tức rà soát nội bộ" sau thông tin từ các bài viết của Tuổi Trẻ. Theo kết quả xác minh sơ bộ, đại diện sàn này xác nhận "một số link quảng cáo mà Tuổi Trẻ phản ánh là từ các đối tác quảng cáo mà chúng tôi có liên kết".
Shopee đã gửi yêu cầu đến đơn vị đối tác liên quan để xác minh, đồng thời yêu cầu đối tác thiết lập hệ thống rà soát các nội dung vi phạm pháp luật dựa trên quy chuẩn của hệ thống quảng cáo.
Trong khi đó, theo sàn Lazada, việc chạy quảng cáo được thực hiện thông qua những hợp đồng với các công ty quảng cáo/chủ quản mạng lưới lớn trên thế giới và trong nước. Trong hợp đồng với các đơn vị này đều có điều kiện thỏa thuận yêu cầu họ không đưa hình ảnh quảng cáo của Lazada lên các trang web có nội dung xấu, không lành mạnh...
"Chúng tôi sẽ thực hiện vai trò của mình là phối hợp chặt chẽ với các đối tác (công ty quảng cáo/chủ quản mạng lưới lớn) để đảm bảo trải nghiệm an toàn trên Internet cho người dùng", đại diện sàn này thông tin.
Đừng nghĩ người tiêu dùng bỏ qua
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông D., trưởng phòng marketing một quỹ đầu tư tại VN, cho rằng hình ảnh của các nhãn hàng bị xuất hiện quảng cáo trên các website hoặc kênh bẩn đa số là do các bên affiliate (tiếp thị liên kết - một hình thức của trung gian quảng cáo) cố tình chạy để lấy lượng truy cập. Lượng truy cập này sẽ ghi nhận số tiền hoa hồng mà bên đó được hưởng nếu có người mua hàng trên sàn thương mại điện tử.
Người mua đến từ quảng cáo của bên nào, bên đó hưởng phần trăm hoa hồng. Cụ thể, về bản chất các nhãn hàng hay các sàn thương mại điện tử khi chạy quảng cáo đều muốn kết quả nhận được là có khách hàng mua sản phẩm của mình (thuật ngữ trong ngành hay gọi là ra đơn).
"Doanh nghiệp affiliate giống như người bán hàng thay cho nhãn hàng nên họ "quăng lưới" càng rộng, số lượng ra đơn càng nhiều", ông D. cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tuân, giám đốc Công ty truyền thông Dòng Chảy Phương Nam, cho rằng lãnh đạo công ty có thể không biết nhưng team marketing (bộ phận phụ trách tiếp thị) không thể không biết việc các đối tác, trung gian quảng cáo "chạy" trên những trang web, kênh nội dung xấu độc, vi phạm bản quyền, thuần phong mỹ tục.
Bởi sau một chiến dịch chạy quảng cáo online đều phải có kết quả nghiệm thu (gồm báo cáo các thông số hiệu quả như lượt hiển thị, lượt truy cập, ra đơn...) rồi mới thanh toán chi phí. Do đó, team marketing hoàn toàn nắm được cụ thể các thông số đến từ những nguồn nào (trang web, kênh nội dung).
"Tuy nhiên, vì chiết khấu cao và mang lại hiệu quả (tiếp cận khách hàng, ra đơn) rất cao nên thường có sự "bật đèn xanh" giữa các bên để công việc diễn ra nhanh chóng với kết quả tốt đẹp, bất chấp việc hình ảnh nhãn hàng có thể xuất hiện trên những nơi có thể tác động xấu đến thương hiệu, uy tín của họ", ông Tuân chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử (FPT Polytechnic), trong trường hợp nhãn hàng chi một số tiền lớn, nhà quảng cáo sẽ có áp lực về chỉ tiêu (KPI) cộng thời gian hạn chế.
Quảng cáo bị hiển thị dồn dập trong thời gian ngắn có thể khiến Google gặp sai sót trong quá trình phân phối quảng cáo. Do đó, việc quảng cáo của nhãn hàng bị "bắn" vào các video trên YouTube có nội dung xấu độc không phải là chuyện hiếm gặp.
"Để đảm bảo uy tín của mình, nhãn hàng cần hỗ trợ từ các nhà quảng cáo, thường xuyên kiểm tra rà soát, khi phát hiện bất thường phải báo về để chặn kênh YouTube độc hại, đồng thời gỡ quảng cáo của nhãn hàng ra khỏi các video này, hoặc ngăn không cho nhảy vào trong thông qua việc thông báo cho Google hoặc dùng các loại trừ do Google cung cấp", ông Huy khuyến nghị.
Người dùng gây sức ép với các nhãn hàng
Đầu năm 2023, mạng xã hội Twitter đã đối mặt với làn sóng di cư của các thương hiệu sau khi ông chủ mới Elon Musk hồi sinh hàng loạt tài khoản đã bị cấm trước đó, gồm nhiều nhân vật lan truyền thông tin thù hằn, sai lệch.
Theo Đài CNN, hơn một nửa trong số 1.000 bên đặt quảng cáo hàng đầu, bao gồm Coca-Cola, Unilever..., đã tẩy chay mạng xã hội này trong tháng 1-2023 khiến doanh thu của Twitter giảm đến 60%. Tổ chức Trung tâm chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (CCDH) cũng kêu gọi các công ty ngừng quảng cáo trên Twitter với lo ngại hình ảnh thương hiệu của họ có thể được đặt bên cạnh các nội dung độc hại.
Sự cứng rắn của các thương hiệu đến từ sức ép của người tiêu dùng. Một khảo sát tại Anh cho thấy hầu hết người tiêu dùng đều lo ngại việc nội dung độc hại tràn lan trên mạng với 85% ý kiến khẳng định sẽ không mua hàng của các thương hiệu quảng cáo trên các nội dung độc hại.
Chính phủ các nước cũng mạnh tay đưa ra các quy định bảo vệ người dân khỏi các nội dung độc hại với mức phạt lên đến hàng tỉ USD đối với các mạng xã hội...
Ngô Hạnh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận