Việc từ chối bảo hiểm vàng, USD không phải là biện pháp chống đôla hóa.
Phóng to |
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm phát biểu tại buổi thảo luận ngày 11-11 -Ảnh: Việt Dũng |
Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng (Hà Nội) phân tích tiền gửi ngoại tệ của dân cư là khoản sở hữu hợp pháp của người dân bằng nhiều cách có được như làm việc ở các tổ chức nước ngoài, kiều hối. Một khi các ngân hàng thương mại còn được phép huy động tiền gửi ngoại tệ thì phải có trách nhiệm với các khoản tiền gửi đó. Mặt khác, từ nay đến năm 2020 VN vẫn rất cần một lượng ngoại tệ lớn để phát triển kinh tế, vẫn coi trọng nguồn kiều hối đầu tư trực tiếp, gián tiếp, các doanh nghiệp vẫn cần lượng ngoại tệ lớn để thanh toán.
Bảo hiểm USD không làm tăng đôla hóa
“Cho rằng bảo hiểm USD sẽ làm tăng tình trạng đôla hóa là không đúng. Đôla hóa mạnh nhất chính là ở thanh toán chi trả trong dân bằng đôla, cho vay bằng đôla của các tổ chức tín dụng. Còn khi dân cư có ngoại tệ, các ngân hàng thương mại huy động vào ngân hàng chính là hành vi hạn chế đôla hóa” - ông Hùng nói.
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) phân tích thêm: báo cáo giải trình nói rằng theo thông lệ quốc tế, ở hầu hết các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... cũng chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ, nhưng người dân ở các nước này không đổi ra ngoại tệ để gửi ngân hàng. Hơn nữa ở các nước này quản lý ngoại hối rất chặt chẽ. “Tôi đề nghị nên bảo hiểm đối với cả đôla và vàng, là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của công dân, để bảo đảm sự bình đẳng giữa những công dân gửi tiền đồng VN và những công dân gửi vàng và ngoại tệ vào ngân hàng” - ông Thức đề nghị.
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên độc lập
Tiếp tục bức xúc với quy định mức chi trả tối đa 50 triệu đồng cho người gửi trong trường hợp tổ chức tín dụng mất tính thanh khoản, ông Phạm Huy Hùng lên tiếng: “Nhìn vào thực trạng phí bảo hiểm tiền gửi thu đồng hạng thời gian vừa qua đã dẫn đến một nghịch lý là các ngân hàng thanh khoản kém luôn dẫn dắt thị trường. Các ngân hàng thương mại không đáp ứng tốt yêu cầu về thanh khoản vẫn luôn được tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước với cùng một chế độ như các ngân hàng thương mại hoạt động tốt. Tôi cho rằng phí bảo hiểm tiền gửi phải theo mức độ rủi ro, hoạt động của từng tổ chức tín dụng. Cơ chế phí bảo hiểm này không chỉ tạo ra sự công bằng mà còn khuyến khích các tổ chức tín dụng lành mạnh tham gia hệ thống và hạn chế rủi ro đạo đức”.
Đồng tình với ông Hùng, TS Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết: “Rõ ràng trong mấy năm qua và đặc biệt trong thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại cứ chạy đua lãi suất. Dù biết rằng rủi ro cao nhưng nhiều người vẫn gửi vì nghĩ rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không để nó phá sản”. Vì vậy, ông Lịch cùng với nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Cao Sỹ Kiêm kiến nghị “phí bảo hiểm tiền gửi nên quy theo mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng, tiến tới sẽ phải xếp loại các ngân hàng thương mại về độ rủi ro”.
Để đảm bảo tính khách quan, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi không nên thuộc Ngân hàng Nhà nước mà phải độc lập hoặc trực thuộc Chính phủ.
Cùng ngày, với đa số phiếu đồng ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo đó, tại kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5-2012), Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.
Ngày 11-11, Quốc hội đã thông qua Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật lưu trữ và Luật đo lường. Theo đó, để bảo vệ người tố cáo, Luật tố cáo quy định việc giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác là quyền đương nhiên của người tố cáo và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này, không kể người tố cáo có yêu cầu hay không. Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập thì người giải quyết tố cáo phải chủ động chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác để áp dụng biện pháp kịp thời bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ và cơ quan chức năng sẽ chỉ xem xét những đơn này nhằm tránh tình trạng lợi dụng quyền để tố cáo sai sự thật. Có đại biểu yêu cầu bổ sung các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại nhưng Quốc hội không đồng ý vì việc quản lý các thông tin thuộc loại này còn nhiều khó khăn, bất cập, không thể quy định điều này nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối. Luật khiếu nại vừa được thông qua cũng có điểm mới là khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại được chọn: hoặc khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc khởi kiện ngay ra tòa thay vì phải đợi sau khi khiếu nại lên người ra quyết định xong mới được đưa ra tòa. Ngay cả với quyết định, hành vi hành chính của cấp bộ trưởng thì người khiếu nại cũng có quyền lựa chọn khiếu nại đến bộ trưởng hoặc khởi kiện ngay ra tòa. Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hoặc kể từ khi biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận