Các thí sinh trao đổi bài thi - Ảnh: Thanh Tùng |
Thí sinh ra khỏi phòng thi - Tiến Thành |
Những thí sinh đầu tiên thi xong môn hóa - Ảnh: Tiến Thành |
Thí sinh Tây Nguyên: Câu thì dễ quá, câu khó "dã man"
Thí sinh Phan Văn Công (thị xã Buôn Hồ) cũng cho biết đề thi lý thuyết quá nhiều. Công làm được 70% bài thi.
Phụ huynh Trần Văn Hợi (thị xã Buôn Hồ) cho biết nếu con gái thi xong sớm thì hai bố con đi xe máy về nhà sớm, còn nếu muộn sẽ cho con ở lại chơi, giải tỏa áp lực trong ba ngày thi.
Đề hóa năm nay tương đối dễ đối với những thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, tuy nhiên, rất khó để đạt điểm 9, 10, đó là nhận định của nhiều thí sinh ở điểm thi Trường THPT Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
“Phần lý thuyết tương đối dễ, nếu cẩn thận có thể dành trọn điểm phần này. Tuy nhiên, muốn đạt 7, 8 điểm thí sinh không chỉ nắm được kiến thức cơ bản mà còn phải biết cách vận dụng để giải quyết từng bài toán khó” - Hoàng Tuấn Anh (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ.
Em Nguyễn Hải Hòa (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) nhận định: “Hầu hết các câu hỏi lí thuyết đều dễ, một nửa số câu trong đề thi rất cơ bản, đa phần học sinh có thể làm được, nên học sinh ở mức trung bình dễ dàng đạt được 5 điểm. Một nửa số câu ở mức độ nâng cao nhằm phân loại học sinh trung bình và học sinh khá”.
Hòa cũng cho biết thêm, đề thi có khoảng 15 câu khó, nếu biết vận dụng và có cách giải nhanh thì mới hi vọng giành được điểm cao.
Chiều cùng ngày, nhiều phụ huynh các huyện ở Đắk Lắk như Ea H'leo, Krông Ana, Buôn Hồ... đã chuẩn bị sẵn đồ đạc để đón con về nhà. Chuẩn bị sẵn túi xách, phụ huynh Nguyễn Thị Hoa (H.Ea H'leo) cho biết sau khi con thi xong thì 16g30 hai mẹ con sẽ bắt xe về nhà. "Tôi thấy việc tổ chức kỳ thi năm nay rất thuận tiện cho phụ huynh đi lại, đỡ gây tốn kém tiền bạc, vừa không gây áp lực cho học sinh. Đặc biệt đề thi năm nay rất sát thực" - bà Hoa nói.
Tại điểm thi Trường THPT Dân lập Phú Xuân, Đắk Lắk hầu hết thí sinh đều cho rằng để làm được 7 điểm trở lên rất khó vì có khoảng 10 cuối rất khó, đòi hỏi tư duy và suy luận cao.
Theo bạn Hoàng Đình Mạnh (huyện Cư M’gar), đề Hóa vừa dễ mà vừa khó. “Phần lý thuyết rất nhiều, chỉ cần học kỹ lý thuyết cũng đã có thể có 5 điểm dễ dàng. Tuy nhiên có khoảng 10 câu đòi hỏi có học lực giỏi mới có thể làm được” - Mạnh nói.
“Phần lớn cả lý thuyết và bài toán đều ra nhiều ở phần hóa học vô cơ, đặc biệt phần kim loại. Có một ít câu liên quan đến kiến thức lớp dưới nhưng đã được thầy cô nhắc nhở ôn thi từ trước nên đã làm rất tốt” - bạn Lê Đình Cảnh (Đắk Nông) cho biết.
Còn bạn Nguyễn Xuân Lương (huyện Ea Kar) thì hồ hởi: “Câu thì dễ quá, câu thì khó ... dã man!”. Tuy nhiên Lương cũng cho biết riêng câu dễ cho học sinh trung bình cũng chiếm đến 60% rồi và trong phần này chủ yếu là lý thuyết.
Thí sinh tại trường THPT Dân Lập Phú Xuân (Đắk Lắk) vui vẻ sau khi kết thúc môn Hóa - Ảnh: Lĩnh Hồng |
Ông Lê Đình Cảnh (Đắk Nông) đợi con trai thi xong môn hóa - môn thi cuối cùng để về nhà - Ảnh: Lĩnh Hồng |
Thí sinh TP.HCM: 10 câu cuối khó
Tại hai hội đồng thi trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn nhiều phụ huynh đã mang sẵn hành lý theo đợi con để về quê ngay trong chiều hôm nay. Hầu hết hai cụm thi này gồm thí sinh của tỉnh Long An.
Thí sinh dò xem lại đề thi khi vừa thi xong tại điểm thi trường Trung học thực hành Sài Gòn - Ảnh: Phước Tuần |
Nhận định về đề Hóa chiều nay, nhiều thí sinh ở điểm thi trường ĐH Sài Gòn đánh giá đề Hóa có ít câu hỏi khó. Trong đề vẫn có khoảng 50% câu hỏi dễ, tính toán cơ bản. Số lượng câu hỏi lý thuyết định tính nhiều, đặc biệt là ở phần hóa hữu cơ. Phần hóa vô cơ ít nhưng câu hỏi khó lại nằm trong phần này.
Bạn Lý Minh Hoàng (THPT Mạc Đình Chi, TP.HCM) cho rằng đề hóa đạt điểm 5-6 rất dễ lấy, những muốn được 8-9 điểm không dễ. Vì đề thi ra phần câu dễ thì quá dễ, mà khó thì khá khó nên phổ điểm ít tập trung vào 6-7 điểm. Hoàn thành cả ba môn khối A, Hoàng nhận định có thể năm nay điểm chuẩn khối A của các trường sẽ tăng lên đáng kể vì đề chung cho tốt nghiệp nên hầu hết các bạn đều làm tốt.
Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) ra khỏi cổng trường với gương mặt rầu rĩ. Theo đa số thí sinh, mười câu cuối khó và phải tính toán nhiều.
Tại điểm Trường trung học thực hành Sài Gòn, đa số các bạn đánh giá đề môn hóa khá hay, có tính phân loại cao. Trong 50 câu, 60% câu hỏi nằm trong sách giáo khoa, thí sinh nắm chắc kiến thức có thể làm tốt, còn lại 40% là những câu hỏi phân loại học sinh khá, giỏi.
Thí sinh Phan Văn Hiếu, học tại Trường THPT Châu Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết mình làm được hơn 6 điểm, khá hài lòng về kết quả. Có 5 câu rất khó, tốn thời gian suy nghĩ và câu khó nhất là về phần amino axit. Thí sinh Trần Văn Bảo, học tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đề khá dài, có những câu hỏi gài bẫy, phải đọc kĩ để không tính nhầm.
Thí sinh Vũ Lê Ngụy Yến, học tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4 (TP.HCM) cho biết những câu dài là những câu khó, nhiều dữ kiện rối rắm, phải bình tĩnh đề xử lý dữ liệu. Thí sinh đánh giá đề hay và độc đáo, câu hình vẽ minh họa thí nghiệm không quá phức tạp.
Tại điểm thi trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, TP.HCM, thí sinh Nguyễn Ngọc Tiến (THPT Trần Phú, TP.HCM) nhận định đề có khoảng 70% cơ bản, đối với đề này, những bạn nào nắm vững lý thuyết sẽ đạt phần lớn số điểm. Tiến ước lượng mình được trên 8 điểm.
Thí sinh Anh Phương (THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) cho biết đề có cấu trúc sát đề minh họa của bộ. Đề này tương đương đề lý, câu nào dễ rất dễ và khó rất khó. Phương học khối A và có sức học khá tốt. Nhiều thí sinh “than” đề có khoảng 5 câu rất khó, học sinh học giỏi hóa mới làm được.
Tương tự, tại điểm thi Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhiều thí sinh cho rằng dài và có sự phân hóa lớn. “Em chỉ làm được 40%, đề có 50 câu, những câu đầu đơn giản nhưng càng về sau càng khó dần và cực khó” – Nguyễn Thị Oanh (THPT Thạnh Lộc, Q.12), thí sinh đầu tiên ra khỏi cổng trường thi, cho biết.
Tương tự, thí sinh Thái Văn Lợi (THPT Hiệp Bình, Q.12), nhận xét: “Đề thi quá dài, Đang dễ rồi đùng cái gặp liền 5 câu khó rồi lại tiếp tục dễ. Khó nhất là phần hữu cơ. Vì thi khối A1 nên em mong môn hóa được 5 điểm”.
Một số thí sinh thi khối A cũng nói ra đề thi khó lấy được điểm cao. “Em ước chừng mình làm được 70%. Một số câu bài tập rất khó. Trong đó, có câu về điện phân muối sunphat em không biết bắt đầu từ đâu.”
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc cụm thi ĐHQG TP.HCM, nhiều thí sinh chỉ làm được 30/50 câu trong đề hoá.
Với đề này học sinh trung bình có thể làm được 50%,để đạt điểm cao phải có kiến thức nâng cao.
Thí sinh thi xong môn hóa tại THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh - Ảnh: Hồng Nguyên |
Đồng Tháp: Đề khó vừa phải!
Đa phần các thí sinh tại cụm thi tỉnh Đồng Tháp cho biết đề Hóa ở mức độ vừa phải, câu hỏi dàn trải ở tất cả các nội dung trong chương trình học. Độ khó đề thi tăng dần từ trên xuống dưới, nội dung cân bằng giữa lý thuyết và bài tập. Nhiều em nhận định với đề thi này học sinh có học lực trung bình có thể lấy 5 điểm, học lực khá có thể đạt 7,8 điểm.
Thí sinh Nguyễn Thị Kim Chi, trường THPT Trần Văn Năng (Đồng Tháp) cho biết với đề thi này học sinh có lực học trung bình khá có thể dễ dàng kiếm 5 điểm. “25 câu hỏi đầu tương đối dễ dàng còn các câu hỏi phía cuối rất khó, phải học sinh khá giỏi mới có thể giải được”, Chi bộc bạch.
Cần Thơ: Than trời vì đề quá khó!
Tại hội đồng thi Trường ĐH Cần Thơ, nhiều thí sinh than trời bởi đề thi hóa năm nay quá khó. Đa số bỏ không làm trên 10 câu. Với đề thi này, học sinh trung bình chỉ kiếm được 4 - 5 điểm. học sinh khá chỉ kiếm được khoảng 6 điểm. Còn 7 điểm trở lên thì cực kì khó kiếm.
Các thí sinh ra về sau khi kết thúc môn thi hóa ở hội đồng thi Trường ĐH Cần Thơ - Ảnh: Minh Tâm |
Thí sinh Nguyễn Hoàng Minh trường THPT Thốt Nốt TP Cần Thơ cho biết : “Đề gồm 50 câu, trong đó khoảng 30 câu thuộc chương trình 12, còn lại nằm trong chương trình 10 và 11 nâng cao. Những câu nâng cao cực kì khó bởi vì đề cho số liệu rất ít, phải động não rất căng và có kiến thức sâu mới làm được".
Nghệ An: "Không kịp giờ nên vòng đại 10 câu"
Thí sinh Nguyễn Văn Biển (quê huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho biết: “Cấu trúc đề có 50 câu hỏi, kiến thức rải đều nhưng phần lý thuyết hơi nhiều. Trong đề hóa có khoảng 10 câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, tính toán lâu hơn và chủ yếu dành cho học sinh khá giỏi. Em làm được khoảng 60% đề thi Hóa học thôi”.
Biển cho biết khi biết kết quả thi sẽ nộp hồ sơ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Chung nhận định với Biển, nhiều thí sinh dự thi khối A cho rằng, đề Hóa khó “ăn điểm” hơn so với hai môn Toán và Vật lý.
Chiều 3-7, hơn 1.600 thí sinh dự thi cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì cũng hoàn thành xong bài thi môn hóa.
Thí sinh Phạm Thị Thanh Tâm - ngụ TX Cửa Lò cho biết: “Đề thi Hóa học hơi dài nên có 10 câu hỏi mình không làm kịp, phải vòng đại vào vì hết giờ”.
Hiếm nụ cười sau bài thi môn Hóa học tại điểm thi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) - Ảnh: Doãn Hòa |
Thí sinh trao đổi lại bài đề thi môn Hóa học - Ảnh: Doãn Hòa |
Nhiều thí sinh cho rằng đề thi môn Hóa học khá dài nên không làm kịp - Ảnh: Doãn Hòa |
Giáo viên nhận định: 30 câu dễ, 10 câu cực khó Đánh giá về đề thi môn hóa học, thầy Đặng Văn Thành, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) cho biết đề thi cơ bản đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và ĐH bởi tính phân loại rất cao. Đề thi đi từ dễ đến khó và rất khó. Khoảng 30 câu đầu tương đối dễ, hầu hết là lý thuyết, chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là làm được, không cần phải tính toán nhiều. 10 câu tiếp theo mức độ khó tăng dần lên và học sinh khá mới có thể làm được. Trong đề có 10 câu cực khó, tương đương với các câu khó nhất trong đề thi ĐH khối A, B năm 2014. Đây là các câu dành cho học sinh giỏi và xuất sắc. Thí sinh phải tính toán nhiều, nắm vững lý thuyết và rèn luyện nhiều với những dạng bài này mới có thể làm. Với học sinh trung bình và khá có thể sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Như vậy, học sinh trung bình nếu học kỹ có thể làm được 5 điểm, khá có thể đạt 7 điểm và để đạt điểm 8, 9 phải là học sinh rất giỏi. Giáo viên nhận định: không dễ đạt 9,10 điểm môn hóa Theo Th.s Nguyễn Cửu Phúc, giáo viên môn hóa, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM, đề thi môn hóa có hơn 50% số câu hỏi thuộc dạng biết và hiểu, học sinh trung bình có thể làm được những câu này để có thể tốt nghiệp THPT. Đề thi có khoảng 20 câu thuộc dạng vận dụng và nâng cao. Trong đó có 5 câu rất khó, yêu cầu thí sinh phải nắm vững tính chất hóa học, phân tích kỹ đề bài, có phương pháp giải thuần thục, đặc biệt các em phải có sự nhạy bén và sáng tạo mới làm được trọn vẹn. Dự đoán, điểm môn hóa năm nay sẽ nhiều người đạt 7 điểm nhưng điểm 9,10 sẽ không nhiều vì đề thi thể hiện sự phân loại một cách rõ rệt. Đây là đề thi thỏa mãn được nhu cầu hai trong một: vừa có thể xét tốt nghiệp THPT vừa có thể dùng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. |
Đà Nẵng: Môn hóa lý thuyết dễ, tính toán quá dài
Thí sinh rời khỏi phòng thi điểm trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung |
Đó là nhận xét của các thí sinh dự thi tại điểm Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng. Các thí sinh đều cho rằng đề thi môn hóa năm nay quá dài và khó.
Thí sinh Lê Phương Thy Thy dự thi tại hội đồng này cho biết: “Những câu hỏi lý thuyết khá đơn giản, không đánh đố chỉ cần có học là làm được. Tuy nhiên những bài tập tính toán rất khó mà thời gian giải bài tập cho mỗi câu chưa tới 2 phút nên em làm không kịp, có nhiều câu phải điền bậy”.
Tương tự, thí sinh Lê Huy cho rằng đề thi quá dài, trong số 50 câu thì những câu cần bấm máy tính giải toán rất nhiều.
“Câu trúc đề năm nay vẫn nặng về chương trình lớp 12 nhưng vẫn gây khó vì quá dài. Theo em với đề hóa này điểm trung bình là chủ yếu chứ điểm 8-9 thì không dễ gì lấy”- Huy nói.
Thí sinh vừa kết thúc phần thi môn hóa tại điểm thi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM -Ảnh: Thanh Tùng |
Các thí sinh đội nắng đón xe bus sau giờ thi -Ảnh: Thanh Tùng |
Các thí sinh đội nắng đón xe bus sau giờ thi -Ảnh: Thanh Tùng |
Thí sinh tại điểm thi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM trao đổi sau giờ thi môn hóa -Ảnh: Thanh Tùng |
Thí sinh Hải Phòng: vẫn cười nhưng than khó!
Chiều 3-7, nhiều sĩ tử tại điểm thi trường Cao đẳng Viettronis (Cát Bi, Hải Phòng) rời phòng thi với nụ cười thường trực trên môi nhưng phần lớn đều nhận định đề hóa năm nay khó và có tính phân loại cao hơn so với mọi năm.
Thí sinh Trịnh Văn Huy (Thủy Nguyên, Hải Phòng) nhận định 30 câu hỏi đầu của đề thi hóa có mức độ dễ, tuy nhiên những câu sau đó mức độ khó tăng dần. Huy chia sẻ bản thân làm được 80% nhưng không chắc chắn được nhiều. Sĩ tử Nguyễn Văn Trường (Cẩm Phả, Quảng Ninh) than đề hóa khó hơn so với mọi năm và bản thân chỉ làm được 30% bài thi.
Kết thúc giờ thi hóa, nhiều sĩ tử vẫn tranh thủ lán lại để trao đổi thêm về đề thi mặc dù phụ huynh đã chuẩn bị sẵn đồ đạc về quê sau khi con em hoàn tất kỳ thi. Phụ huynh Vũ Thị Trịnh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết đã trả phòng và mang theo đồ đạc đợi con ngoài điểm thi từ trưa 3-7.
"Nắng nóng mấy ngày nay nên tôi quyết định cho con về ngay để nghỉ ngơi giữ sức khỏe chứ không ở lại tham quan Hải Phòng." - bà Trịnh chia sẻ thêm.
Thí sinh với nụ cười trên môi rời điểm thi sau khi kết thúc môn hóa - Ảnh: Tiến Thắng |
Nhóm thí sinh nữ tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) trao đổi môn thi hóa học - Ảnh: Tiến Thắng |
Nhiều thí sinh ở Thái Bình không làm được bài
Các thí sinh vui mừng sau khi kết thúc môn thi Hóa học - Ảnh: V. V. Tuân |
Tại điểm thi trường Đại học Thái Bình, thí sinh có hai tâm trạng rõ rệt. Những thí sinh học khá, giỏi đều phấn khởi cười rạng rỡ khi kết thúc môn thi này. Thí sinh Viết Dương cho biết: "Em làm được 46 câu. Còn 4 câu cuối khó quá nên dù còn thừa thời gian vẫn không giải được".
Tuy nhiên nhiều thí sinh không làm được bài. Thí sinh Hoàng Thu Hiền cho biết đề thi năm nay phần lý thuyết chiếm một phần khá lớn trong đề thi, và em chỉ làm được khoảng 20 câu.
Quảng Ninh: Đề hóa dễ trước khó saU
Nhiều thí sinh tại tỉnh Quảng Ninh cho rằng đề thi môn hóa học càng về sau càng khó, đặc biệt những câu hỏi về tính toán cuối đề.
“Đề thi có 50 câu thì em chỉ làm được 25-30 câu. So với mọi năm thì đề thi năm nay khó hơn, trong đó 10 câu cuối là khó nhất, xét chung thì lý thuyết dễ và bài tập tính toán khó. Em dự đoán môn này chỉ đạt được khoảng 5 điểm” - thí sinh Bùi Thanh Phương tại điểm thi trường THPT Lê Hồng Phong (Tp Cẩm Phả) cho biết.
Cũng tại điểm thi này, đa số học sinh đến từ Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên thành phố Cẩm Phả khi ra khỏi phòng thi đều tỏ ra bối rối. Các em cho biết không thể xác định mình làm đúng bao nhiêu và dự đoán được bao nhiêu điểm.
Kiên Giang: nếu thuộc công thức có thể đạt 50%
Thí sinh Thị Ngọc Tuyền - học sinh Trường THPT Châu Thành (huyện Châu Thành, Rạch Giá) - cho biết em chỉ làm được khoảng 25 câu trong đề thi môn hóa, phần còn lại chỉ biết khoanh tròn nhờ vào may rủi. Danh Trần Diễm My cho biết mình chỉ làm được 30/50 câu trong đề thi. Theo My, đề thi hóa học có nhiều bài tập và ít lý thuyết. Nếu học thuộc bài và công thức có thể hoàn thành 50% bài làm.
Có mặt từ rất sớm để đón thí sinh của trường, cô Trần Thị Minh Thảo - giáo viên giảng dạy môn hóa học của Trường THPT Châu Thành sau khi xem xong đề thi nhận định đề thi có 6 điểm dễ, 2 điểm trung bình và 2 điểm khó. Với đề thi này học sinh trung bình có thể đạt 5 đến 6 điểm, nhưng để đạt đến điểm 9, 10 phải là học sinh rất giỏi.
“Nhìn chung đề hóa năm nay hợp lý giữa các phần, học sinh thi tốt nghiệp không sợ rớt, còn học sinh xét đại học, cao đẳng sẽ cạnh tranh cao vì phần nâng cao rất khó” - cô Thảo nói.
Thí sinh lộ vẻ căng thẳng sau khi ra khỏi phòng thi - Ảnh: Đức Hiếu |
Cô và trò Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên thành phố Cẩm Phả kiểm tra bài làm ngay sau khi thi - Ảnh: Đức Hiếu |
Đồng Nai: đề hóa khó, nhiều thí sinh đánh "lụi"
Tại điểm thi Trường THPT Song Ngữ Lạc Hồng (Bửu Long, TP.Biên Hòa), thí sinh Lê Ngọc Dinh đánh giá đề thi môn hóa khó. Trong 50 câu hỏi, Dinh chỉ làm được trên dưới 50%, số còn lại Dinh không chắc chắn.
Tương tự, Ngô Ngọc Thanh Trinh (học sinh trường Bổ túc văn hóa Đồng Nai) cùng chung nhận định đề hóa học khó và dài. Trong 50 câu, có khoảng 15-20 câu khó. Sau 90 phút, Trinh chỉ làm được 70%, còn nhiều câu không làm được.
Trong khi đó, tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, em Đinh Xuân Hưng (học sinh trường Cao đẳng nghề Đồng Nai) cho hay trong tổng số 50 câu, khoảng 20 câu đầu Hưng làm được, còn 30 câu sau không chắc chắc, có nhiều câu phải đánh "lụi". Tuy nhiên, Hưng khá tự tin sẽ đậu tốt nghiệp THPT nhờ ba môn còn lại sẽ kéo môn hóa lên.
Theo thống kê của sở GD-ĐT Đồng Nai, môn hóa học có tổng cộng 15 thí sinh bỏ thi không rõ lý do, còn lại có 4 thí sinh khuyết tật không dự thi. Tính tổng cộng trong 3 ngày thi có tất cả 282 lượt thí sinh bỏ thi không rõ lý do tại cụm thi 48 - tỉnh Đồng Nai.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Tam Hiệp ra về - Ảnh: A Lộc |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận