Thầy Trần Văn Quang, giáo viên môn địa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nhận định: “Đề thi năm nay vừa sức thí sinh, có hai câu hỏi liên quan đến biển đảo. Nếu để ý một chút sẽ thấy vấn đề biển đảo được nhắc đến trong đề thi tốt nghiệp THPT môn địa từ ba năm nay và có tính chất nối tiếp nhau”.
Theo ông Quang: “Đề thi như năm nay với câu hỏi về biển đảo không chỉ có ý nghĩa giáo dục mà còn tác động tích cực vào quá trình dạy và học trong trường phổ thông: học sinh học không chỉ gói gọn theo sách giáo khoa mà cần phải biết thực tế xã hội. Đây là một tín hiệu tích cực để các môn xã hội trở nên gần gũi hơn với giới trẻ. Hi vọng sự đổi mới này sẽ được tiếp tục, đề thi có những câu hỏi liên quan đến cuộc sống thì môn địa mới hấp dẫn học sinh”.
Đặc biệt, theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi môn địa hệ giáo dục thường xuyên hay hơn hệ THPT vì câu hỏi về biển đảo rõ ràng hơn: “Nêu tên hai quần đảo xa bờ và hai huyện đảo ở nước ta. Giải thích tại sao cần phải kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của nước ta trên biển Đông?”.
Các giáo viên cho rằng: từ “kiên quyết” trong câu hỏi tạo nhiều cảm xúc hơn cho thí sinh trong khi làm bài. Theo bà Nguyễn Thị Bắc - giáo viên môn địa Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM): “Đề thi hệ THPT hỏi đến những vấn đề lý thuyết về vùng biển VN là cần thiết. Nhiều bạn trẻ chưa hiểu về khái niệm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... nên đề thi hỏi đến vấn đề này nhằm đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết cơ bản. Đề thi hệ giáo dục thường xuyên thì đi sâu hơn vào vấn đề, khẳng định hai quần đảo là của nước ta cũng rất ý nghĩa”.
Thầy Lê Minh, tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM), nói: “Năm nay, Bộ GD-ĐT đã đổi mới cách ra đề so với cấu trúc cũ, không còn phân theo từng chương, từng khu vực, không còn phần tự chọn giữa chương trình chuẩn và nâng cao.
Các câu hỏi khá ngắn gọn, đơn giản, nằm trong chương trình và không quá khó, chỉ đòi hỏi những kỹ năng cơ bản. Câu về tình hình thời sự biển Đông ở cả đề thi hệ phổ thông và hệ bổ túc đều sát tình hình thực tế.
Câu về năng suất lúa, trong sách giáo khoa đơn thuần chỉ cho số liệu, học sinh cần trình bày dẫn chứng về diện tích, sản lượng và năng suất, câu này đòi hỏi các em sử dụng tốt Atlat và phải có kỹ năng phân tích. Với đề thi này, phổ điểm 5-7 sẽ chiếm nhiều, học sinh trung bình cũng dễ dàng đạt 5 điểm, tuy nhiên để có điểm 9, 10 thì hơi khó.
Ở đề địa lý hệ giáo dục thường xuyên, câu “Giải thích tại sao cần phải kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của nước ta trên biển Đông” là câu hỏi mở, đáp án cũng cần phải mở. Trước đó, ý thứ nhất của câu này đề cập ngay vào hai quần đảo của nước ta. Với một số học sinh, câu này sẽ dễ mất điểm nếu trả lời lan man”.
Bùi Thị Mai Hương, học sinh lớp 12A13 Trường THPT Phú Nhuận, cho biết rất hào hứng với đề thi địa lý và ra sớm 20 phút so với giờ thu bài. “Trong đề thi có một câu hỏi về chủ quyền biển đảo.
Trước đó, vấn đề thời sự này đã xuất hiện trong đề thi ngữ văn và lịch sử nên em khá tự tin khi trả lời câu hỏi này. Vừa sử dụng kiến thức trong sách giáo khoa về đặc điểm vùng biển nước ta, vừa trình bày hiểu biết của mình về vấn đề chủ quyền đang là thời sự mà giới trẻ quan tâm”.
Môn hóa: thí sinh đạt điểm 10 sẽ ít hơn năm trước ThS Trần Thị Phương Thảo, giáo viên môn hóa Trường THPT Gia Định (TP.HCM), nhận định: “Đề thi có 32 câu hỏi thuộc dạng lý thuyết, 8 câu là bài tập. Nét mới của đề thi năm nay: không có phần tự chọn giữa câu hỏi cơ bản và câu hỏi nâng cao, có 6 câu hỏi thuộc dạng khó giúp phân loại thí sinh (chiếm 1,5 điểm) tương tự như cấu trúc đề thi tuyển sinh hệ cao đẳng (so với đề thi tốt nghiệp môn hóa những năm trước thì không có những câu phân loại như thế này). Theo tôi, phổ điểm môn hóa năm nay sẽ là 7,8,9. Nhưng phải là học sinh giỏi mới có thể đạt được điểm tối đa. Học sinh trung bình nếu có học bài và hiểu bài sẽ đạt được 6-7 điểm. Tuy nhiên, số thí sinh đạt điểm 10 sẽ ít hơn năm trước. Tôi cho rằng đề thi năm nay rất phù hợp với việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT: cho học sinh được quyền lựa chọn môn thi, những thí sinh đăng ký thi môn hóa phải có kiến thức tốt về hóa. Với 60% nội dung đề thi yêu cầu học sinh biết kiến thức, 40% còn lại yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng kiến thức, đề thi môn hóa năm nay có thể đánh giá là hay, chuẩn bị tốt cho quá trình hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành một”. |
Đề toán: hay, vừa sức Ông Nguyễn Duy Hiếu, tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nhận xét: “Đề toán năm nay có thay đổi cấu trúc so với năm trước: không có phần cho thí sinh tự chọn, bỏ bớt một câu hỏi có nội dung về số phức. Mặc dù vậy nhưng đa số câu hỏi đều thuộc dạng kiến thức cơ bản của lớp 12. Chỉ có vài câu khó hơn có tính chất phân loại thí sinh nhưng chỉ dừng lại ở mức độ phân loại giữa thí sinh có trình độ trung bình và trình độ khá mà thôi”. Tương tự, ông Nguyễn Tấn Kiệt - giáo viên môn toán Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM - cũng cho rằng: nội dung đề thi trải đều trong chương trình lớp 12. Trong đó có những câu được xem như “tặng không” cho thí sinh (có học bài là làm được) như câu hỏi về tích phân, hàm số, viết phương trình tham số của đường thẳng... Cái hay của đề thi năm nay là có ba câu thuộc dạng phân loại thí sinh nhưng mức độ khó không cao, phù hợp với tính chất của một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Kiệt: “Có thể nói đề toán năm nay là hay. Học sinh phải rèn luyện khả năng tư duy, có kỹ năng tính toán nhuần nhuyễn mới đạt được điểm tối đa. Với đề này, học sinh yếu - trung bình cũng có thể đạt 5-6 điểm, học sinh trung bình - khá có thể đạt 7-8 điểm”. H.HG. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận