Cách đây khoảng 23 thế kỷ, triết gia Hy Lạp Aristotle đã kết luận, hơn mọi thứ khác trên đời, hạnh phúc là điều mà tất cả mọi người đều tìm kiếm. Theo Từ điển Tiếng Việt, "hạnh phúc" là "trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện".
Nếu vậy, một sự mất mát dù lớn hay nhỏ sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta. Vì sự mất mát ấy là điều trái với ý nguyện của chúng ta.
Thứ mất đi càng lớn, càng quý thì chúng ta càng đau khổ, đau buồn, thậm chí không muốn sống nữa.
Làm thế nào để chúng ta biết rằng mình đã vượt qua được nỗi đau buồn này và có thể sống tiếp dù chúng ta không có lại thứ mà mình đã mất?
Học thuyết về 5 giai đoạn của đau buồn
Tôi thích đọc sách nói riêng và sách tâm lý nói chung, tôi đặc biệt thích tìm hiểu về mảng chữa lành. Nhờ đọc sách, tôi biết đến bác sĩ tâm thần học người Mỹ gốc Thụy Sĩ Elisabeth Kübler-Ross (1926-2004).
Bà là tác giả của học thuyết về 5 giai đoạn của nỗi đau buồn (còn gọi là mô hình Kübler-Ross) gồm: 1. Phủ nhận - 2. Giận dữ - 3. Đánh đổi - 4. Suy sụp - 5. Chấp nhận.
Nỗi đau buồn ở đây bắt nguồn từ sự mất mát ở các lĩnh vực như sức khỏe (mắc một căn bệnh trầm trọng, bị khuyết tật do tai nạn), tiền bạc, công việc, mối quan hệ tình cảm, sự xa lìa những người/vật thân thiết với mình.
Bất cứ ai khi đau buồn do mất mát cũng sẽ phải trải qua 5 giai đoạn nói trên. Nhưng chỉ khi nào đến giai đoạn Chấp nhận, người ta mới vượt qua được nỗi đau buồn.
5 giai đoạn của đau buồn biểu hiện như thế nào?
Tôi xin dẫn ra vài ví dụ để mọi người hiểu rõ hơn về 5 giai đoạn của nỗi đau buồn.
Chẳng hạn như một người bị bệnh hiểm nghèo. Thoạt đầu anh ta sẽ Phủ nhận: Mình không thể bị bệnh đó được, mình sống lành mạnh thế cơ mà. Có lẽ bác sĩ chẩn đoán sai rồi. Mình phải đi khám ở bệnh viện khác xem sao.
Tiếp theo anh ta sẽ Giận dữ: Thật là bất công. Tại sao tôi lại bị bệnh này? Tôi còn có bao việc phải hoàn thành.
Rồi anh ta chuyển sang giai đoạn Đánh đổi: Tôi sẽ thay đổi lối sống để cho cơ thể khỏe mạnh lên. Tôi sẽ bỏ thuốc lá, bia rượu. Tôi sẽ nghỉ làm để dành thời gian chăm sóc bản thân.
Khi đã thực hiện những cách thức đó và thấy không hiệu quả, anh ta chuyển sang giai đoạn Suy sụp: Tôi buồn quá. Tôi chẳng thiết làm gì nữa. Tôi chết đến nơi rồi, vậy cố gắng cũng có ích gì?
Đến khi tin rằng mình không thể làm gì để thay đổi được quá khứ, anh ta chuyển sang giai đoạn Chấp nhận, tập trung vào việc sống ở hiện tại: Mình bị bệnh này thật rồi, nhưng mình đâu phải là người duy nhất bị bệnh. Mình cũng đã chết ngay bây giờ đâu. Mình sẽ dành khoảng thời gian còn lại để làm những việc mình thích nhất, để ở bên những người mình yêu thương.
Một ví dụ khác, một người đau buồn vì bị người yêu bỏ.
Giai đoạn Phủ nhận: Chắc anh ấy giận dỗi nên nói thế thôi. Có khi vài ngày sau anh ấy lại làm lành đấy. Hay là có con nào đã ve vãn anh ấy? Mình phải tìm cho ra con ấy.
Giai đoạn Giận dữ: Tại sao anh ấy lại bỏ mình cơ chứ? Mình quan tâm tận tình đến anh ấy thế cơ mà.
Giai đoạn Đánh đổi: Cũng tại mình quá trẻ con cơ, anh ấy cũng nhiều lần phàn nàn rồi. Mình phải thay đổi tính tình thôi để kéo anh ấy trở lại.
Giai đoạn Suy sụp: Mình quá buồn khi anh ấy bỏ đi. Làm sao mình sống nổi nếu không có anh ấy?
Giai đoạn Chấp nhận: Anh ấy bỏ mình thật rồi. Xét cho cùng, hai đứa cũng chẳng hòa hợp, toàn cãi nhau về những chuyện linh tinh. Chia tay cũng là điều tốt cho cả hai. Mình phải sống tiếp cuộc sống của mình. Mình còn trẻ, phải phấn đấu cho sự nghiệp đã.
Áp dụng mô hình Kübler-Ross
Bất cứ khi nào bạn gặp phải nỗi đau buồn nào đó và muốn thoát ra khỏi nó, bạn có thể áp dụng mô hình Kübler-Ross nói trên để biết mình đang ở giai đoạn nào trong 5 giai đoạn.
Nếu muốn bản thân giải phóng được nỗi đau buồn và được chữa lành, bạn phải chuyển sang giai đoạn Chấp nhận.
Tôi thấy rằng có không ít người đã dừng lại ở giai đoạn Suy sụp và rồi nỗi đau buồn của họ đã kéo họ chìm xuống, chìm xuống mãi.
Những người nào vượt qua được nghịch cảnh và làm nên "phép màu" mà chúng ta đọc được tấm gương về họ trên báo chí chính là những người đã chuyển sang giai đoạn Chấp nhận, và từ đó họ đã tỏa sáng lấp lánh như thể chưa từng trải qua nỗi đau buồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận