Nhận diện rào cản thu thuế kinh tế số

NAM MINH 06/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư mới về chính sách quản lý thuế, trong đó việc chính thức thu thuế giao dịch trên các trang thương mại điện tử được cho vẫn còn một số trở ngại lớn cần thảo luận để đảm bảo một chính sách thuế hiệu quả và bình đẳng.

Dự thảo “Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật quản lý thuế và nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế” là đòi hỏi tất yếu của thời đại kinh tế số, nhưng về chi tiết đang gây không ít tranh luận.

Mở rộng nguồn thu 

Theo dự thảo, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải kê khai thông tin người bán. Các website thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… và công ty cung cấp dịch vụ giao hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin về người bán cho cơ quan thuế. 

Nhiều DN đầu tư phòng studio công phu cho các chương trình livestream bán hàng qua mạng. Ảnh: ĐỨC THIỆN

 

Với các cá nhân tham gia kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương sẽ thu thập thông tin từ trang của họ để xác định họ là ai để thu thuế. 

Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết tới 53% dân số Việt Nam đã tham gia mua bán trực tuyến trong một thị trường giá trị gần 12 tỉ USD trong năm 2020. 

Kế hoạch Tổng thể phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2025 dự báo đến năm 2025, 55% dân số sẽ tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến dự kiến tăng 25% mỗi năm, đạt 35 tỉ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Trên các không gian kỹ thuật số khác, không khí cũng sôi động không kém. Tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền, trong đó khoảng 350 kênh có doanh thu lớn với từ 1 triệu người đăng ký theo dõi trở lên.

Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam có kê khai và nộp thuế đảm bảo đầy đủ.

Còn nhiều rào cản 

Tin tức về một số cá nhân và tổ chức bắt đầu nộp thuế từ kinh doanh số với những số tiền không nhỏ nay đã quen thuộc. Theo Cục Thuế Hà Nội, năm 2020 lượng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử (Google, Facebook và YouTube) tăng 492% so với năm 2019. Cá biệt có 3 cá nhân nộp thuế trên 7 tỉ đồng, trong đó người cao nhất 23 tỉ đồng. 

Để so sánh, mới năm 2015, người tạo ra trò chơi điện tử Flappy Bird trên nền tảng di động Nguyễn Hà Đông nộp 1,4 tỉ đồng tiền thuế đã được coi là con số “khủng”.

Tuy nhiên, ngoài việc thu thuế đúng và đủ với các hoạt động này, một câu hỏi không dễ với cơ quan quản lý thuế và nhà nước nói chung là tạo môi trường thuận lợi, không kìm hãm đà tăng trưởng mới chớm nở của kinh tế số.

Một rào cản nhìn thấy ngay là việc ghi nhận doanh thu phát sinh. Trên thực tế, không ít các shop trên Shopee hay Lazada chỉ được dùng vào mục đích chào hàng, còn giao dịch thực sự diễn ra qua liên hệ trực tiếp bằng điện thoại, tin nhắn, khiến việc ghi nhận giao dịch mua bán online rất khó khăn. 

Đã thế, bộ dữ liệu và năng lực khai thác dữ liệu trên hệ thống của ngành thuế hiện còn nhiều bất cập do đăng ký ngành nghề chưa sát với hoạt động kinh doanh thực tế.

Thêm nữa, trong khi kiểm soát thu thuế với đối tượng kinh doanh trong nước đã có phương án, việc thu thuế từ đối tượng nộp thuế ở nước ngoài là thách thức lớn, đặc biệt là các giao dịch thương mại xuyên bên giới như đặt phòng trực tuyến hay bán hàng theo mô hình B2C và B2C.

Theo nghiên cứu của Hãng kiểm toán EY hiện có hai cách chính. Một số quốc gia yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế trực tiếp với cơ quan thuế hoặc thông qua đại diện được ủy quyền ở nước sở tại. 

Các nước khác yêu cầu những nền tảng thương mại điện tử nơi giao dịch được thực hiện phải khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.

Cách tiếp cận đầu tiên yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài phải tuân thủ quy định về thuế của Việt Nam. Nếu họ không tự nguyện, việc thu thuế sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Trong nhiều trường hợp, ngay cả người bán hàng cũng không có đầy đủ thông tin của người mua để xác định liệu thu nhập có phải từ Việt Nam hay không.

Cách tiếp cận thứ hai, trách nhiệm thuộc về các nền tảng thương mại điện tử hay ngân hàng trung gian, có vẻ là cách Việt Nam đang chọn. 

Cách này thuận tiện hơn cho cơ quan thuế, nhưng các nền tảng thương mại điện tử sẽ phát sinh chi phí. “Họ sẽ phải theo dõi giao dịch với thu nhập phát sinh từ Việt Nam và tính toán số thuế phải nộp. 

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi phát sinh chênh lệch, sai sót, cũng là vấn đề cần suy ngẫm” - bà Trang Phạm, phó tổng giám đốc tư vấn thuế EY Việt Nam, nhận định.

Một vấn đề nữa là tính toàn cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Channing Flynn, giám đốc dịch vụ thuế và giao dịch quốc tế toàn cầu của EY, cho rằng nếu một công ty hoạt động ở 80 hoặc 90 quốc gia, họ sẽ phải tuân thủ 80 hoặc 90 phép tính thuế khác nhau. 

Do đó các công ty buộc phải xem xét sự phức tạp này ảnh hưởng thế nào đến chi phí kinh doanh. “Có thể thấy, tất cả sẽ trở nên vô cùng phức tạp” - ông Channing Flynn nói.

Cũng phải tính tới cơ chế tránh đánh thuế hai lần giữa các quốc gia với nhau. Hiện OECD đang đi đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm khắc phục tình trạng này với dự án ban hành quy tắc thuế thống nhất toàn cầu cho nền kinh tế kỹ thuật số. 

Đây được xem là một trong những thay đổi lớn nhất của hệ thống thuế thế giới một thế kỷ qua và hàng trăm quốc gia đồng ý tham gia. Dự kiến trong năm nay cơ chế này chính thức ra mắt. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận