Phóng to |
TT - Những năm 1984, 1985, sự đổ bộ của Nhân danh công lý và hàng loạt vở kịch chống tiêu cực đã gây ra một cơn địa chấn làm rung chuyển tâm trạng của nhiều tầng lớp khán giả, làm dấy lên tinh thần công dân sôi nổi của họ. Còn bây giờ?
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Xuất hiện lần đầu trên sân khấu Nhà hát kịch VN khoảng đầu năm 1985, vở kịch Nhân danh công lý của tác giả Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm đã gây được một tiếng vang mạnh mẽ. Trong suốt nhiều năm sau đó, vở tiếp tục được dàn dựng ở rất nhiều đoàn khác nhau với hàng ngàn suất diễn khắp cả nước. Và cũng từ đây một thế hệ vàng của sân khấu đã hình thành khiến khán giả phải rồng rắn xếp hàng mua vé.
Trở lại với khán giả lần này, Nhân danh công lý đã có thêm những chi tiết mới để phù hợp với cuộc sống hôm nay. Câu chuyện được đưa về những năm 2000 với điện thoại di động, máy vi tính, máy quay phim, nhà chung cư trả góp, mua hàng trúng thưởng xe máy... Nếu như Hoàng Tú của Nhân danh công lý 20 năm trước vì yêu Quỳnh mà phạm tội thì trong bản dựng mới, thứ tình yêu đó chỉ là phù phiếm. Những gã trai trẻ ăn chơi như Tú bây giờ (Hòa Hiệp đóng) chỉ trải qua chuyện tình một đêm để thỏa mãn trí tò mò hay dục vọng của mình mà thôi. Chi tiết chiếc máy quay phim trong phòng ngủ cũng là một vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Thời sự hơn, chuyện một "ông trời con" múa kiếm ở sân bay gây ồn ào cũng được lồng vào kịch. Rồi kiểu ngã giá mua tội ác của ông Hoán đầy quyền lực (NSƯT Việt Anh) với bà mẹ đau khổ (Thanh Thủy) cũng được cô đặc lại thành một lớp diễn gọn gàng. Đạo diễn Đức Thịnh đã cố tình đẩy tiết tấu của câu chuyện lên nhanh hơn, cắt bớt những đoạn thoại dài mà theo anh thì khán giả bây giờ sẽ tự hiểu bởi họ rất nhạy.
Những khắc nghiệt của ngày cũ đã không còn hiện diện, thay vào đó là những vấn đề phát sinh trong một cuộc sống hiện đại. Nếu như ngày ấy câu chuyện giết người, chạy án của Nhân danh công lý từng làm bất ngờ, ngộp thở hàng triệu người thì bây giờ nó đã không còn quá mới để khán giả trẻ phải ngạc nhiên, thảng thốt. Những vụ việc như thế hay thậm chí còn nhức nhối hơn vẫn từng ngày được cập nhật trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Vì thế, để lập lại một kỳ tích như Nhân danh công lý ngày trước là một điều rất khó. Nhưng tính thời sự cũng không vì thế mà biến mất.
Câu nói nghênh ngang của Tú khi đối chất với chiến sĩ Cường (Đức Thịnh): "Thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền!" - vẫn là một thứ "công lý” ngầm đầy hiệu quả và ngang nhiên tồn tại ngày càng tinh vi khó lường. Cuộc chiến của những chiến sĩ công an với cả một hệ thống quyền lực, cuộc chiến lương tâm để không đánh mất chính mình trước những cám dỗ - chưa bao giờ là chuyện của ngày hôm qua. Trên sân khấu là hình ảnh đỏ rực của một quả cầu tượng trưng cho mặt trời công lý, có lúc lại trở thành con mắt của trần gian và đã không ít lần con mắt ấy phải khép lại khi cái ác vẫn thản nhiên tồn tại, còn những ấm ức của người lương thiện thì bị trôi vào quên lãng.
Dẫu không còn chấn động nhưng những bài học vẫn làm đắng lòng người xem. Chỉ tiếc rằng đã hơn 20 năm rồi mà sân khấu vẫn phải mượn lại Nhân danh công lý để lên án tiêu cực. Những vở kịch mới về đề tài này dường như không đủ sức nặng để tác động sâu sắc vào con tim và trí óc của người xem. Dường như sân khấu đang "ngủ đông" giữa lúc cuộc sống đang sôi động, giàu kịch tính và cơ chế quản lý, kiểm duyệt đã cởi mở hơn rất nhiều.
Đạo diễn Đức Thịnh: Tôi tin khán giả sẽ thích Trong kịch bản, bà Hoán dựa vào quyền lực của chồng để cứu con thoát tội trước pháp luật. Nhưng theo tôi, chính những con người nắm quyền lực thật sự trong tay mà không tỉnh táo sáng suốt sử dụng nó mới là mối nguy hiểm ghê gớm cho chính họ và cho xã hội. Đây là lý do tôi thay đổi nhân vật bà Hoán thành ông Hoán. Một người nắm quyền lực thật sự vì quá thương con mà trở nên mù quáng sử dụng sức mạnh của mình đầy sai lầm và phải trả giá. Tôi tin con người này là có thật ngoài xã hội ngay thời điểm hiện tại. Điều thứ hai, liệu xử tử hình Hoàng Tú có dễ dàng như vậy không? Tôi tin rằng không dễ dàng một chút nào... Nhân danh công lý phải là pháp luật. Luật pháp nghiêm minh không chưa đủ. Sự nghiêm minh ấy không được phép muộn màng. Các tác giả đã cho phép tôi được mổ xẻ kịch bản. Đơn giản vì tôi không hề sửa kịch bản mà chỉ trình bày nó ở một góc độ khác. Và theo tôi, một kịch bản tốt là một kịch bản có nhiều bản dựng ở nhiều khía cạnh khác nhau. Khán giả sẽ đi xem vì ở đâu đó trong xã hội vẫn còn Hoàng Tú, vẫn còn cái ô dù mù quáng kiểu ông Hoán, vẫn còn những con người lương thiện đang bị đe dọa như bác sĩ Huy, cô giáo Thúy Quỳnh, bà Hảo, vẫn còn những chiến sĩ công an đầy công tâm và liêm khiết như trung úy Cường, thiếu tá Tùng. Tôi tin rằng khán giả sẽ thích thú bản dựng lần này. |
(*) Công diễn trên sân khấu Phú Nhuận (TP.HCM) từ 4-11-2007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận