TTCT - Câu hỏi về tương lai của lĩnh vực sản xuất Việt Nam không phải là lương công nhân may 9 triệu thì cao hay thấp. Các doanh nghiệp da giày thừa nhận sẽ gặp khó trong thời gian tới khi các thị trường xuất khẩu chính của VN bắt đầu đóng cửa biên giới để chống dịch. Ảnh: T.V.N.Khoảng năm 2010, khi một công ty hàng đầu Nhật Bản khảo sát nơi đặt nhà máy lắp ráp máy photocopy ở Đông Nam Á, họ tới rất nhiều quốc gia và chốt lại hai nơi là Malacca ở Malaysia và Khu công nghệ cao ở TP.HCM. Những nhà cung cấp linh kiện cho công ty này ở Việt Nam tràn trề hy vọng vì lúc đấy, Khu công nghệ cao và các công ty vệ tinh xung quanh có đầy đủ lợi thế về năng lực của hệ thống cung cấp và hạ tầng so với Malacca, vốn chỉ là một thành phố cổ và cũ, đông người Hồi giáo và cách thủ đô Kula Lumpur của Malaysia hơn 100km. Nhưng rồi những nhà đầu tư Nhật đã chọn Malacca.Nguồn nhân lựcCho đến vài năm sau, người viết có dịp qua nhà máy của công ty này ở Malacca, mới thấy rõ ở đấy không có gì vượt trội so với các nhà cung cấp Việt Nam. Nhà máy cũ kỹ, địa thế xa xôi, nhân viên trùm khăn khi làm việc và không bao giờ bắt tay đối tác. Nhưng người Nhật có một lý do tối hậu để đưa ra chọn lựa của họ: năng lực và trình độ lắp ráp phức tạp.Ở thời điểm đầu những năm 2010, khái niệm kỹ sư quy trình (process engineering) hầu như còn chưa được biết tới ở Việt Nam. Ở trường hợp công ty Nhật Bản và sản phẩm máy photocopy nói trên, Malacca không thể sánh với Khu công nghệ cao TP.HCM. Nhưng Malaysia - với nền tảng 30 năm lắp ráp cho các thương hiệu hàng đầu của Nhật như Panasonic hay Mitsubishi, nhờ chính sách hướng Nhật của thủ tướng Mahathir Mohamed, đã xây dựng cho mình đội ngũ nhân lực kỹ thuật có thể đảm nhiệm công việc của một "contract manufacturing" (CM): nhà gia công lắp ráp đầu cuối.Ví dụ đơn giản: một khách hàng châu Âu đưa ra bộ hồ sơ kỹ thuật một cái máy pha cà phê, với số lượng hàng trăm ngàn chiếc và yêu cầu báo giá nguyên chiếc, tức trọn gói chế tạo, mua sắm linh kiện, lắp ráp và kiểm định thành phẩm. Cho đến giờ, vẫn rất ít nhà máy ở Việt Nam làm được chuyện đấy, hoặc có báo giá được thì hầu như không thể cạnh tranh với CM các nước ngoài đang có nhà máy ở Việt Nam.Trước những tin tức như Việt Nam đang là cứ điểm xuất khẩu lớn thứ hai về điện thoại di động, máy tính bảng của thế giới, cần hiểu rõ hơn năng lực thực sự của nền công nghiệp chế tạo trong nước. Lấy ví dụ, sản phẩm Galaxy Note được sản xuất bởi Samsung Việt Nam, nhưng điều đó hẳn nhiên không đồng nghĩa là người Việt Nam làm ra được cái máy đấy. Khi nào Việt Nam có một công ty nội địa gia công lắp ráp điện thoại cho Samsung - như Foxconn của Đài Loan là nhà sản xuất iPhone cho Apple hay TSMC gia công chip dùng nhân của Mỹ, thì lúc đấy khái niệm "tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu" mới không còn là câu đầu môi cửa miệng.Những ngành thâm dụng lao độngPhải nhìn nhận một thực tế lý do hàng đầu để các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến trong chiến lược Trung Quốc + 1 là nhân công giá rẻ. Khi nó đủ rẻ để có thể bù đắp năng suất lao động còn thấp và nhà đầu tư có thể ở thế trên khi đàm phán với chính quyền sở tại về các ưu đãi, nơi có nhu cầu đón đại bàng bằng mọi giá - như Bắc Giang hay Thái Nguyên với Samsung và LG - họ sẽ đưa ra quyết định.Trong hoàn cảnh như thế, bài toán duy trì hay nâng thu nhập cho người lao động là một thế lưỡng nan của cơ quan làm chính sách. Giá rẻ để thu hút đầu tư hay tăng lương để cải thiện đời sống công nhân? Với các ngành thâm dụng lao động như da giày và may mặc, nếu giá nhân công tăng cao, nhà đầu tư sẽ không ngần ngại xem xét dịch chuyển tiếp sang các cứ điểm khác có giá rẻ hơn như Bangladesh hay Pakistan. Đấy là nguyên nhân mà Pouchen Việt Nam - nhà sản xuất chính của Nike, nơi có đến khoảng 50.000 công nhân làm việc - xem xét di chuyển nhà máy từ TP.HCM về các tỉnh Tây Nam Bộ để cắt giảm chi phí, bù vào việc tăng lương. Về tổng thể, chi phí sản xuất trong các ngành thâm dụng lao động phải luôn giảm hoặc nếu buộc phải tăng thì phải tăng chậm nhất so với các ngành khác, do sự cạnh tranh khốc liệt của các quốc gia bên dưới trong chuỗi sản xuất.Với những trung tâm sản xuất có hàm lượng công nghệ cao hơn trung bình, như Đông Nam Bộ hay khu vực Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh, duy trì nhân công giá rẻ hầu như là không thể, khi mặt bằng giá cả sinh hoạt ở các khu vực này cao hơn hẳn phần còn lại của cả nước, trong bối cảnh lạm phát vẫn đang tăng.Cách duy nhất để vừa tăng giá nhân công, vừa không sợ nhà đầu tư chèn ép, không gì khác, là nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng hàm lượng công nghệ, tức làm được những thứ khó hơn, phức tạp hơn mà không cần đến người nước ngoài. Thực tế tất nhiên là không dễ, khi nhìn vào bài học quá khứ của các nước láng giềng.Dù đi trước Việt Nam 20-30 năm và có sẵn nguồn nhân lực chất lượng, cả Malaysia lẫn Thái Lan vẫn chưa thể gọi là thoát bẫy thu nhập trung bình - để đứng cùng vị thế với 4 con rồng châu Á Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc. Hai quốc gia Đông Nam Á đấy vẫn chưa thực hiện được một chiến lược nhất quán để cá biệt hóa nhằm tạo ra lợi thế nổi trội trong khu vực về một lĩnh vực cụ thể.Về phần mình, sau ít nhất hơn 30 năm phát triển, Việt Nam vẫn chưa có một CM nào đúng nghĩa, có tầm cỡ khu vực. Trong giới kinh doanh, ước mơ trở thành một CM như thế cũng yếu ớt, dù nhiều doanh nghiệp lớn không phải là thiếu nguồn lực. Thật ra, để xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có khả năng thiết kế quá trình, tối ưu dây chuyền, năng lực mua hàng, hay một phòng thí nghiệm nội bộ có năng lực kiểm định đúng chuẩn quốc tế, tiền đầu tư không phải yếu tố quan trọng nhất.Điều này khiến câu chuyện lao động giá-không-còn-rẻ Việt Nam trở thành một vấn đề phức tạp trong tương lai. Nó phải được coi là một điểm yếu trong phân tích về triển vọng phát triển của quốc gia. Nếu không, rơi vào bẫy thu nhập trung bình không còn là nguy cơ nữa mà sẽ thành hiện thực. ■ Tags: Thị trường xuất khẩuĐóng cửa biên giớiCông ty hàng đầuKhu công nghệ caoĐội ngũ nhân lựcĐời sống công nhânThu hút đầu tưNhà máy lắp rápCông ty Nhật BảnCông nhân làm việcDoanh nghiệp da giàyCông nghệ caoNhà đầu tư
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đòi mở cửa ở độ cao 9.200km, người đàn ông bị dùng băng dính trói lại trên máy bay HÀ ĐÀO 22/11/2024 Một người đàn ông cố tình mở cửa máy bay ở độ cao 9.200km đã bị một nhóm hành khách cùng phi hành đoàn khống chế và dùng băng dính trói lại trên máy bay.