Các cán bộ ngoại giao lão thành - những nhân chứng sống của Hội nghị Paris - chụp hình lưu niệm với các cán bộ ngoại giao trẻ tại Hà Nội sáng 25-1 - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Đây được xem là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Đàm phán hiệp định Paris được cho là đỉnh cao nghệ thuật ngoại giao của Việt Nam. Sự kiện còn mãi với thời gian nhưng không ít người trong đoàn đàm phán ngày đó đã thành người thiên cổ.
45 năm sau, ngày 25-1, những nhân chứng sống hiếm hoi của Hội nghị Paris đã gặp lại nhau tại thủ đô Hà Nội, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với các cán bộ ngoại giao trẻ, đồng thời ôn lại những ký ức hào hùng trên mặt trận ngoại giao khi xưa.
Câu chuyện của những người trong cuộc luôn được coi là những tư liệu lịch sử sinh động nhất,chân thật nhất.
Kinh nghiệm là phải biết đánh giá tình hình, ta và địch như thế nào. Thứ hai là phải biết chớp thời cơ. Thứ ba là phải có sách lược khôn ngoan
Bà Nguyễn Thị Bình (trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam)
Học lại bài học lịch sử
Mở đầu cuộc giao lưu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý nhận định rằng giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris là giai đoạn duy nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam mà các nước lớn buộc phải theo cuộc chơi của ta.
Ông Quý cho biết sau 45 năm, ý nghĩa và bài học của hiệp định Paris còn nguyên giá trị với hoạt động ngoại giao nước nhà ngày nay.
Bà Nguyễn Thị Bình, trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia hội nghị bốn bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973, xúc động nói: "Những chứng nhân Hội nghị Paris giờ chỉ còn lác đác vài người. Kỷ niệm 45 năm gặp các đồng chí cũng vui, nhắc lại một thời kỳ chiến đấu rất là anh hùng trên mặt trận ngoại giao".
Nữ chính trị gia nổi tiếng Việt Nam nay đã bước qua tuổi 90 nói Hội nghị Paris có rất nhiều kinh nghiệm quý báu: "Kinh nghiệm là phải biết đánh giá tình hình, ta và địch như thế nào. Thứ hai là phải biết chớp thời cơ. Thứ ba là phải có sách lược khôn ngoan".
Nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ: ông không trực tiếp tham gia đàm phán hiệp định Paris nhưng ông luôn theo dõi sát sao cuộc hòa đàm lịch sử này.
Ông cho biết các cán bộ ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán Paris thời kỳ đó không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao đa phương nhưng cuối cùng đã tạo ra được kỳ tích.
"Có sự thay đổi rất nhanh về chất của cán bộ ngoại giao Việt Nam sau hiệp định Paris. Cuộc đàm phán Paris tạo điều kiện bồi dưỡng cán bộ, giúp công việc nghiên cứu chiến lược phát triển tốt hơn, nhận thức ngoại giao tốt hơn" - nhà cán bộ ngoại giao lão thành nhận xét.
Cố vấn Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger bắt tay nhau sau khi ký tắt hiệp định Paris ngày 23-1-1973 - Ảnh: AFP
Những câu chuyện chưa kể
Bà Nguyễn Thị Bình vẫn nhớ rõ những cột mốc lịch sử của Hội nghị Paris kéo dài gần năm năm, trong ba năm đầu từ 1968-1970 trên chiến trường có sự giằng co.
Đến năm 1972, mặt trận quân sự Việt Nam có thế chủ động. Ta mở nhiều chiến dịch, đặc biệt là ở chiến trường miền Trung (Quảng Trị). Ngược lại, Mỹ muốn đàm phán rút nhưngtrên thế mạnh.
Cũng trong năm 1972, Việt Nam nắm được tình hình quốc tế, đó là năm bầu cử ở Mỹ và phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam - đặc biệt là ở Mỹ - đang diễn ra rất mạnh, gây áp lực cho chính quyền tổng thống Richard Nixon.
"Ba năm trước đó, chúng ta nêu ra hai yêu sách: đòi Mỹ rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam và xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Đến năm 1972, tình hình thế giới và chiến sự thay đổi, ta chỉ tập trung yêu cầu Mỹ rút quân, vấn đề miền Nam giải quyết sau" - bà Bình nhớ lại.
Năm 1972, khi tương quan lực lượng trên chiến trường nghiêng về quân giải phóng, cố vấn Lê Đức Thọ đã trao cho Kissinger bản dự thảo hiệp định tập trung vào việc đòi Mỹ phải rút quân, các vấn đề miền Nam sẽ do các bên miền Nam tự giải quyết.
Theo bà Bình, khoảng tháng 7-1972, Nixon chịu đàm phán một cách thực chất trên văn bản hiệp định do cố vấn Lê Đức Thọ đưa ra.
Trong ba tháng tranh luận, đấu tranh với nhau, cuối cùng phía Mỹ căn bản chấp nhận văn bản của ta dù còn một số điều khoản chưa thực sự đồng ý và dự định ký hiệp định này vào tháng 10-1972. Nhưng sau đó phía Mỹ trì hoãn, lấy lý do chính quyền Thiệu chưa tán thành hoàn toàn.
"Khi Nixon tái đắc cử tổng thống (tháng 11-1972), lúc bấy giờ Mỹ nghĩ rằng phải có cách nào đó thay đổi nội dung của văn bản. Do đó, sự kiện Mỹ đánh bom miền Bắc 12 ngày đêm chính là muốn thay đổi một số điểm trong hiệp định Paris"- bà Bình nói.
Nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho biết điều khiến ông phục nhất từ những cán bộ ngoại giao tham gia hiệp định Paris chính là dự thảo hiệp định Paris do phía Việt Nam dự thảo. Cố vấn Lê Đức Thọ "đút vào túi" rồi mang đi đàm phán với Mỹ ở Paris.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cựu đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên đàm phán hiệp định Paris của đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa, cho biết bản dự thảo hiệp định gồm bốn điều: yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh, không can thiệp tiếp tục vào miền Nam, rút hết quân, thả hết tù binh và Mỹ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh.
"Trong bản dự thảo còn có một vấn đề hai bên vẫn còn mắc mứu chính là giải quyết khu phi quân sự như thế nào. Trước khi về nước xin ý kiến Bộ Chính trị, ông Lê Đức Thọ yêu cầu ông Kissinger không tấn công miền Bắc trong thời gian một tuần ông về nhà nhưng phía Mỹ đã lật lọng" - ông Huỳnh nhớ lại. Đó là trận rải thảm 12 ngày đêm Noel năm 1972.
Thế nhưng, đòn đánh cuối cùng của Mỹ đã thất bại thảm hại, B52 liên tiếp bị bắn rơi. Đây là đòn quyết định nhất buộc Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Ngày lịch sử
■ Ngày 8-1-1973, vòng đàm phán bốn bên tại Paris được nối lại sau trận "Điện Biên Phủ trên không", sau khi Mỹ xoay ngược những gì đã thỏa thuận khiến hiệp định ngày 20-10-1972 không thể ký kết được.
Trở lại Paris với tư cách là người chiến thắng, ông Lê Đức Thọ đề nghị cả đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa không ra đón đoàn Mỹ như thông lệ vì sự lật lọng của Washington trước đó.
■ Ngày 13-1, đoàn đàm phán hai bên có cuộc gặp riêng cuối cùng.
■ Ngày 23-1, ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger ký tắt hiệp định.
■ Ngày 27-1, bốn bên ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới
Hội nghị Paris là hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới với đỉnh cao là việc ký kết hiệp định Paris ngày 27-1-1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Hội nghị kéo dài năm năm với 501 cuộc họp công khai và hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật, hơn 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn.
Hiệp định Paris được xem là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận