Đa số trẻ bị xâm hại tình dục hoặc bạo lực đều xuất hiện dấu hiệu tâm lý điển hình.
Dấu hiệu đơn giản nhận biết trẻ bị xâm hại
Theo bà Nguyễn Thuận Hải - trưởng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trẻ bị xâm hại tình dục thường sợ hãi, né tránh, ngại giao tiếp với người lạ.
Một số trẻ còn rối loạn giấc ngủ, ăn uống, ít tham gia vui chơi, học tập. Thậm chí, có em còn cảm thấy tội lỗi, sinh ra hành vi tự hại bản thân, khó kiểm soát cơn tức giận.
Nạn nhân bị bạo lực thường tỏ vẻ mệt mỏi, sợ đi học, dễ nổi giận, dễ chống đối…
Theo chuyên gia của Tổng đài 111, người thân có thể nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục qua quan sát các vết bầm tím, vết thương không rõ nguyên nhân hoặc có màu khác trên cơ thể các em.
Nếu trẻ có biểu hiện chấn thương, máu ở vùng miệng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Thậm chí trẻ ngại thay quần áo giúp, đụng chạm vào cơ thể thì người chăm sóc trẻ cũng phải lưu ý.
Khi tiếp nhận các cuộc gọi đến Tổng đài 111, nhân viên tiếp nhận sẽ kiểm tra, trao đổi với người chăm sóc trẻ hoặc cán bộ địa phương để hỗ trợ các em.
Theo quy trình, cán bộ chuyên môn sẽ “làm thân” với các em và đánh giá tình trạng, hỗ trợ tâm lý ban đầu. Sau đó, trẻ bị xâm hại sẽ được hướng dẫn thư giãn, giảm cảm xúc tiêu cực, tăng cường hành vi tích cực.
“Sau khi trẻ em được hỗ trợ tâm lý khẩn cấp, các em có cải thiện tích cực về tâm lý, giảm các hành vi, cảm xúc tiêu cực, có nhận thức tích cực hơn về sự việc. Trẻ cũng ít cảm giác tội lỗi hơn, cởi mở trong giao tiếp với mọi người xung quanh”, bà Hải đánh giá.
Tổng đài 111 nhận hơn 469.000 cuộc gọi, cứu trên 9.600 em nhỏ
Trong báo cáo tổng kết 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận hơn 5,4 triệu cuộc gọi đến. Trong đó, cuộc gọi tư vấn là hơn 469.000.
Tổng đài 111 đã hỗ trợ, can thiệp cho trên 9.600 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em.
Đáng chú ý trong tổng 9.600 ca trên, gần 44% là bạo lực trẻ em. Tiếp sau là số ca xâm hại trẻ em (trên 25%), trẻ em bị bóc lột (xấp xỉ 8%)…
Đáng chú ý, chỉ có khoảng 230.000 cuộc gọi đến Tổng đài 111 do người lớn từ 18 tuổi trở lên thực hiện.
Tính chung số lượng trẻ em gọi đến Tổng đài 111 chiếm gần 50% tổng số các cuộc gọi.
Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số vụ bạo lực đối với trẻ em trong trường học, gia đình đang có chiều hướng tăng lên trong 4 tháng đầu năm 2023 (tăng 11% so với cùng kỳ 2022).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận