Nhiều tháng qua, ông V.D.C. (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải khổ sở với rắc rối từ các thủ tục liên quan đến tên của mẹ ông, khi từ tên Điểm nhưng sổ hộ tịch khai tử được cán bộ ghi với tên khác dấu thành Điễm.
Loay hoay chỉnh sửa tên khác dấu
Tháng 11-2023, do cần thực hiện thủ tục lấy giấy tờ nhà từ ngân hàng nên ông C. được ngân hàng yêu cầu cung cấp giấy khai tử của cha mẹ ông trong bộ hồ sơ.
Gia đình ông C. trước đây cư ngụ và có hộ khẩu thường trú tại quận 1 (TP.HCM). Năm 1983, mẹ ông C. qua đời và được UBND quận 1 cấp cho giấy khai tử. Tuy nhiên, do bản chính giấy khai tử đã bị thất lạc nên ông C. tìm đến UBND quận 1 để xin cấp trích lục khai tử của mẹ ông.
Tháng 11-2023, ông C. được UBND quận 1 cấp trích lục khai tử, nhưng tên của mẹ ông C. có tên khác dấu từ "Điểm" thành "Điễm". Ông C. thắc mắc với cán bộ cấp trích lục thì cán bộ cho hay bản trích lục là chính xác với tên ghi trong sổ hộ tịch về khai tử.
Ông C. mang theo giấy trích lục trên đến ngân hàng thì ngân hàng không đồng ý vì tên khác dấu.
Ông C. quay lại UBND quận 1 để hỏi thì được cán bộ cho ông xem sổ khai tử ghi nhận tên mẹ ông là "Điễm".
Cho rằng việc ghi sổ khai tử bị sai sót, ông C. đề nghị cán bộ tư pháp điều chỉnh tên của mẹ ông trong sổ thành tên "Điểm". Cán bộ hướng dẫn ông C. phải cung cấp giấy tờ gốc (gồm khai sinh, căn cước) của mẹ ông C. để đối chiếu tên. Tuy nhiên, qua các lần thay đổi chỗ ở thì khai sinh, căn cước của mẹ ông đã không còn.
Ông C. cung cấp cho cán bộ thụ lý một bản sao y (từ năm 1983) giấy khai tử của mẹ ông và 2 giấy khai sinh của ông cùng chị gái ông đều ghi tên mẹ là "Điểm". Thế nhưng, cán bộ cho rằng các giấy tờ đó chưa đủ để đối chiếu nên đề nghị ông C. liên hệ cơ quan công an để tìm thêm bản lưu sổ hộ khẩu, tờ khai gia đình có ghi tên của mẹ ông.
Chạy lui chạy tới chưa được giải quyết
Mặc dù ông C. có trao đổi với cán bộ thụ lý hồ sơ rằng trong ngữ pháp và từ điển tiếng Việt không có từ "Điễm" và từ này không có nghĩa. Tuy nhiên cán bộ thụ lý vẫn cho rằng theo quy định, để điều chỉnh tên trong sổ hộ tịch khai tử thì căn cứ vào các giấy tờ gốc hoặc đối chiếu nhiều giấy tờ khác.
Vì vậy ông C. phải liên hệ cơ quan công an để xin cung cấp bản lưu sổ hộ khẩu, tờ khai gia đình. Sau đó ông C. được Công an quận 1 cung cấp cho bản lưu sổ hộ khẩu. Nhưng sổ hộ khẩu cũng ghi tên mẹ ông C. là "Điễm".
Còn công an thông tin cho ông C. hay rằng bản lưu tờ khai gia đình của ông C. có ghi nhận tên mẹ ông là "Điễm", nhưng mẹ ông tự ký và ghi họ tên tại tờ khai thì là "Điểm".
"Nhiều tháng qua tôi phải chạy tới, chạy lui nhiều cơ quan để xin giấy tờ, chứng cứ để chứng minh, điều chỉnh tên mẹ tôi lại cho đúng. Mới đây tôi cũng được Công an phường 12, quận Bình Thạnh cấp cho tờ xác nhận cư trú từ dữ liệu dân cư quốc gia, trong đó ghi nhận tên của mẹ tôi là Điểm".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Triều Lưu, trưởng phòng hộ tịch - quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng do tên "Điễm" là không phù hợp với từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, kết hợp với các giấy tờ, hồ sơ khác để giải quyết điều chỉnh lại thành tên "Điểm" cho người dân.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ phòng tư pháp UBND quận 1 cho hay do có mâu thuẫn về tên khác dấu của mẹ ông C. trong các giấy tờ hồ sơ, trong khi giấy tờ gốc không còn nên Phòng tư pháp quận 1 sẽ đề nghị ông C. cung cấp hết các giấy tờ có giá trị để đối chiếu tên và xin hướng dẫn từ Sở Tư pháp để điều chỉnh lại tên trong sổ khai tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận