Kịch đọc là chương trình hoàn toàn mới của sân khấu Hồng Hạc, do đạo diễn Việt Linh khởi xướng thực hiện.
Im lặng tuyệt đối với kịch đọc
Kịch đọc diễn ra tại Café La Rotonde (185B, Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM), định kỳ mỗi tháng hai lần, vào tối thứ ba giữa tháng và thứ ba cuối tháng.
Số đầu tiên là vở Thiên Thiên (diễn ra tối 4-6), được Việt Linh viết từ sự kết hợp ý tưởng của hai truyện ngắn Hạnh phúc là cùng (Vũ Hồi Nguyên) và Xoa (Tăng Song Nam).
Vở từng diễn trên sân khấu năm 2014.
Trong không gian ấm cúng của quán cà phê nhỏ, đèn hắt thứ ánh sáng yếu ớt và cứ thế không một tiếng động, người xem nhắm mắt trôi theo câu chuyện.
Ê kíp đọc kịch ngồi tầng trên hoàn toàn không tiếp xúc với khán giả.
Cái họ tiếp xúc là giọng nói, là xúc cảm trong từng cái nấc nghẹn, hơi thở, tiếng cười lúc xót xa, lúc chơi vơi, cũng có lúc đểu giả… Hỗ trợ cho diễn kịch bằng giọng của diễn viên là tiếng động, âm nhạc.
Cứ thế, người nghe nương tựa cùng Thiên Thiên, người đàn bà gánh chịu nhiều tổn thương, để lắng nghe chuyện đời của những phận người khác nhau.
Nhân vật nào dường như cũng kỳ lạ, nhưng nhìn kỹ sẽ phát hiện họ là ai đó, trà trộn đâu đó trong vạn nẻo đời nhọc nhằn.
Đó là cô Si, gã Trầm Luân, Xoa, ông bệ vệ, cô tiểu thư… Những câu chuyện nhỏ nhưng đau.
Thế giới dường như thu nhỏ trong căn nhà của Thiên Thiên. Họ chỉ ngồi đó, thủ thỉ thôi mà những vết thương lòng của họ khiến người nghe xao xác.
Hóa ra, xã hội càng hiện đại thì tổn thương dường như càng nhiều. Đôi khi, cần lắm một tri âm xuất hiện đúng lúc.
Có thể nói ra được nỗi đau, chịu đối diện sự thật và được ai đó tận tâm lắng nghe, xoa dịu có lẽ sẽ bớt đi những hậu quả đau lòng.
Tập trung nội lực
Đạo diễn Việt Linh, cũng là người thể hiện giọng nhân vật chính Thiên Thiên, chia sẻ dạng kịch đọc chị nghe rất nhiều lần ở châu Âu và khóc rất nhiều. Vậy nên chị nhất quyết phải làm loại hình này ở Việt Nam.
Tiền vé dù bán hết cũng không thể bù vào chi phí thực hiện một vở kịch đọc. Nhưng đạo diễn không muốn tăng tiền vé để những người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp xúc loại hình kịch lan tỏa chất văn học này.
Rất may là khi chị thực hiện dự án ý nghĩa này, diễn viên và nhiều người đã đồng lòng hỗ trợ không tính toán. Việt Linh xúc động nói: "Khi ta gọi lời hay sẽ có rất nhiều người "Ơi!"".
Nhà nghiên cứu văn hóa Phúc Tiến cho biết đây là lần đầu tiên ông thưởng thức kịch đọc. Ban đầu ông cứ nghĩ như là kịch truyền thanh, tuy nhiên nghe xong ông cảm thấy đầu óc mình được thăng hoa.
Câu chuyện thông qua loại hình này cho ông nhiều cảm xúc và cứ nhớ mãi câu thoại trong kịch: "Khi chúng ta hết hy vọng thì hãy nghĩ đến những người đang hy vọng về chúng ta".
Với kịch đọc, diễn viên không thể dựa vào tổng thể của một sân khấu hoàn chỉnh có cảnh trí, ánh sáng, những hiệu ứng, hình thể diễn viên, nên buộc lòng họ phải tập trung nội lực cao độ.
Thoại không thể tùy tiện thêm bớt, vì vậy trong vở có diễn viên vì căng thẳng quá nên đọc lộn "muồi rục" thành… mụt ruồi!
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm vào vai mà như đạo diễn Việt Linh nói vui là "phi công" của nhân vật Thiên Thiên, tâm sự: "Tham gia chương trình này tôi rất áp lực và cảm thấy khó quá.
Bởi lợi thế ngoại hình giấu hết, chỉ có thể khoe giọng sao cho tâm lý, tình cảm đầy đủ để khán giả có thể cảm nhận được.
Đọc kịch phải hết sức tập trung, chỉ cần lơ là là dòng chữ chạy đi không biết đường nào mà lần. Khó vậy nhưng làm được thì cảm thấy vô cùng hạnh phúc".
Với loại hình kịch này, sân khấu Hồng Hạc mong muốn có thể đem đến các trường học hoặc các gia đình đều phù hợp để những tác phẩm văn học hay được lan tỏa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận