10/12/2020 11:13 GMT+7

Nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện được đột quỵ, thực hư thế nào?

THU HIẾN
THU HIẾN

TTO - Sau sự ra đi đột ngột của danh hài Chí Tài vào chiều 9-12, hàng loạt các trang mạng xã hội chia sẻ thử thách nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ, thực hư ra sao?

Nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện được đột quỵ, thực hư thế nào? - Ảnh 1.

Trung tâm cấp cứu 115 thực hiện cấp cứu cho một bệnh nhân tại quận Tân Bình - Ảnh: THU HIẾN

Nhiều trang mạng đã chia sẻ về thử thách của danh hài Chí Tài về chuyện nếu giữ thăng bằng không tới 20 giây sẽ tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ, và nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ của người dùng.

PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, cho biết phong trào “Đứng giữ thăng bằng một chân” này xuất phát từ nghiên cứu tại Nhật Bản, công bố trên tạp chí “Stroke Journal” năm 2014. 

Nghiên cứu bao gồm 1.400 người có độ tuổi trung bình 67 tuổi, kết quả cho thấy việc không thể giữ thăng bằng với một chân quá 20 giây có liên quan đến việc suy giảm nhận thức và các tổn thương não không triệu chứng do tổn thương mạch máu nhỏ. 

Về mặt khoa học, các tổn thương do mạch máu nhỏ này chưa thể được xem là đột quỵ não thật sự mà chỉ đơn thuần phản ánh tình trạng xơ vữa mạch máu nhỏ, mà gần như không thể tránh khỏi khi con người trên 60 tuổi, đặc biệt nếu đi kèm với bệnh nền tăng huyết áp hay đái tháo đường. 

"Để giữ được thăng bằng, chúng ta cần não, hệ thống thị giác và cả hệ cơ xương khớp. Theo y văn, có đến 1/3 người trên 65 tuổi có thể bị té ngã do mất thăng bằng, nguyên nhân do mắc phải một hay nhiều khiếm khuyết về mặt chức năng trên, ngoài ra trọng lượng cơ thể và sự tập luyện cũng ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng này", ông Thắng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, nghiên cứu trên chỉ thực hiện trên một nhóm dân số lớn tuổi (67) Nhật Bản có kèm theo nhiều bệnh nền, không được khảo sát khả năng này trước đó, do vậy để nâng lên mức khuyến cáo cần phải kiểm định lại trên các nhóm dân số khác ngoài Nhật Bản.

Những người có mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, cao huyết áp... là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc đột quỵ cao, và việc tầm soát các bệnh lý nền chính là cách phòng ngừa đột quỵ tốt nhất.

Nhóm đối tượng sử dụng rượu bia, thuốc lá cũng là những người có nguy cơ đột quỵ cao, chính vì vậy không quá lạm dụng rượu, bia và thuốc lá, theo ông Thắng. 

Bác sĩ Thắng khuyến cáo thêm hiện nay trên thị trường có rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thần dược" phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, các thực phẩm chức năng này không thể thay thế thuốc được, chỉ có tác dụng hỗ trợ. 

Bệnh đột quỵ khiến nghệ sĩ Chí Tài qua đời: Làm sao nhận biết bệnh, sơ cứu ra sao? Bệnh đột quỵ khiến nghệ sĩ Chí Tài qua đời: Làm sao nhận biết bệnh, sơ cứu ra sao?

TTO - Thời gian 'vàng' để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ và 'kim cương' là 30 phút. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tàn phế nặng, thậm chí tử vong.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên