1 Âm nhạc đang nghèo thông điệp
Một trong những điểm quan trọng cốt yếu của âm nhạc, đó là thông điệp chung cuộc của chuỗi giai điệu và câu chữ được sắp xếp trong toàn ca khúc. Chính yếu tố này giúp âm nhạc của những thế hệ khác có nhiều thứ để giữ lại hoặc chia sẻ lâu dài.
Tương tự như trong mô hình văn học đơn giản của tuổi thiếu niên hôm nay, âm nhạc Việt cũng xuất hiện loại ngôn ngữ ca từ ngôn tình, nhưng nội dung thì hết sức yếu ớt về khả năng diễn đạt văn học - thuần túy mang tính khẩu hiệu thể hiện tình yêu - nhưng đó là loại tình yêu mang kính hiển vi, chỉ nhìn thấy tình yêu của mình và đối tượng, ngoài ra không thấy gì khác hơn nữa.
Thông điệp âm nhạc là khi ở khán phòng hay ở lửa trại, người ta có thể ngồi quây quần bên nhau và hát để chia sẻ tư duy, nhưng tư duy âm nhạc ngôn tình sẽ trở nên buồn cười và nhạt nhẽo khi người ta muốn hát và lắng nghe những điều lớn hơn trong trái tim mình.
2 Rượt đuổi các mô hình
“Tôi muốn âm nhạc giống như của T-ara hoặc Wonder Girls”! Những tuyên bố như vậy dễ tìm thấy trong thị trường âm nhạc hiện nay.
Khác với nhiều thế hệ trước, giới trẻ thích bắt chước hay chạy theo một phong cách âm nhạc nào đó đang thịnh hành, mang tính thời trang và thị trường để dễ có được sự chú ý, cho dù đời sống của những sự rập khuôn đó thường chóng tàn.
Ngay cả trong quan điểm sáng tác mới, người ta thường không nhớ được các nhà sáng tác trẻ tuổi định hình phong cách như thế nào. Đôi khi lộ trình âm nhạc của họ chuyển động theo bản đồ âm nhạc thương mại của thế giới: cái riêng của họ là bám chặt các phong trào và hiện tượng.
Bên cạnh đó, hình ảnh của giới biểu diễn luôn bị ám ảnh bởi sự thay đổi trang phục của các ngôi sao thị trường. Trên sân khấu VN hiện nay, phần lớn nhân vật biểu diễn thời thượng nhất luôn có bề ngoài là những cuộc rượt đuổi và tự biến mình thành những mô hình sao chép của ngôi sao, diễn viên nước ngoài.
Một điểm dễ nhận diện khác: phần lớn ca sĩ, người chơi nhạc rượt đuổi thị hiếu chỉ thuộc tên các ca sĩ nổi tiếng hoặc người mà họ thích, chứ không hề thuộc nổi tên người viết bài hát đó là ai.
3 Sự nghèo nàn quan điểm của các biên tập viên
Các biên tập viên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một diện mạo chung nghèo nàn cho âm nhạc Việt. Việc thiếu khuyến khích và rộng mở cho những sáng tác mới vượt ngoài tầm thương mại và rập khuôn, đã khiến sân khấu trình diễn của nhiều nơi trở thành một cuộc sinh sản vô tính văn nghệ. Kiến thức và tư duy chương trình là một trong những điều người xem có thể cảm nhận được khi kết thúc một chương trình hằng đêm. Dù đứng sau cánh gà nhưng những biên tập viên là người quyết định tinh thần của một sô diễn.
Là một khán giả lâu năm, có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi: “Vì sao trong trí nhớ nhiều sân khấu cách đây 15-20 năm, nghĩ lại vẫn có nhiều thú vị hơn hiện nay dù giá vào cửa bây giờ đôi khi ngất trời?”. Đơn giản vì một trong những yếu tố quan trọng của âm nhạc là chương trình được cấu trúc và dung nạp bởi những biên tập viên có nghề và đủ trình độ âm nhạc.
Đành rằng phải tính đến thị trường để sống còn, nhưng bên cạnh đó nếu có tâm với nền âm nhạc và đủ tay nghề, các biên tập viên hẳn sẽ dành nhiều thời gian để gầy dựng cái mới hơn là hái lượm những cái có sẵn, trôi nổi bắt mắt trên thị trường để ghép vào thứ gọi là “chương trình”.
4 Nhiều thể nghiệm nghiệp dư
Thời đại âm nhạc điện tử sản sinh ít nhiều bất cập, đặc biệt là ở những quốc gia đang khủng hoảng thừa về một thế hệ nhiều tiền của và thích thể nghiệm âm nhạc để có được danh hiệu ca sĩ và nhạc sĩ.
Chỉ cần một vài kiểu chế biến giai điệu và nhịp điệu có sẵn ở studio, chỉnh sửa cho một giọng ca yếu ớt trở nên đầy đặn, mỗi ngày ở các home studio (phòng thu gia đình) đều xuất hiện thêm một ca sĩ hay một nhạc sĩ mà khán giả chỉ kịp nhìn thấy trên YouTube hay đâu đó một danh hiệu nhưng không kịp nghe sản phẩm, tác phẩm của họ là gì.
Cộng hưởng cùng trào lưu “hot boy”, “hot girl” hiện nay, một ca khúc ngôn tình được tán thưởng theo kiểu hưởng ứng thời điểm có thể biến một người vô danh hôm nay thành một ngôi sao ngày mai, dù chỉ được biết với những bức ảnh selfie (hình chụp tự sướng) trên mạng xã hội. Không khí âm nhạc thật sự đang bị đánh loãng bởi những điều mới mẻ, vui nhộn đầy tính học trò hơn là nghệ thuật thuần túy. Và đôi khi sự hủy hoại còn ở chỗ các nhà tổ chức nhanh chóng lôi kéo được những thành đạt ảo như vậy trên các diễn đàn âm nhạc Internet vào đời như một điều có thật.
5 Cái hay vẫn tồn tại trong bóng tối
Âm nhạc tồn tại theo khuynh hướng cá tính, sáng tạo độc lập là vốn quý của mỗi quốc gia. Đó là lý do vì sao ở các giải âm nhạc lớn của thế giới, các nhà sản xuất vẫn có chỗ để tìm tới với dòng indie (độc lập), các loại underground (không chính thống)...
Chắc chắn khả năng sáng tạo và đời sống âm nhạc của người Việt, đặc biệt là giới trẻ có tài, không dừng ở những điều nghèo nàn mà chúng thường nhìn thấy mỗi ngày. Vẫn có những ca khúc mới mẻ, trẻ trung và đầy sáng tạo xuất hiện mỗi ngày. Ngay trên YouTube, nhaccuatui.com... cũng luôn có những bài hát mới, MV mới giới thiệu những ý tưởng mới trong âm nhạc hết sức thú vị và bất ngờ. Chỉ có điều họ không thể chen chân vào cánh cửa thương mại nhất thời.
Đã có ai đó từng nói đùa rằng ngay cả Trịnh Công Sơn có tái sinh vào giai đoạn này cũng sẽ thất vọng vì không đủ giá trị thương mại để phục vụ các ông bầu, các biên tập viên...
Cũng có ai đó trách rằng bản thân việc không tự đủ sức cạnh tranh trong thị trường là một điều kém cỏi. Thế nhưng chúng ta cũng nên tự trách mình ở góc khác là đã không đủ thông minh và uyển chuyển để có thể sống tốt với tài nguyên đích thực của mình, như mọi quốc gia khác vẫn đang làm từ trước đến nay.
Kỳ sau: Giáo dục âm nhạc: lỗ hổng lớn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận