20/11/2015 10:16 GMT+7

​Nhạc viện TP.HCM thành… sàn nhảy

N.MINH
N.MINH

TTO - Đêm biểu diễn thứ hai của Liên hoan âm nhạc châu Âu tại TP.HCM tỏa ra một sức nóng lỳ lạ với sự xuất hiện nhóm nhạc đến từ Đức, Brandt Brauer Frick.

Nhóm Brandt Brauer Frick trong đêm nhạc tối 19-11 tại TP.HCM. Từ trái qua: Jan Brauer, Daniel Brandt và Paul Frick - Ảnh: N.Minh

Tối 19-11, âm nhạc của họ làm cho nhiều người không thể ngồi yên trên ghế.

Sự khác biệt mà Brandt Brauer Frick đem lại là màn trình diễn, hay đúng hơn, một không gian khám phá với những âm thanh lạ lẫm, khá u tối, điên cuồng và bay bổng.

Nhóm nhạc này có nòng cốt chính gồm 3 trụ: Daniel Brandt (keyboard), Jan Brauer (keyboard) và Paul Frick (trống).

Âm nhạc của họ là sự trộn lẫn giữa những âm thanh cổ điển và nhạc techno để tạo nên một thể dạng âm nhạc lạ lùng, rất khó so sánh, không có đường biên chuẩn mực, họ tái tạo cổ điển bằng điện tử theo những nhịp điệu được lặp đi lặp lại, như một mũi khoan xoáy đều vào não và chạy thẳng xuống tim.

Âm nhạc của họ làm não phải hoạt động và tim thì đập liên hồi.

Và chắc có lẽ vì thế, để phản ứng lại với những âm thanh khiêu khích mà Brandt Brauer Frick tỏa ra, rất nhiều khán giả đã lên sát sân khấu, quay cuồng cùng họ. Và khán phòng Nhạc viện TP.HCM gần như trở thành một sàn nhảy, ai cũng muốn mình trở thành một vị khách hết mình trong bữa tiệc âm thanh.

Khán phòng Nhạc viện TP.HCM gần như trở thành một sàn nhảy, ai cũng muốn mình trở thành một vị khách hết mình trong bữa tiệc âm thanh - Ảnh: N.Minh

Lần gần nhất sân khấu ca nhạc TP.HCM chứng kiến cảnh tượng khán giả quay cuồng cùng với những nghệ sĩ trên sân khấu là khi nhóm nhạc Mỹ Pink Martini đến đây hồi tháng 4 năm nay. Lúc ấy, ghế ngồi của nhà hát Bến Thành gần như không còn ai ngồi, khán giả ùa lên sân khấu và biểu diễn cùng ban nhạc.

Tối qua, cho dù cảnh tượng không đến mức ấy nhưng hơn 400 ghế của Nhạc viện TP.HCM kín người cũng đủ cho thấy sức hấp dẫn của những tên tuổi nước ngoài chưa được phổ biến tại Việt Nam. 

Âm nhạc của  Brandt Brauer Frick  đã làm cho nhiều người không thể ngồi yên trên ghế - Ảnh: N.Minh

Đáng nói hơn, nhóm Brandt Brauer Frick đến Việt Nam lần này vẫn còn thiếu bộ khung dàn dây 7 người nhưng tuyên ngôn âm nhạc của họ vẫn rất đáng kể. Họ kể bằng những chất liệu điện tử lôi cuốn lấy ra từ album Miami phát hành năm 2013. Những chất liệu này mang nhiều cảm hứng từ trào lưu nghệ thuật Fluxus (ngẫu biến), cũng khởi thủy từ nước Đức những năm 1960.

Theo đó, nghệ thuật không còn đường biên, không tôn thờ cá nhân, đề cao sự tối giản, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại bằng ngôn ngữ nghệ thuật hài hước, vui vẻ nhưng thêm sự châm biếm.  

Âm nhạc của nhóm là sự pha trộn tuyệt vời giữa techno và cổ điển - Ảnh: N.Minh

Suốt thời gian biểu diễn, Brandt Brauer Frick chỉ nói bằng âm thanh trong một không gian ánh sáng chỉ độc một màu vàng xuyên suốt. Không một lời giới thiệu, cảm ơn hay tuyên bố nhưng vẫn đủ làm công chúng quay cuồng. Trong số đó có rất nhiều người Việt Nam.

Nhưng không chỉ ở Việt Nam mà những âm thanh độc đáo của Brandt Brauer Frick đã cuốn hút người ở nhiều nơi trên thế giới. Và đó cũng là lí do họ xuất hiện khá nhiều lần trong các đại nhạc hội nổi tiếng ở Mỹ, Canada, Anh, Đức…

Liên hoan âm nhạc châu Âu trải qua 15 năm tại Việt Nam và càng ngày càng chứng minh cho sức hút của mình bằng thông điệp “Tên tuổi không quan trọng bằng sự khác biệt”. Những nghệ sĨ đã đến Việt Nam đều không phải là những gương mặt quá đại chúng nhưng họ là những người đặc biệt, họ tạo nên sự khác biệt với những nét đặc trưng châu Âu của riêng mình. Mà trong số đó, Brandt Brauer Frick là một ví dụ rõ ràng nhất.

Mời bạn đọc thưởng thức một tiết mục của nhóm Brandt Brauer Frick:

Một tiết mục trong đêm 19-11 của nhóm Brandt Brauer Frick khiến khán giả lần lượt kéo lên sát sân khấu nhảy cùng âm nhạc - Clip: K.Linh
N.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên