07/09/2021 10:51 GMT+7

Nhạc trưởng vận chuyển hàng liên tỉnh

PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (hiệu trưởng GDU, trọng tài viên VIAC)
PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (hiệu trưởng GDU, trọng tài viên VIAC)

TTO - Giải pháp, lộ trình nào đưa logistics liên tỉnh trở lại nhất quán trên toàn quốc để bước vào giai đoạn 'chung sống an toàn'?

Nhạc trưởng vận chuyển hàng liên tỉnh - Ảnh 1.

Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế (tháng 8-2021) - Ảnh: CHÍ CÔNG

Giãn cách xã hội như hiện nay là giải pháp hữu hiệu tạm thời để phòng dịch COVID-19 khi vắc xin chưa kịp "phủ sóng". Việc triển khai thiếu nhất quán, thiếu hợp lý của các địa phương đang gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, ngay cả đối với hàng hóa thiết yếu.

Giải pháp, lộ trình nào đưa logistics liên tỉnh trở lại nhất quán trên toàn quốc để bước vào giai đoạn "chung sống an toàn"?

"Hộ tống" và "trạm giao liên"

Ở TP.HCM, vận chuyển nội thành đang được từng bước khôi phục sau hai tuần giãn cách nghiêm ngặt. Nhưng vận chuyển hàng hóa liên tỉnh vẫn thiếu một nhạc trưởng. 

Trong khi ngành giao thông vận tải và TP Cần Thơ chưa có tiếng nói chung về việc lưu thông hàng hóa qua địa phương này, người dân nức lòng khi đoàn 17 xe tải của Quân khu 9 từ Cần Thơ vận chuyển 50 tấn thực phẩm tặng nhân dân TP.HCM.

Thử hình dung nếu 17 chiếc xe này thay vì trực tiếp vận chuyển 50 tấn lương thực, chuyển sang hộ tống và giám sát tuân thủ phòng dịch 17 đoàn xe của các doanh nghiệp vận tải thì sao? 

Mỗi ngày có 17 đoàn tàu vận chuyển hàng hóa nối hai đô thị, cứ 90 phút có một "đoàn tàu xuất bến". Dĩ nhiên là mỗi quân khu, mỗi tỉnh đội có thể huy động được số lượng xe hộ tống gấp hàng chục lần như thế. Chuyện lưu thông hàng hóa khi đó sẽ tốt hơn rất nhiều.

Việc đăng ký và tiêu chí xếp hạng ưu tiên tham gia "đoàn tàu" được hộ tống này theo nguyên tắc đăng ký công khai tại một website được vận hành bởi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 (NACOVI). 

Nếu thời gian vận chuyển vượt quá 4 tiếng cần phải tổ chức nghỉ ngơi, nạp năng lượng cho cả người và xe. Các trạm dừng nghỉ, nhà hàng, trạm xăng đang vắng đìu hiu có thể được tổ chức thành "trạm giao liên" dưới sự giám sát của quân đội hoặc cơ quan chức năng địa phương.

Dĩ nhiên giải pháp này chỉ là chuyển tiếp trong khi chờ các cơ quan dân sự đủ năng lực xây dựng hệ thống quy tắc luật lệ để đưa hệ thống logistics dân sự vào vận hành có tổ chức, có kỷ luật tốt (như hệ thống quân sự) theo đúng tinh thần mọi hàng hóa không phải là hàng cấm đều được lưu thông.

Nhạc trưởng vận chuyển hàng liên tỉnh - Ảnh 2.

PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (hiệu trưởng GDU, trọng tài viên VIAC)

Tập quyền điều phối logistics trên quốc lộ

Tùy diễn biến dịch COVID-19 và nguồn lực tại chỗ, chính quyền địa phương, theo lẽ tự nhiên, sẽ hành động theo khuynh hướng "cục bộ", vì bảo vệ "vùng xanh" của địa phương mình mà sẵn sàng hạn chế "quyền đi qua vô hại" của hàng hóa, phương tiện, hành khách của địa phương khác. 

Những hàng hóa này không tạo nguồn thu cho địa phương, nhưng nếu chỉ cần một tiếp xúc gần với mầm bệnh có thể gây lây nhiễm và hậu quả rất lớn. Nên khuynh hướng "hạn chế nhầm hơn bỏ sót" là dễ hiểu.

Nếu tiếp tục đặt quyền lực kiểm soát các quốc lộ trong tay chính quyền 63 tỉnh thành thì vận chuyển liên tỉnh khó lòng có sự nhất quán, ổn định. 

Trọng trách quản lý lưu thông và chống dịch trên các quốc lộ huyết mạch cần được đặt dưới sự điều phối của chính quyền trung ương; tỉnh lộ, huyện lộ vẫn đặt dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.

Theo đó, các trạm kiểm dịch, "trạm giao liên" (trạm dừng chân, bốc xếp) trên các quốc lộ cần được đặt dưới sự điều phối trực tiếp của trung ương và NACOVI nên cử nhân sự từ Bộ Quốc phòng, quân khu làm trưởng trạm. Các địa phương có nghĩa vụ cử nguồn lực về y tế, giao thông, trật tự theo sự chỉ đạo của trưởng trạm.

Nếu các địa phương chặn các tỉnh lộ, huyện lộ; hàng hóa không ra được tới quốc lộ để lưu thông thì vận chuyển logistics liên tỉnh cũng sẽ bị vô hiệu hóa. Để tránh việc lạm quyền này, lãnh đạo trung ương cần sử dụng công cụ mạnh nhất đang có trong tay.

Thứ nhất: quyền đình chỉ, hủy bỏ các văn bản của chính quyền địa phương theo điều 28, khoản 8 Luật tổ chức Chính phủ 2015. 

Thứ hai, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp phối hợp VIAC cần lập danh mục các công văn, thông báo vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Thủ tướng ban hành quyết định đình chỉ.

Thứ ba, để tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tra cứu các quy định hạn chế lưu thông vì lý do phòng chống dịch, NACOVI cần cập nhật toàn bộ các quy định này về một đầu mối là website của NACOVI. 

Thứ tư, Quốc hội khẩn trương sửa điều 3, khoản 1 - khoản 6 Luật tố tụng hành chính. 

Theo đó cho phép doanh nghiệp, công dân khởi kiện yêu cầu hủy bỏ các văn bản vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bồi thường thiệt hại gây ra do cản trở lưu thông hàng hóa không đúng pháp luật. Khi đó thiệt hại sẽ giảm, các bất cập sẽ được sửa chữa nhanh nhất.

Đại dịch COVID-19 không thể kết thúc nhanh với các biến chủng mới. Phần rất lớn nhân loại chưa được tiêm vắc xin.

Chúng ta đang "hoãn binh" để có thêm thời gian "phủ sóng" vắc xin và nâng khả năng điều trị. Sau giai đoạn "truy vết, khoanh vùng, cách ly tập trung" sẽ sang chiến lược "chung sống".

Hàng loạt hành vi, quy tắc cần được điều chỉnh kịp thời bởi các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số, chứ không chỉ còn phòng chống dịch bằng thuốc men, vật tư y tế.

TP.HCM tính mở lại điểm trung chuyển hàng hóa chợ đầu mối Bình Điền vào 7-9 TP.HCM tính mở lại điểm trung chuyển hàng hóa chợ đầu mối Bình Điền vào 7-9

TTO - TP.HCM sẽ xem xét mở lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền vào ngày 7-9 và mở một số chợ truyền thống tại các quận huyện trong thời gian tới.

PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (hiệu trưởng GDU, trọng tài viên VIAC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên