Phóng to |
Nhạc trưởng Lê Phi Phi |
Anh chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ:
- Tôi đã có ý định mời một nhóm nhạc đặc sắc của Macedonia qua VN trình diễn từ cách đây năm bảy năm! Năm 1992 tôi sang Macedonia sinh sống và chính thức trở thành nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia. Ngần ấy năm cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật đặc biệt cũng như những nghệ sĩ tài năng. Và tôi đã nuôi ý định mời cho bằng được những nghệ sĩ tài năng qua VN trình diễn những loại hình nghệ thuật đặc biệt đó.
* Đó là lý do vì sao là một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển mà anh lại mời Synthesis - một nhóm nhạc “tân cổ giao duyên” của Macedonia - thay vì mời những nghệ sĩ nhạc cổ điển?
- Một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển như tôi không có nghĩa là không thích hay không bị mê hoặc bởi những thể loại nhạc khác. Âm nhạc mà Synthesis theo đuổi rất đặc biệt: giai điệu cổ + lời ca cổ + nhạc cụ truyền thống + hòa thanh hiện đại. Có những ca khúc họ trình diễn đã “thọ” 5-6 thế kỷ. Các nhạc cụ âm nhạc dân tộc như kèn Kaval, Gaida, Zurla, đàn dây Tarabuka, trống Tapan, Tambura… cũng thế. Và họ cũng hát theo lối hát truyền thống: dùng giọng mũi và cổ họng. Với một vài tiết mục, họ kết hợp dàn trống jazz và keyboard.
Mạnh mẽ và thăng hoa, Synthesis là một trong những tia sáng của thể loại world music ở Macedonia. Hơn nữa, đã có rất nhiều nghệ sĩ cổ điển danh tiếng trên toàn thế giới đến VN rồi, trong khi những nghệ sĩ “đặc trưng” như Synthesis thì còn tương đối ít.
Phóng to |
Nhóm nhạc Synthesis của Macedonia - Ảnh: Q.N. |
* Ý tưởng đã có từ lâu nhưng sao đến bây giờ anh mới mời được một nhóm đặc sắc như Synthesis qua diễn tại VN? Có khó khăn gì không, thưa anh?
- Với chuyến đi này thì Bộ Văn hóa của Macedonia đài thọ hoàn toàn chi phí cho chúng tôi. Và phía Nhà hát Giao hưởng - nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) cũng đã mời giúp các nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng tham gia chương trình. Sở dĩ Synthesis đến VN trễ hơn dự tính vì cả hai phía đều không sắp xếp được thời gian.
Synthesis là đại sứ danh dự về văn hóa của Macedonia nên họ cũng vô cùng bận rộn. Và các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Giao hưởng - nhạc vũ kịch tại VN cũng thường kín lịch diễn. Sắp xếp sao cho cả hai bên cùng có thời gian gặp gỡ, tập luyện và trình diễn một vài buổi là điều không dễ. Ngay như chuyến đi này được chuẩn bị từ một năm trước đây nhưng vẫn không thể sắp xếp được cho nhóm diễn cùng dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng - nhạc vũ kịch VN tại Hà Nội hôm 18-2.
* Anh có ý định giới thiệu những nghệ sĩ tài năng của VN tại Macedonia hay những nước anh đã cộng tác với tư cách một nhạc trưởng?
- Tôi đã từng là cầu nối, mời các nghệ sĩ của VN như Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy, Võ Đăng Tín, Trần Vương Thạch qua trình diễn tại Macedonia. Nhưng tiếc rằng đó chỉ là những buổi trình diễn cá nhân. Hi vọng sẽ có những nhóm biểu diễn lớn hơn trong tương lai.
* Anh nghĩ sao về thực trạng những tài năng hàn lâm VN như anh ra nước ngoài học và chọn làm việc hẳn ở nước ngoài?
- Vì ngành học và tính chất công việc nên hầu hết chúng tôi buộc phải chọn đến các nước có môi trường làm việc có khả năng phát triển hơn. Việc học không chỉ gói gọn nơi trường lớp. Chúng tôi đã học rất nhiều từ môi trường làm việc của mình. Nhưng dù ở đâu chúng tôi cũng chỉ có một quê hương là VN. Lá rụng về cội. Rồi chúng tôi cũng sẽ trở về. Trở về ở cái tuổi chín muồi nhất của đời người để có thể bắt tay vào làm cái gì đó cho ngành nghề mình đã theo đuổi.
Đóng góp cho quê hương là khát khao lớn nhất đối với những nghệ sĩ xa quê như chúng tôi. Từ năm 2005 tôi đã sắp xếp để có thể về VN biểu diễn nhiều hơn. Tôi biết nhiều bạn cũng đã về VN ở hẳn như Trần Anh Sơn, Đỗ Kiên Cường, Trần Nhật Minh… Và một số khác như Bích Trà, anh em Khôi Nguyên - Khôi Nam… cũng chọn sống ở cả hai nước chứ không định cư hẳn ở nước ngoài.
Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân, tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), hiện là nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng thành phố Nish (Serbia), giáo sư của Trung tâm nhạc vũ kịch Ilija Nikolovski-Lui của nước cộng hòa Macedonia và là chỉ huy cộng tác của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia và Nhà hát vũ kịch Macedonia. Anh cũng từng giữ hai nhiệm kỳ nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia. Synthesis gồm chín thành viên, được thành lập năm 1995 với tiêu chí “thể hiện một cách sâu lắng kho báu của nền âm nhạc dân tộc Macedonia”. Cái tên Synthesis (sự kết nối) được chọn cho ý tưởng cơ bản của nhóm, đó là sự kết hợp giữa giai điệu truyền thống với phối khí hiện đại để tạo nên một “kết nối âm nhạc”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận