Phóng to |
Nhạc trưởng Lê Phi Phi |
Đây là một trong những chương trình hòa nhạc hiếm hoi ở VN khi các nhà tổ chức cùng lúc mời nhiều nghệ sĩ người Việt hoạt động âm nhạc ở nước ngoài như Bích Trà (piano, từ Anh), Nguyễn Hữu Khôi Nam, Nguyễn Hữu Nguyên (violin, từ Pháp), Lê Phi Phi (từ Macedonia)... cùng biểu diễn bên nhau.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ đề tài "người Việt xa xứ".
* Trước đây, khi trả lời báo chí VN, anh thường nói rất nhớ quê hương và dự định đến một ngày nào đó sẽ trở về hẳn VN để sống và làm việc. Vì sao cái ngày đó vẫn chưa đến?
- Không chỉ trước đây mà lúc nào tôi cũng luôn nhớ về quê hương, gia đình, bè bạn... Một phần vì tôi còn có công việc của mình ở bên kia mà chưa thể từ bỏ ngay được, đồng thời cũng còn điều kiện gia đình chưa cho phép trong lúc này. Con tôi đang đi học, còn công việc của tôi và vợ tôi trong Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, của Nhà hát Nhạc Vũ kịch, Trung tâm Âm nhạc và múa Macedonia... rồi những chuyến lưu diễn ở các nước khác... không thể muốn mà có thể dứt bỏ ngay được.
* Một người làm âm nhạc nhưng không sống ở quê hương như anh thì được gì và mất gì về mặt nghề nghiệp?
- Ngạn ngữ VN ta có câu "được cái này thì mất cái kia...". Tôi được sống và làm việc phát huy hết khả năng của mình ở Châu Âu, cái nôi của âm nhạc cổ điển. Còn mất mát duy nhất là xa Tổ quốc. Cái mất đó, tôi đang cố "điều chỉnh" lại bằng cách năng về VN hơn.
* Nhưng hãy thử hình dung xem, chắc chắn nhạc sĩ Hoàng Vân không thể có được "Quảng Bình quê ta ơi", hay "Tôi là người thợ lò" nếu không sống ở VN?
- Đúng thế, nhưng lại không hẳn thế. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đã sống ở Nga hơn 50 năm, nhưng trong âm nhạc của ông vẫn thấy rất rõ âm hưởng VN. Trong giao hưởng Tổ quốc tôi của ông mà tôi đã từng dàn dựng, thính giả có thể bắt gặp cả những giai điệu Thái, Mông...
Rồi nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo cũng vậy, âm nhạc của ông là một sự kết hợp giữa âm nhạc thế giới đương đại và chất liệu VN. Tổ quốc - như gốc rễ vậy - là một cái gì mà con người ta sẽ không bao giờ đánh mất. Đó là nói về khía cạnh sáng tác, còn đối với một nghệ sĩ chỉ huy làm việc nhiều với âm nhạc bác học như tôi, được sống ở Châu Âu là một thuận lợi rất lớn.
* Điều gì đã giúp anh trụ được ngần ấy năm ở vị trí nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia tại một quốc gia Châu Âu?
- Có lẽ bởi bên cạnh phông văn hóa Châu Âu vững vàng - kết quả của những năm được đào tạo cơ bản ở Nhạc viện Tchaikovsky, trong nghề nghiệp tôi vẫn giữ được nét tinh tế, cái rung động rất đặc trưng của phương Đông. Người phương Đông thường nhẫn nại. Khi gặp một nhạc công chơi dở, sửa mãi không được, một nhạc trưởng người phương Tây có thể phát cáu, bỏ cả buổi tập... Nhưng mình thì không, bao giờ cũng kiên nhẫn chỉnh từng nốt, từng câu một.
* Vì sao trong suốt những năm qua, anh không tìm cách chuyển đến những trung tâm âm nhạc lớn hơn, để có thể phát triển hơn trong sự nghiệp?
- Quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, thế giới bây giờ là một ngôi nhà chung. Âm nhạc cũng không phải ngoại lệ. Sống ở đâu không quan trọng, miễn là người ta vẫn được đi khắp thế giới làm việc. Như Đặng Thái Sơn một năm chỉ về Canada - nơi anh cư trú - một tháng, chủ yếu để nghỉ ngơi và tập luyện thêm chương trình.
Còn lại, anh đi khắp thế giới biểu diễn, giảng dạy... Tôi cũng biểu diễn, làm việc rất nhiều tại các quốc gia khác. Và theo kinh nghiệm của tôi, ở một nước nhỏ như Macedonia thì dễ sống hơn. Sang Paris, New York rất khó bon chen. Tôi đã an cư rồi, lạc nghiệp rồi, không muốn đi đâu nữa. Đi đâu thì cũng phải làm lại từ đầu...
* Hiện nay có một làn sóng các trí thức, doanh nhân Việt kiều trở về đem tiền bạc hay tri thức của mình giúp đỡ quê hương. Nhưng trong âm nhạc có vẻ như chưa được như vậy. Các anh thường chỉ về diễn một vài đêm rồi lại đi. Có lẽ môi trường âm nhạc ở VN chưa thích hợp cho các anh ở lại hẳn ?
- Đầu tiên là lý do kinh tế, "có thực mới vực được đạo". Tôi cũng muốn về nước diễn nhiều hơn nhưng vấn đề "kinh phí" luôn luôn là trở ngại. Còn nhớ khi tôi cùng một nhạc sĩ Việt kiều khác về VN dàn dựng một chương trình hoà nhạc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hội Người VN ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình có hỏi nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia VN, để làm một chương trình như thế này, cần bao nhiêu tiền?
Anh Quân trả lời rằng số tiền này có thể chỉ bằng một phần mười cho số tiền phải bỏ ra để tổ chức một "sô" nhạc nhẹ. Vậy mà nhiều khi cũng không lo đuợc, khổ thế đấy. Khi một xã hội phải phát triển cao về các mặt, đặc biệt là văn hoá thì lúc đó mọi người mới có thể bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật. Thật buồn khi thấy các chương trình nhạc cổ điển ở ta hầu như chỉ có nguồn tài trợ chính của nước ngoài.
Trong khi lẽ ra ngoài sự hỗ trợ bởi nhà nước VN, âm nhạc bác học còn phải được các doanh nghiệp VN - mà hiện nay tôi cho là một lực lượng kinh tế rất mạnh - góp tay xây dựng. Có lẽ vì thế tôi nghĩ rằng trong giai đoạn hiện nay, mình cứ tạm ở Châu Âu để luôn nâng cao và cập nhật kiến thức, rồi hễ cứ khi nào có cơ hội lại mang chính những điều đó về góp sức vào sự phát triển chung của nền âm nhạc cổ điển VN một cách tích cực nhất trên mọi lĩnh vực biểu diễn cũng như giảng dạy.
* Người ta vẫn nói âm nhạc bác học ở Việt Nam chưa phát triển được vì thu nhập của người làm nghề quá thấp. Đó có phải là lý do duy nhất?
- Theo tôi biết, hiện nay một nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng VN có thể có thu nhập tới 4-5 triệu đồng/tháng (bao gồm lương và thù lao biểu diễn). Không nhiều, nhưng so với thời bao cấp cũng đã là đỡ lắm rồi. Tiền không phải là lý do duy nhất khiến âm nhạc cổ điển ở VN chưa phát triển. Cái quan trọng hơn là vị thế xã hội, là sự tôn trọng mà mọi người dành cho nó. Ở các nước, nếu hỏi bạn làm nghề gì, nói làm "nhạc công dàn nhạc giao hưởng quốc gia" là vẻ vang lắm. Nhưng ở mình nói như vậy không ai biết, hoặc có biết thì cũng rất mơ hồ, trừ những người trong nghề.
Gần đây thỉnh thoảng tôi có sang Nga, gặp những thầy cũ, lương tháng của họ có những lúc chỉ tương đương với 50 USD. Vật giá ở Mátxcơva thì đắt đỏ như vậy! Nhưng họ vẫn gắn bó và tự hào với nghề. Bởi vé đi nghe hoà nhạc vẫn phải đăng ký mua trước hàng nửa năm, vì làm nghề nhạc vẫn cứ là sang trọng, vẫn là có đẳng cấp cao trong xã hội. Khi đã có vị thế như vậy, có được sự chú ý nhất định của xã hội thì tinh thần và trách nhiệm của người làm âm nhạc chắc chắn sẽ cao hơn.
* Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc có kể, vừa rồi anh sang Pháp biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội. Cũng vẫn những con người ấy, những bản nhạc ấy, nhưng chưa bao giờ anh thấy các nhạc công của mình chơi hay như vậy, đam mê như vậy. Sau đêm diễn, anh trò chuyện với họ...
- Và biết rằng họ chơi hay bởi hoàn toàn quên đi những chuyện thường ngày. Con ốm, tiền ít, ngoài phố tắc đường... những điều khốn khổ đó được tạm gác sang một bên. Tất cả chỉ còn nghệ thuật. Tôi nghĩ không cần phải trả cho các nghệ sĩ quá nhiều tiền, chỉ cần giữ cho họ một môi trường đủ điều kiện để yên tâm làm nghệ thuật, để không còn cảnh 50% các nhạc công dàn nhạc giao hưởng đêm đêm phải đi đánh ở bar.
Ở nước ngoài các nhạc công cũng phải đi làm thêm, nhưng làm khác ở ta. Họ lập ra các nhóm tam tấu, tứ tấu rồi đi diễn ở những nơi lịch sự, thu CD phát hành, tóm lại là họ vẫn làm đúng nghề của mình. Bên các nước, dù có phải chơi đàn dưới Metro, hay ngoài quảng trường, thì người nghệ sĩ vẫn chơi hết lòng, với sự tự trọng cao. Bởi môi trường âm nhạc phải là như vậy. Điều cần nhất là VN chúng ta phải tạo ra và giữ được môi trường đó.
* Năm nào cũng về VN, anh thấy đời sống âm nhạc cổ điển trong nước nói chung gần đây có thay đổi gì đáng chú ý?
- Tôi thấy là mọi việc đang tốt lên. Bằng chứng là ở Hà Nội chúng ta đã có tới 3 dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp là Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN, ở TPHCM cũng có Dàn nhạc Giao hưởng Vũ kịch và Dàn nhạc Giao hưởng của Nhạc viện TPHCM. Các chương trình cũng nhiều hơn và đa dạng hơn. Trình độ và kinh nghiệm biểu diễn của các nhạc công cũng có tiến bộ nhất định... Số lượng khán giả đi xem cũng ngày một tăng. Nhưng cái chính vẫn là cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho âm nhạc cổ điển đến với mọi người.
Lê Phi Phi sinh năm 1967, là con trai của nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Vân. Tốt nghiệp khoa Piano và Chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Hà Nội năm 1986, Lê Phi Phi tiếp tục theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Sau khi tốt nghiệp, anh định cư tại nước Cộng hoà Macedonia từ năm 1992. Từng là nhạc trưởng thường trực của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Macedonia. Hiện nay anh cộng tác với nhiều nhà hát Opera, dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng khác nhau trên thế giới. Hiện sống tại Skopie (thủ đô Macedonia), có vợ là nữ nghệ sĩ violin Lidia , và con trai là Lê Adam Linh - 10 tuổi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận