Nhạc sư Vĩnh Bảo chơi đàn tại tang lễ GS Trần Văn Khê vào tối 27-6. Ảnh: THANH TÙNG |
Nhạc sư Vĩnh Bảo trở lại tang lễ GS Trần Văn Khê vào tối 27-6 để cùng các học trò, những người yêu mến giáo sư tạo nên một buổi đờn ca tài tử hết sức đặc biệt bên linh cữu của vị giáo sư đã khuất.
Đúng 20g15, ông có mặt tại tang lễ GS Trần Văn Khê cùng con gái như đã hẹn, ngồi trò chuyện một chút với vài người thân quen có mặt tại lễ tang và bước vào phòng khách, nơi để linh cữu của giáo sư và bắt đầu so dây đàn.
20g30, ông bắt đầu đánh khúc Nam ai bằng cây đàn tranh mà ông cầm theo. Khúc nhạc vừa vang lên, con cháu GS Trần Văn Khê và phần lớn khách đến viếng mắt đều hoe lệ.
Ông lại đề nghị đưa cho mình đàn gáo và tiếp tục với khúc Nam ai. Và rồi ông lại tiếp tục khúc nhạc nói lên nỗi buồn chia ly, nỗi lòng của người ở lại này với đàn sến.
Sau ba lượt đàn, ông mới ngừng lại, chậm rãi chia sẻ rằng ông phải đến để đàn cho người bạn tri âm tri kỷ của mình trong những giờ phút cuối cùng này vì: “Trần Văn Khê đi rồi, tiếng đàn của tôi không còn ai hiểu nữa”.
Nhạc sư Vĩnh Bảo và nghệ sĩ Hải Phượng (trái) cùng chơi đàn tối 27-6. Ảnh: THANH TÙNG |
Ông cũng kể nhiều người đã hỏi ông về những kỷ niệm với giáo sư Trần Văn Khê và đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất nhưng ông vẫn chưa trả lời bởi vì ông và giáo sư đã quen biết nhau 50 năm. 50 năm đó có biết bao kỷ niệm đáng nhớ, nếu kể thật khó có thể kể hết.
Dẫu vậy, sau khi chơi đàn tiễn bạn, ông cởi mở hơn nhiều và tiết lộ rằng: “Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là chiều hôm thứ tư ngày 10-6, điện thoại nhà tôi reo và cậu Quang, học trò của anh Khê báo với tôi rằng anh Khê đã hồi tỉnh và muốn được nghe tiếng đàn của tôi. Khi đó, tôi đã đờn hai bài liền là bài Rao xuân và Nam ai. Lúc đó, hình ảnh GS Khê hiện rõ trong đầu tôi và tay tôi cứ thế mà gảy đàn…”.
Những tưởng vị nhạc sư đáng kính sẽ ra về sau khi kết thúc phần trò chuyện nhưng không, ông vẫn yên vị, uống nước, tiếp tục ở lại cùng người đã khuất. Ông ngồi yên lắng nghe phần trình diễn của nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng và cháu ngoại của GS Trần Văn Khê, cô Trương Trần Diễm Tiên.
Cô Diễm Tiên là một trong những người cháu gần gũi và được giáo sư Khê dạy nhiều bản nhạc cổ truyền. Cô nói: “Ông dạy cho tôi rất nhiều nhưng tôi không có điều kiện đi theo con đường chuyên nghiệp, chỉ thi thoáng hát cho ông và mọi người nghe. Hôm nay, tôi xin được hát để tạ từ ông”. Và cô đã hòa ca bản Lý con sáo cùng nghệ sĩ Hải Phượng.
Cũng từ giây phút đó, tang lễ của GS Trần Văn Khê bỗng trở thành một buổi đờn ca tài tử thật tự nhiên, nhẹ nhàng. Ai biết đờn, biết hát đều có thể tham gia.
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân cũng góp giọng trong một trích đoạn Hàn Mạc Tử khiến nhạc sư Vĩnh Bảo lại nổi hứng muốn hòa đàn. Ông cầm đàn gáo để tấu cùng Hải Phượng đàn tranh và nghệ sĩ Chí Tâm guitar phím lõm bản Câu hò dành tặng thầy Khê do nghệ sĩ Xuân Lan (cựu diễn viên của đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, từng nổi danh với vai công chúa Bích Vân trong vở Bên cầu dệt lụa).
Hò rằng:
Hò… ơ… Ai về Bà Chiểu - Lăng Ông
Ghé thăm gia thất thầy Trần Văn Khê
Để nghe quá khứ quay về
Thương hồn xứ sở đam mê nhạc tuồng
Ai có về Lăng Ông Bà Chiểu, ghé thăm gia thất thầy tôi để nghe quá khứ ngàn xưa nuôi dưỡng tâm hồn.
Cây đại thụ văn chương nhạc lý vẫn còn. Đang trao gửi cho những ai còn yêu nước, yêu đồng bào, yêu giá trị non sông.
Hơn 90 năm tuổi hạc lưng còng, thần minh mẫn thương trò mến khách. Cung oán cung thương mặc đời danh lợi, thầy vẫn ngày đêm rút ruột tơ tằm.
Lão nhạc sư Vĩnh Bảo đờn tiễn GS Trần Văn Khê - TVO thực hiện |
Anh Hồ Nhựt Quang - một trong những học trò thân cận của GS Trần Văn Khê trong những năm cuối đời - đã sáng tác bài hò này tặng GS Trần Văn Khê trong chương trình tìm hiểu văn hóa Việt Nam với chủ đề Lễ giáo Nam Bộ xưa hồi tháng 11-2014. Bài hò này cũng từng được nghệ sĩ Xuân Lan trình diễn trong chương trình trên, nay lại được cô hát lại như một lời biệt ly.
Có mặt trong lễ viếng, nghệ sĩ Chí Tâm cho biết: “Tôi từng mơ ước được tham gia vào các chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam tại nhà GS nhưng chưa có cơ hội. Lần đầu tôi gặp giáo sư Trần Văn Khê là năm 1982 tại Pháp. Năm 1996 lại được gặp ông tại Việt Nam. Lần này tôi về nước khá lâu, tính là ghé qua thăm GS nhưng chưa kịp thì ông đã ra đi”.
Nghệ sĩ Chí Tâm cho biết rất nhiều kiều bào ở nước ngoài hay tin đã email chia buồn và nhờ ông gửi đến giáo sư Trần Văn Khê nén hương. Không chỉ đến thắp hương, nghệ sĩ Chí Tâm còn nán lại cùng đàn, ca những khúc ca cổ truyền dành tặng người đã khuất.
Ông hát bài Tiếng hát đầu nôi do chính ông sáng tác qua phần đệm của nhạc sư Vĩnh Bảo, nghệ sĩ Hải Phượng và ban nhạc lễ Nhứt Dũng với câu kết: “Ở nơi đâu còn cải lương, còn người nghe vọng cổ là nơi đó còn dân tộc Việt Nam”.
Cứ thế, mọi người cứ đàn ca trong không khí “rất tài tử”. Say sưa đến độ dây đàn tranh bị đứt mà vẫn không ai muốn ngưng. Ca sĩ Bạch Yến, con dâu GS Trần Văn Khê, kể rằng lúc sinh thời GS Trần Văn Khê thường đùa rằng khi đàn mà đàn bị đứt dây tức là có người nghe lén. Nhưng nhiều người có mặt tại đó lại tin rằng việc đàn đứt dây hẳn là lời nhắc nhở của GS Khê đến sức khỏe của nhạc sư Vĩnh Bảo. Ông đã ngồi hòa đàn gần một tiếng rưỡi đồng hồ mà vẫn không muốn dừng lại.
Đờn ca, ôn lại kỷ niệm trong nước mắt và cũng có những nụ cười bởi, như nghệ sĩ Chí Tâm nói: “Chúng ta đều đau buồn nhưng sẽ không khóc vì giáo sư vẫn sống mãi trong lòng chúng ta”.
Cũng trong tối 27-6, nhóm những người yêu mến chương trình Vinh danh văn hóa nam bộ với khoảng 100 nhân vật, trong đó có những nhạc sư nhạc cổ truyền ở tỉnh Tiền Giang (quê của giáo sư Trần Văn Khê) cũng đã áo dài khăn đóng đến viếng GS Trần Văn Khê. Họ đến viếng theo đúng nghi lễ xưa với khai rượu lễ cùng bài văn tế theo đúng phong văn Nam Bộ xưa - Bài văn tế theo đúng phong văn Nam Bộ Xưa (TÁN-TÁN-THÁN: Dương-Dương-Âm ---> QUẺ TỐN ☴, tượng trưng cho Gió ví như sự thanh thản, ung dung tự tại ra đi của giáo sư). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận