Nhạc sư Vĩnh Bảo - Ảnh: GIA TIẾN
Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc và cũng là người trình tấu, nghệ nhân đóng đàn.
Ông đã cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Ông và GS.TS Trần Văn Khê được xem là đôi bạn tri kỷ cùng yêu quý và nâng niu tiếng đàn dân tộc.
5 tuổi ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò. 10 tuổi biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc. Từ năm 1995 đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và là trưởng ban cổ nhạc miền Nam tại Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.
Nhạc sư Vĩnh Bảo trong buổi gặp gỡ khán giả tại tư gia giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: GIA TIẾN
Ông đã đi diễn thuyết, giới thiệu và trình tấu âm nhạc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1972, ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa nhạc Nhạc tài tử Nam Bộ cho Hãng Occora và UNESCO tại Pháp.
Năm 1970 - 1972, ông là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ). Năm 2005, nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê được trao giải thưởng Đào Tấn. Năm 2008, nhạc sư được Chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier.
Nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: GIA TIẾN
Cuối đời, ông được tỉnh Đồng Tháp mời về tỉnh nhà sinh sống. Ông và cô con gái Thu Anh đã tổ chức những buổi nói chuyện, sinh hoạt đờn ca tài tử tại tư gia.
Bên cạnh đó, ông vẫn duy trì việc dạy đàn online cho các học sinh ở khắp nơi trên thế giới. Trước khi lâm trọng bệnh, học trò đến thăm ông vẫn nói chuyện rất rành rẽ về đờn ca tài tử, vẫn cầm đàn hòa tấu đầy say mê với học trò.
Tối 7-1, Ban tổ chức lễ tang nhạc sư Vĩnh Bảo thông tin lễ viếng nhạc sư bắt đầu từ 10h ngày 8-1 tại Câu lạc bộ Hưu trí TP. Cao Lãnh (209 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và kéo dài đến 10g ngày 10-1. Sau đó, sẽ hỏa táng và đưa tro cốt ông thờ tại nhà bên cạnh tro cốt của vợ ông. (NGỌC TÀI)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận