Nhạc sư nguyễn Vĩnh Bảo - Ảnh: L.ĐOAN
"Nhạc truyền thống chỉ có thể tồn tại và phát triển khi còn những nhạc sư, nhạc sĩ nhận thức trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, trao gửi cho thế hệ mai sau di sản văn hóa độc đáo mà họ thừa hưởng từ thế hệ ông cha.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo
"Âm nhạc vô cùng mà đời người hữu hạn…", lời nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nói ngày nào vẫn còn đây, những đàn tranh đàn kìm đàn nhị đàn bầu đàn gáo đàn cò của ông vẫn còn đây, những giai điệu Lưu thủy hành vân, Tứ đại oán vẫn còn đây, và ông thì đã đi xa sau trăm năm sống với âm nhạc...
Nhà lưu niệm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo lặng lẽ khiêm nhường trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, bên trong là không gian ấm cúng với những hình ảnh, kỷ vật tích lũy trăm năm của ông.
Những cây đàn ông đã dùng, những hình ảnh ông trình tấu, diễn thuyết, giảng dạy âm nhạc Việt Nam khắp thế giới, những băng dĩa, chiếc bàn gỗ cũ kê chiếc máy tính kèm dàn loa mà ông dạy học trò qua Internet, chiếc ghế xếp mỗi lúc nghỉ lưng…
Nhưng ấn tượng nhất chính là những tập hồ sơ xếp dài trên kệ sách. Hồ sơ nghiên cứu âm nhạc, hồ sơ nghiên cứu đàn tranh, đàn kìm, hồ sơ các bản nhạc cho mỗi loại đàn, thư trao đổi với bạn bè, hồ sơ dạy đàn mà mỗi học trò đều có một tập riêng, ghi tên từng người rành rõ: Trần Quang Hải, Đặng Đoan Trinh, Nguyễn Phụng, Lê Tuấn Hưng, Julie Trinh…
Nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: GIA TIẾN
Trăm năm để lại
Lần giở vài tập, từng email trao đổi, từng câu hỏi - câu trả lời đều được ông lưu giữ đầy đủ, cẩn thận theo đúng thứ tự thời gian mà có khi, chính những học trò cũng không ngờ được.
Đọc lại một vài lá thư ông viết cho bạn bè xa, kể chuyện vui khi âm nhạc dân tộc ngày một được quan tâm, khất hẹn lần sau vì chưa tìm được một bản nhạc cổ được yêu cầu, buồn buồn vì chưa đủ kinh phí in sang dĩa nhạc mà bạn mong được gửi…
Những câu chuyện chất chồng qua thời gian chứng minh lời ông tâm sự: "Tôi sống trên đời, giúp được nhiều người, lại cũng được nhiều người giúp. Cuộc đời đi qua, những điều tốt đẹp mới ở lại được lâu bền, những chuyện gì không đẹp thì không đáng để nhắc đến".
Nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: GIA TIẾN
Ông Alexander M.Cannon, tiến sĩ âm nhạc dân tộc ĐH Birmingham, Anh, viết bằng tiếng Việt trong sổ lưu niệm:
"Kính thương thầy Vĩnh Bảo. Cách đây 12 năm rồi, con đã gặp thầy tại nhà riêng trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Con chưa nói được tiếng Việt chuẩn, nhưng thầy nói với con bằng tiếng Anh rất là hay. Thầy giải thích rất rõ về lịch sử âm nhạc miền Nam và giới thiệu cho con cây đàn tranh Việt Nam.
Cuộc đời của con thay đổi - con mới bắt đầu hiểu về một loại âm nhạc đẹp nhất của thế giới. 12 năm sau, con luôn nhớ về thời gian đó, chúng ta đã đàn với nhau, uống cà phê và cười rất nhiều. Được gặp thầy, nói chuyện với thầy về âm nhạc, cuộc đời con phong phú hơn… Bây giờ, con luôn cố gắng để giải thích cho sinh viên của con bên Anh quốc hiểu về đờn ca tài tử".
Và cũng trong sổ lưu niệm còn những lời của chính nhạc sư: "Âm nhạc là sản phẩm của một xã hội, tiếng nói của một dân tộc. Dân tộc nào đã phát sanh ra nó, cảm thấy thấm thía khi nghe nó.
Trong tương quan quốc tế hiện nay, văn hóa, nghệ thuật là nhịp cầu ngắn nhất để các dân tộc xích lại gần nhau, tìm hiểu, học hỏi, thương mến nhau. Vinh danh một quốc gia, người ta không nhìn vào diện tích hay dân số, mà nhìn vào tinh thần dân tộc của quốc gia ấy".
Bài thơ Người cao tuổi và người già với thủ bút của nhạc sư Vĩnh Bảo - Ảnh: P. VŨ
104 tuổi chứ không già
Ý thức rõ sứ mệnh của mình, ông đã không ngơi nghỉ suốt cả trăm năm, không bao giờ tự nhận mình là "già" mà chỉ là "cao tuổi". Bài thơ định nghĩa "người cao tuổi và người già" ông viết ngày 6-7-2020, khi tròn 103 tuổi có những câu như "...Cái già là cái chi chi/ Bỏ đi ý nghĩ, quăng đi chữ già/ Dù ta lớn tuổi thật mà/ Nhưng ta không muốn chữ già bám sau".
Năng lượng mạnh mẽ hơn cả thời gian khiến những người may mắn được tiếp cận phải giật mình khi nhớ những lời mình từng than thở.
Những ngày cuối đời, khi đã nằm trên giường bệnh, ông vẫn nắm tay trò chuyện với người đến thăm, và không kể về sức khỏe, về cơn yếu mệt mà lại vẫn là những câu hỏi về một hiện tượng xã hội ông vừa được nghe kể, vẫn là những nhận định cuộc đời mà ông đúc kết.
Những ngày cuối đời, khi đã chìm vào cơn mê, ông vẫn mở mắt, nhịp ngón tay mỗi khi nghe thấy tiếng đàn của học trò.
Nguyên bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, người đã mời ông về sinh sống tại quê nhà sau tuổi 100, viết về cảm xúc ấy:
"Sẽ thật hạnh phúc cho cuộc đời mỗi người khi chỉ cần được một lần tiếp xúc với người có sức hút vì bản thân người đó toát lên sự mẫn tuệ, tinh anh. Những ai một lần tiếp xúc với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, con người tài hoa mà khiêm nhường, đáng kính và đôn hậu ấy sẽ có được cảm nhận như vậy!".
Ông từng viết "Chết mà không lưu lại gì, kể như chết luôn". Nay ông ra đi, nhưng những gì để lại thì quá tràn đầy, kể như ông vẫn còn đây, với chúng ta...
Kính nể "hậu tổ" của đờn ca tài tử
Hình ảnh nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GS Trần Văn Khê trên bìa đĩa hát OCORA từng gây tiếng vang trên thế giới (ảnh chụp tại nhà lưu niệm Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo) - Ảnh: P.VŨ
LTS: Yêu âm nhạc dân tộc, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo rất trân quý những ai muốn học nhạc cụ dân tộc. Học trò của ông không chỉ là những người học để chơi chuyên nghiệp mà còn có cả bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… ở nhiều nơi trên thế giới.
Ở tuổi ngoài 100, ông vẫn đều đặn lên mạng giảng dạy. Khi vị nhạc sư đáng kính rời bước lãng du, biết bao thế hệ học trò mãi khắc ghi niềm tri ân…
Năm 2015, khi tôi kết thúc nghiên cứu sinh từ Pháp trở về nước mới có cơ hội tiếp xúc với nhạc sư Vĩnh Bảo. Chuyên ngành của tôi là lịch sử văn hóa nên có thể nói thầy là đối tượng nghiên cứu của tôi.
Càng tiếp xúc, tôi càng quý thầy vì thầy là người cực kỳ nổi tiếng nhưng sống khép kín, không phô trương. Báo chí muốn viết về thầy, thầy hay nói: "Tôi đờn nuôi vợ con tôi mà, có gì đâu mà viết!".
Có thể nói thầy là một kho tư liệu quý về đờn ca tài tử. Bởi đam mê nên thầy nghiên cứu rất sâu về đờn ca tài tử và lý luận rất chắc. Tôi may mắn được thầy thương, cho nhiều tài liệu quý, từ sách vở, hiện vật đến những tư liệu chép tay. Giáo sư Trần Văn Khê nói thầy là hậu tổ của đờn ca tài tử quả không sai.
Bởi thầy chính là thế hệ đầu của bộ môn cải lương, là nhân chứng sống, là nghệ nhân đờn ca tài tử duy nhất hơn trăm tuổi vẫn say mê nghiên cứu, đờn ca và giảng dạy cho rất nhiều thế hệ học trò.
Tôi không học đờn ở thầy, nhưng được thầy chỉ cho ca. Thầy có thói quen mỗi khi đờn ca là thâu âm, thầy tự làm MC và nói: "Bữa nay, 5h30 chiều ngày..., tại nhà Bùi Hữu Nghĩa, tiến sĩ Lê Hồng Phước ca, Vĩnh Bảo đờn!".
Bao giờ cũng như vậy, thầy luôn giới thiệu tên người đờn ca với thầy trước, đầy đủ học vị học hàm của họ, còn thầy giới thiệu cuối cùng, không bao giờ xưng nhạc sư Vĩnh Bảo, chỉ đơn giản là Vĩnh Bảo!
Khó người nào được như thầy, vừa giảng dạy, vừa có khả năng thị phạm. Vì mê đờn ca tài tử nên thầy học cả đóng đờn. Tôi còn nhớ thầy hay đờn gáo cho tôi ca. Thường ca vọng cổ người ta hay đờn tranh, đờn kìm vì đờn gáo rất khó nghe nhịp. Nhưng thầy dùng đờn gáo đờn cho tôi ca vì thầy bảo giọng tôi hợp với cây đờn gáo.
Có bữa ca không "ăn" lắm, tối đó thầy gọi tôi biểu: "Tôi mới cưa bớt cây đờn gáo cho hợp giọng Phước rồi, mai qua ghé tôi ca tiếp nghen!".
Thầy có tai nghe tuyệt vời, chỉ cần nghe tiếng đờn từ băng đĩa là thầy biết ngón đờn của ai. Bạn bè đờn cùng thời của thầy đã đi hết, nên buồn buồn thầy hay lấy băng thâu những năm trước năm 1975 của các người bạn, mở ra nghe và hòa đờn theo.
Tôi từng bảo vệ luận án tiến sĩ bên Pháp về, nhưng nghe thầy nói tiếng Pháp tôi hết sức kính nể. Thầy thông thạo rất nhiều ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật, Campuchia.
Bởi vậy học trò của thầy không chỉ là người trong giới mà mở rộng rất nhiều thành phần trong xã hội như bác sĩ, kỹ sư, rất nhiều người yêu tiếng đàn dân tộc VN trên thế giới, thầy còn giúp họ làm luận án nghiên cứu về âm nhạc dân tộc VN vì kiến thức sâu rộng và khả năng giao tiếp ngoại ngữ lưu loát.
Cách đây chừng một tháng thầy hôn mê, gia đình chở về nhà tưởng thầy đã đi lúc đó. Chúng tôi gồm nhạc sĩ Văn Hai, đạo diễn Tấn Phát... xuống thăm thầy. Chúng tôi cứ đờn ca quanh giường thầy, thầy không mở mắt mà nước mắt chảy ròng ròng.
Khi nhạc sĩ Văn Hai nhấn đờn tranh đúng ngón đờn của thầy, tự nhiên thầy mở mắt như một điều diệu kỳ. Tới chừng chúng tôi chào ra về, thầy cứ níu tay không cho đi. Lần đó, mọi người hỏi chúng tôi tại sao, tôi nghĩ có lẽ đờn ca tài tử đã tiếp thêm sức cho thầy!
Tiến sĩ LÊ HỒNG PHƯỚC - LINH ĐOAN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận