TTCT - Biến đổi khí hậu hẳn là kẻ thù của các chương trình âm nhạc ngoài trời. Nhưng không giống như một cuộc "rap chiến", ngành âm nhạc đang tìm cách làm cho đối phương hạ nhiệt. Thông báo di tản khán giả khi mưa to dữ dội tại show của Elton John ở New Zealand tháng 1-2023.Nào là hạt mưa đá to như quả banh nỉ, nào là cái nóng hầm hập chết người, trong năm 2023, vô số người hâm mộ đã tự đặt mình vào vòng hiểm nguy khi nhất quyết đi xem ca nhạc. Chẳng hạn, vào tháng 7, 17 khán giả trong đêm diễn của nghệ sĩ Ed Sheeran ở Pittsburgh (Mỹ) đã phải nhập viện vì nóng. Trước đó, buổi diễn của danh ca Elton John ở New Zealand bị hủy vì trời mưa xối xả.Thế nên, các chuyên gia trong lĩnh vực "an toàn đám đông" và tổ chức sự kiện ngoài trời đang tìm cách bảo vệ người biểu diễn và người hâm mộ khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan và khó lường.Trông trời, trông đất, trông mâyNgười làm show bây giờ cũng canh cánh nỗi lo như người làm nông. Kevin Kloesel, một nhà khí tượng học kiêm chuyên gia an toàn của Đại học Oklahoma (Mỹ), kêu gọi các nhà tổ chức sự kiện phải ưu tiên yếu tố thời tiết, xem nó ngang hàng với các rủi ro khác như tấn công khủng bố hay xả súng. Nguyên nhân là thời tiết, hóa ra, "cũng có khả năng trở thành mối đe dọa thường nhật hơn bất kỳ rủi ro nào khác", ông giải thích với trang Context.Kloesel cho rằng các ban tổ chức nên thuê chuyên gia khí tượng chuyên nghiệp - những người có thể dự báo thời tiết và giúp đưa ra những quyết định khó khăn, tỉ như hủy một show ca nhạc vào phút cuối. "Chúng ta cần một nhà khí tượng học có thể tư vấn cho nhân viên sự kiện về các trạm làm mát, lượng nước nên trữ sẵn, vị trí nào trong khu vực sự kiện của bạn có thể trở nên nóng bức quá mức" - ông nói.Bài đăng trên Context còn nhấn mạnh việc lập kế hoạch dự phòng cho trường hợp một sự kiện bị hoãn, bị hủy, bị gián đoạn hoặc phải sơ tán do thời tiết. Theo Kloesel, các địa điểm tổ chức sự kiện cần có đủ bóng râm, trạm làm mát và không gian để khán giả có thể trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.Milad Haghani, chuyên gia về "an toàn và thảm họa công cộng" tại Đại học New South Wales (Úc), cho rằng người tham gia các hoạt động ngoài trời cũng có thể tự bảo vệ mình, bằng cách nhận thức được các rủi ro thời tiết tiềm ẩn.Nhờ một hành động đơn giản là kiểm tra thời tiết, mọi người có thể quyết định liệu họ có nên thoa kem chống nắng, mang theo nước uống hoặc áo mưa hay không, thậm chí có nên ở nhà thay vì mạo hiểm…Âm nhạc xanhChuyến lưu diễn Eras Tour của Taylor Swift, bắt đầu từ tháng 3-2023 và vẫn chưa dừng lại, được dự đoán có thể thu về hơn 2 tỉ USD. Trên bước đường thành công lấp lánh tiền tỉ là dấu chân carbon khổng lồ của ngôi sao nhạc pop người Mỹ và bầu đoàn.Theo Business Insider và nhiều trang tin khác, trong khoảng thời gian sáu tháng hồi năm ngoái, hai chiếc máy bay phản lực của Swift đã dành tổng cộng 166 giờ bay đến và bay về giữa các buổi diễn, vận chuyển nhiều nhất là 28 hành khách, thải ra lượng khí carbonic khổng lồ.Dấu chân carbon của các show âm nhạc và các tour lưu diễn không phải là đề tài mới. Năm 2019, thủ lĩnh Chris Martin của ban nhạc Coldplay thề sẽ không bao giờ lưu diễn nữa, trừ khi có cách nào đi tour bền vững hơn.Dù không có hội đàm khí hậu nghiêm túc nào nhắc đến chuyện cấm cản âm nhạc vì vận mệnh Trái đất, nhưng nhóm nhạc rock nước Anh cuối cùng đã tìm ra cách làm nhạc "xanh" hơn, bằng cách phối hợp với các tổ chức nghiên cứu và bảo vệ môi trường.Đầu tháng 6, Coldplay thông báo lượng khí CO2 trực tiếp được thải ra trong hai năm đầu tiên của chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Music of the Spheres của họ thấp hơn giai đoạn 2016-2017 đến 59%. Công ty giải pháp bền vững Hope Solutions đã kiểm tra dữ liệu của Coldplay, và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) sau đó cũng đã xác minh các con số này.Khán giả vừa nghe nhạc vừa đạp xe phát điện tại show của Coldplay.Giải pháp của họ? Lắp đặt sàn nhảy đặc biệt - khán giả có thể tạo ra điện chỉ bằng cách nhún nhảy trên đó để cổ vũ cho ban nhạc yêu thích. "Tất cả những ai đã đi bộ đến đây, đi xe đạp, đi chung xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tất cả những người mang theo chai nước có thể làm đầy lại, hoặc trả lại vòng tay đèn LED để tái chế; và tất cả những người đã mua vé, điều đó có nghĩa là bạn đã trồng được 1 trong 7 triệu cái cây tính đến nay" - thông báo tri ân người hâm mộ trên trang chính thức của tour diễn viết.Lập kế hoạch lưu diễn thông minh là một cách tiếp cận khác nhằm giảm dấu chân carbon. Tháng 7 tới, ca sĩ/nhạc sĩ Jewel sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn quanh 28 thành phố ở Mỹ cùng với một nghệ sĩ khác là Melissa Etheridge. "Tôi luôn cho rằng thật ngớ ngẩn và lãng phí - và gây ô nhiễm carbon - khi có xe tải riêng, hệ thống chiếu sáng riêng, đội ngũ riêng, phòng khách sạn riêng, chi phí riêng" - Jewel kể với trang Grammy. Bộ đôi ngôi sao hợp tác nghĩa là biến hai cái riêng thành một cái chung, không chỉ làm giảm lượng khí thải của tour diễn, mà còn giảm chi phí tổ chức...Đó là những nốt thăng tươi sáng trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đang có một dòng chảy âm nhạc mới ở Đông Nam Á, với nhiều buổi hòa nhạc và lễ hội áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, và các nghệ sĩ kêu gọi mọi người hành động về cuộc khủng hoảng khí hậu.Ở Thái Lan lễ hội âm nhạc và văn hóa Wonderfruit (diễn ra mỗi cuối năm) tiên phong trong việc giảm thiểu chất thải, tăng cường tái chế và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.Tại Malaysia, Rainforest World Music Festival (cuối tháng 6) không chỉ giới thiệu những truyền thống âm nhạc đa dạng, mà còn thúc đẩy việc bảo tồn rừng như tên gọi của nó.Tại Indonesia, 13 nhạc sĩ đã sáng lập IKLIM (Phòng thí nghiệm Kiến thức, Khí hậu, Nghệ thuật và Âm nhạc Indonesia). Họ hợp tác sản xuất album đa thể loại Sonic/panic, hướng về một thông điệp chung: khẩn cấp hành động vì khí hậu. "Chúng tôi được truyền cảm hứng từ phong trào toàn cầu Music Declares Emergency (Âm nhạc Báo động Khẩn cấp) và mong muốn khuyến khích các nhạc sĩ khắp khu vực châu Á cùng chúng tôi hành động vì khí hậu" - Gede Robi chia sẻ với nhật báo The Nation của Thái Lan. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Nhạc sốngMôi trườngBiến đổi khí hậuBiến đổi khí hậuDấu chân carbon
Hàng ngàn người tập trung xem màn trình diễn ánh sáng drone khai mạc tuần du lịch Long An SƠN LÂM 28/11/2024 Người dân đổ dồn từ khắp nơi về khu trung tâm phường 6, TP Tân An, Long An chờ đến 22h để được xem màn trình diễn của 650 drone trong đêm khai mạc "Khát vọng sông Vàm".
Tin tức thể thao sáng 29-11: Swiatek bị cấm thi đấu 1 tháng; xe buýt Real Madrid gặp tai nạn QUỐC THẮNG 29/11/2024 Tay vợt nữ số 2 thế giới Iga Swiatek bị treo vợt một tháng vì dương tính với doping; xe buýt Real Madrid gặp tai nạn sau trận thua Liverpool ở UEFA Champions League là những tin nổi bật sáng 29-11.
Quốc vương Campuchia: Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em, bạn bè lâu đời DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nhấn mạnh Campuchia có quyết tâm cao để tiếp tục vun đắp mối quan hệ này.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.