TT - Ngày 11-3, ca sĩ online Noo Phước Thịnh tự tin tung ra album đầu tay The first album sau ba tháng phát hành online dưới hình thức nhạc số.
Phóng to |
Một góc trang nghe nhạc mp3 trên Zing |
Trước đó đã có không ít ca sĩ teen chọn cách thức tương tự để có thể đường hoàng bước vào thị trường âm nhạc: Bảo Thy, Ngô Kiến Huy, Ðông Nhi, Wanbi Tuấn Anh, Khổng Tú Quỳnh, Nam Cường... Không chỉ ca sĩ teen, ngay cả những cái tên quen thuộc như: Ưng Hoàng Phúc, Nguyên Vũ, Thanh Thảo, Lý Hải... cũng đang dùng "chiêu" này và gặt hái được những thành công bất ngờ, báo hiệu cho một thời đại mới đang đến: thời của nhạc số!
Phong cách nhạc số Việt
Ngay khi các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến "chùa" trên thế giới không còn mấy thì tại VN hiện tượng này lại ngày càng phổ biến, được cả ca sĩ lẫn người thưởng ngoạn ủng hộ hết mình. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) đã nhiều lần lên tiếng nhưng rốt cuộc cũng "chốt" lại ở các thỏa thuận, thương lượng chứ chưa có một vụ kiện đúng nghĩa nào diễn ra nhằm mang lại công bằng và lợi ích cho các nhà sản xuất âm nhạc cũng như nghệ sĩ.
Chung tình với hình thức băng đĩa Năm 2009 ban nhạc Beatles huyền thoại đã làm lại băng gốc toàn bộ đĩa nhạc của mình. Tuy nhiên họ vẫn cương quyết không số hóa các bản nhạc của mình để bán trên iTunes. Muốn nghe nhạc gốc của The Beatles, các fan chỉ có nước mua đĩa. Cũng trong năm 2009 đã có một trào lưu mua CD (chứ không mua nhạc số) của Susan Boyle. Nhưng hai sự kiện trên hoàn toàn không mang lại nhiều hi vọng hồi sinh cho ngành băng đĩa. Điểm lại những album Việt bán khá trong năm 2009 đều là những sản phẩm dành cho... “người có tuổi” như: bộ album hòa tấu của Richard Clayderman, bộ album nhạc Phạm Duy, album nhạc kịch của Đức Tuấn, album Họa Mi... Các ca sĩ có lượng người hâm mộ thuộc hàng U-30 (độ tuổi bắt đầu ngại thay đổi và thường mắc bệnh “sợ công nghệ”) như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Cẩm Ly... có lượng album bán tốt hơn những ca sĩ hát cho đối tượng tuổi mười chín, đôi mươi. |
Hiện có khoảng 20 triệu lượt người truy cập/ngày để nghe nhạc trực tuyến trên trang Zing MP3. Và đã có hơn 40 triệu lượt người nghe album Trọn đời bên em 10 của Lý Hải trên trang này (tính tới ngày 14-3). Gương mặt mới toanh như Noo Phước Thịnh cũng đã thu hút được hơn 1 triệu 300 lượt người nghe album vừa phát hành. Quả là những con số ấn tượng! Ấn tượng hơn khi tất cả những lượt nghe đó hoàn toàn miễn phí.
Chỉ cần thu 1.000 đồng cho một bản nhạc tải về là các dịch vụ cung cấp nhạc online đã bỏ túi 1 tỉ đồng cho 1 triệu lượt tải về. Một con số trong mơ đối với những nhà phát hành băng đĩa của VN hiện tại. Nhưng "chúng ta" không cần. Không chỉ Zing mà đến thời điểm này chưa có trang web nào thu tiền nghe nhạc trực tuyến (trừ các dịch vụ tải nhạc về điện thoại làm nhạc chuông, nhạc chờ).
Không ngừng bành trướng
Một cột mốc đáng chú ý là năm 2006, iTunes có ca khúc thứ 1 tỉ được tải về: ca khúc Speed of sound của Coldplay. Cũng trong năm này, hệ thống cửa hàng băng đĩa Tower Records tuyên bố phá sản. Nhạc số rõ ràng đã thống lĩnh thị trường. Tại VN, nếu như trước kia 5.000 là số lượng phát hành trung bình cho một đầu album mới thì giờ đây con số này chỉ đạt mức 3.000, thậm chí 1.000. Chi phí sản xuất tăng trong khi số lượng phát hành giảm khiến giá thành một album ngày càng cao. Nhưng nhiều ca sĩ vẫn hi vọng các fan sẽ mua đĩa gốc để ủng hộ mình. Thực tế thật khó như mong đợi.
"Thời nay có mấy ai vào siêu thị điện máy để mua máy nghe đĩa CD? Ðầu nghe nhạc MP3, iPhone, iPod... đã khiến máy nghe đĩa đề mốt rồi" - Hoàng Trung (Q.1, TP.HCM), vừa đeo tai nghe iPod vừa chạy bộ trên chiếc máy đa năng của trung tâm thể dục C, khẳng định. Với Minh Phương, sinh viên ÐH Ngân hàng, thì: "Ðĩa nhạc rắc rối lắm! Nhiều khi thích có một hai bài mà phải bấm bụng mua cả album 10 bài. Còn nhạc số tiện hơn nhiều. Thích bài nào tải về bài đó, nghe chán có thể xóa bỏ dễ dàng".
"Với nhạc số mình có thể tạo hẳn một thư viện, kho nhạc mang phong cách của riêng mình. Tất cả chỉ nằm gọn trong một thiết bị bé hơn lòng bàn tay. Thật tuyệt vời!" - Ngọc Châu bổ sung. Còn Trần Huy thì: "Với nhạc số việc lưu trữ và tìm kiếm sẽ đơn giản hơn nhiều. Có lẽ phải sớm số hóa tất cả thôi!". Với nhiều bạn trẻ, đĩa nhạc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình?!
Apple - kẻ làm nên cuộc cách mạng nhạc số Nhạc số du nhập và phát triển mạnh mẽ tại VN khoảng 3-4 năm nay nhưng đã và đang thay đổi cả cục diện âm nhạc thế giới trong một thập kỷ qua. Khởi đầu là vụ kiện tụng ì xèo giữa Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) và trang nhạc trực tuyến Napster vào năm 1999. Không chỉ RIAA mà còn nhiều nghệ sĩ và hãng băng đĩa khác ở Mỹ cũng đâm đơn kiện Napster vào thời điểm này, đến mức Napster phải “dẹp tiệm” theo phán quyết của tòa án vào năm 2001. Tuy nhiên Napster đã không hi sinh vô nghĩa. “Cái chết” của Napster đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc thưởng thức âm nhạc: nhạc số. Ngay khi Napster đang “điêu đứng”, Hãng Apple đã nhanh tay tung ra iTunes. Ban đầu đây chỉ là phần mềm nghe và chép nhạc cho riêng dòng máy Mac, nhưng sau đó đã trở thành cửa hàng bán nhạc trực tuyến hùng mạnh nhất. Ngay sau đó là sự xuất hiện của iPod - máy nghe nhạc số thành công nhất thế giới (tính đến năm 2009 có khoảng 220 triệu iPod được tiêu thụ trên toàn cầu). Tuy nhiên, nhạc số chỉ thật sự bùng nổ khi các cửa hàng bán nhạc trực tuyến của iTunes chính thức khai trương vào năm 2003. Giá bán một bài lẻ trên iTunes là 99 cent và một album là 9,99 USD. Nhạc online “đẻ” ra tiền, mang lại nhiều lợi nhuận cũng như cơ hội cho các nghệ sĩ khiến những vụ kiện giữa RIAA và các nhà cung cấp dịch vụ Internet - nơi cho nghe nhạc online “chùa” - ngày càng dày đặc và quyết liệt hơn. Và chuyện nghe miễn phí nhạc online đã không còn tồn tại ở những nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển, trừ khi có sự đồng thuận từ các nghệ sĩ hay nhà sản xuất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận