Sau buổi khai mạc triển lãm Trịnh Công Sơn: Lần đầu gặp lại ở Đường sách TP.HCM vừa qua, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long thoắt ẩn thoắt hiện khi bay ra Hà Nội rồi lại vào Sài Gòn, đuổi theo lịch trình bận rộn.
Hẹn gặp anh tại đường sách buổi tối muộn, có không ít khán giả vẫn tranh thủ đến ngắm ảnh, mua sách ảnh và gặp tác giả xin chữ ký.
Cuộc trò chuyện, vì thế, thường xen lẫn những lời chúc mừng, chuyện trò thân mật cùng bạn bè và cả "hẹn hò" cùng đối tác cho những dự án sắp tới…
Anh Sơn luôn chỉ mừng sinh nhật tuổi 35
* Chúc mừng anh với triển lãm 'Trịnh Công Sơn: Lần đầu gặp lại' sau hơn 22 năm ấp ủ. Sao mãi đến giờ anh mới ra triển lãm và chỉ chọn 35 bức ảnh?
- Dự định đã có từ lâu, nhưng tôi cứ nấn ná lần khân vì chờ một dịp hoàn hảo. Đến nay đã rất nhiều năm, tôi cũng đã ngoài lục tuần rồi, cần phải bắt đầu. Ngày 28-2 là sinh nhật anh Sơn, cũng là dịp để tôi tự thúc đẩy mình phải ra triển lãm. Nhân dịp này cứ làm trước đã, việc khác sẽ nối tiếp sau.
Còn vì sao có số 35? Rất đơn giản: vì anh Sơn không thích nhắc chuyện tuổi tác. Anh không hỏi tuổi phụ nữ và cũng không thích nói tuổi của mình. Sinh nhật cứ sinh nhật, nhưng hỏi tuổi thì cứ 35. Sang năm hay 10 năm nữa vẫn 35 tuổi, luôn luôn trẻ mãi.
Vậy nên triển lãm chỉ ghi nhân sinh nhật Trịnh Công Sơn 28-2-1939 - 28-2-2023. Nếu nhỡ có ai đếm mình sẽ đùa: ông đếm sai rồi, không phải 84, phải là… 35. Lấy con số 35 làm mốc, nên có 35 ảnh.
* Từ hơn 9.000 bức ảnh anh chụp suốt 11 năm gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1990 - 2001), có khó cho anh khi phải lọc lại còn 35 ảnh?
- Khó lắm, khi rơi vào tình thế phải lựa chọn chính những đứa con tinh thần của mình! Ban đầu, mình biên tập và chọn 68 bức, rút xuống 64 (tuổi anh Sơn khi mất), sau còn 50. Khi chốt con số 35 và phải gác lại 15 bức ảnh, ở đó có 15 người bạn từng gắn bó với nhạc sĩ. 15 câu chuyện, 15 thân phận và trong đó nhiều người đã ra đi. Quá khó!
Vậy nên triển lãm mới có tên Trịnh Công Sơn: Lần đầu gặp lại, nghĩa là sẽ có lần sau… Mỗi lần gặp lại sẽ có thêm những hình ảnh tư liệu mới để công chúng ngày càng yêu mến và nhìn thêm được những góc khác của anh Sơn.
* Triển lãm lần này đã mang đến nhiều tư liệu bất ngờ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từ những bức chụp chung với các nghệ sĩ đến các bức ảnh đời thường. Ngoài những bức được công chúng quan tâm, còn câu chuyện thú vị nào anh chưa chia sẻ?
- Chị Trịnh Vĩnh Trinh, em gái anh Sơn, rất bất ngờ khi thấy có bức ảnh chụp anh cùng một chú chó ở An Phú. Thường mọi người hay nghĩ chụp anh Sơn phải lồng lộng thế này thế kia…
Nhiều người hâm mộ ngôi sao sẽ thích bức chụp với Lương Triều Vỹ hay Liz Mittchel, nhưng bức ảnh giản dị với chú chó lại thể hiện rõ một anh Sơn tình cảm và rất yêu động vật.
Còn một bức mọi người chưa có dịp thấy, là bức anh Sơn ngồi bệt xuống sàn ở phòng thờ ba má, rất thoải mái, nghệ sĩ và tự do. Mình cứ thế, chụp anh Sơn trầm tư ở đó...
Trong nghề, anh em nhiếp ảnh cũng rất thích bức ảnh chụp nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào tháng 10-1990 tại số 4 Phạm Ngọc Thạch. Cụ Võ đến dự bế mạc triển lãm ảnh của mình. Anh Sơn bê ly bia đến bên cụ Võ trò chuyện. Anh phỏng vấn cụ nhiều câu rất hay. Hỏi gì thì mình để… dành cho dịp gặp sau. (cười)
* Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thích nhiếp ảnh, và âm nhạc của ông cũng giàu hình ảnh. Nhiều năm gắn bó, anh có chịu ảnh hưởng hay lấy cảm hứng nhiếp ảnh từ nhạc sĩ?
- Mình rất thích câu hát: "Em đi qua cầu/ Có gió bay theo/ Thổi bùng khăn tang/ Trắng giữa khung chiều…". Một câu hát rất nhiếp ảnh và điện ảnh, cũng rất khó để truyền tải ra khung hình, hoặc giả có làm được thì cũng chỉ dàn dựng giả tạo.
Trong âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, thơ ca, mỗi người đều làm đúng chuyên môn của mình, có thể bổ trợ cho nhau nhưng không ảnh hưởng. Anh Sơn không bao giờ góp ý hay bảo: Long ơi chụp mình góc này, thế này…
Tôi mời anh chụp, anh đồng ý hợp tác và cho tôi hoàn toàn tự do. Ngược lại, tôi luôn tôn trọng anh: em mời anh về hướng đó. Anh đứng, ngồi, trầm ngâm tùy ý, việc mình là "bóp cò".
Nếu có ảnh hưởng, có lẽ từ phong cách sống và tinh thần âm nhạc của anh. Riêng cách anh ủng hộ và đứng trước ống kính với nhiều cảm xúc: tinh thần thiền và triết học của một nhà sư, một người mộ đạo… khiến mình háo hức được chụp anh chỗ này, chỗ kia, chụp đến khi sợ anh mệt thì thôi.
Mỗi trận chụp thường nửa tiếng hoặc gần tiếng, cũng có khi chỉ cần 5 phút, tùy cảm xúc. Chưa bao giờ anh từ chối đề nghị của mình.
Một con người mềm mỏng, yêu chiều
* Anh cũng từng chia sẻ trong hơn 9.000 bức ảnh anh chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngoài những bức với bạn bè, hiếm có ảnh nhạc sĩ cười?
- Đúng vậy, rất hạn hữu. Trong cuộc sống, anh là người hay cười, sảng khoái và tích cực. Nhưng hình ảnh về anh lại là một người cô đơn, im lặng trầm tư. Cả khi ngồi bên bạn gái hay uống rượu cùng bạn bè, anh vẫn chìm trong thế giới suy tưởng riêng mình.
Anh đang nghĩ về điều gì, giai điệu gì hay nhớ về ai đó? Mình không biết. Chúng ta chỉ biết tác phẩm của anh và cứ thế suy đoán thế hệ này qua thế hệ khác.
Khi anh vui, mình mời anh chụp chỗ này chỗ kia. Những ngày anh buồn, mình… chụp trộm bằng máy ảnh Leica để tránh tiếng màn trập kêu quá to. Mình cố miêu tả và ghi lại những khoảnh khắc đó…
* Trong mắt anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn có rất nhiều bí mật? Có bí mật nào hay anh còn chưa kể?
- Bí mật hay nhất về anh Sơn chắc là về những cô bạn gái, nhưng nếu kể phải cụ thể mới hay. Mọi người hay xôn xao về những nàng thơ của anh Sơn từ thời quá khứ, còn tôi gắn bó với anh ở thập niên 90. Anh có vẻ đẹp và sự quyến rũ riêng của người đàn ông ở tuổi ngũ tuần. Mình là đàn ông mà còn bị anh cuốn hút về trí tuệ, về tinh thần, huống hồ các cô gái.
Mình có dịp chứng kiến nhiều cuộc gặp của anh với những bạn gái ấy, cũng tham gia một số "tình huống" (cười). Hình ảnh có cả, nhưng chưa thể công bố vì phải xin phép đàng hoàng, nhỡ gây hiểu lầm hoặc xáo trộn đời sống cá nhân riêng tư của họ lại dở.
* Theo anh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người thế nào trong cách thể hiện tình cảm?
- Anh lúc nào cũng là người mềm mỏng, yêu chiều, đến tôi anh còn chiều huống hồ những người anh có tình cảm. Anh luôn nhẹ nhàng từ cách nói chuyện điện thoại đến cách đi chơi. Một người đàn ông quá hay!
* Anh được nhạc sĩ chiều như thế nào?
- Chẳng hạn khi đang ngồi chụp ảnh, mình bảo: Anh ơi em không thích màu áo này. Anh hỏi: Vậy Long thích màu gì, rồi anh lên thay. Thế là chiều!
Hay mình bảo: Anh ơi hôm nay anh đi đôi giày này hơi bị điệu. Anh bảo: Điệu à? Anh thấy nó hợp với cái quần. Mình bảo cũng được nhưng em muốn anh mang đôi kia, anh lại thay.
Có lần anh thay đến ba đôi, mình vẫn không ưng. Anh lại đi từ tầng một lên tầng hai thay. Thay xong xuống, anh rên một câu: Mệt quá hè. Chụp mệt quá hè. (cười) Đấy là chiều đấy! Còn nhiều kỷ niệm thế.
* Trịnh Công Sơn có từng xem lại ảnh anh chụp?
- Không. Trong suốt quá trình chụp, chỉ duy nhất một lần anh nói in cho anh mấy cái ảnh để anh gửi tặng Khánh Ly. Đó là ảnh tôi chụp anh Sơn vào tháng 1-1997 với ca sĩ Khánh Ly khi chị về Việt Nam thăm anh. Mọi người bên nhau đâu độ 2 tiếng. Đó cũng là lần cuối hai người gặp lại. Năm 2001, anh Sơn mất.
Anh không bao giờ hỏi: Ảnh đâu Long? Tôi cũng chụp xong thì tráng phim và đóng gói ngay, ghi chép thời gian địa điểm nhưng không bao giờ rửa, không lên tiếng suốt 22 năm qua.
* Tiếp theo, anh sắp có những dự án mới gì?
- Qua triển lãm, có thể thấy mọi người rất trân trọng những giá trị cũ. Bằng nhiếp ảnh, tôi cố gắng lưu giữ tư liệu để mọi người hiểu được những giá trị di sản về thiên nhiên, con người, kiến trúc và đời sống sinh hoạt ở nhiều nơi, từ Hà Nội, Sài Gòn, Hội An, Hạ Long…
Đó là những dự án đã kéo dài nhiều năm. Tôi đã chụp từ trước năm 1990, đến năm 2015 chuyển sang biên tập, dự kiến sẽ ra mắt một loạt sách ảnh trong năm nay. Hy vọng lại là một lần gặp lại…
* Có không ít bạn trẻ đến xin anh chỉ dẫn "bí kíp" chụp ảnh?
- Điều thu hút của một tấm ảnh nằm ở nội dung. Mình phải mang đến cho công chúng một đời sống thật, một nhân vật thật.
Công việc chụp ảnh chỉ 1% thôi. 99% là thời gian, sức khỏe, sức trẻ và tiền bạc để theo đuổi. Vì sao mình kiên trì với công việc này? Vì có tình yêu. Khi có tình yêu, ống kính sẽ thể hiện được. Vì vậy, ta nên sống thật với cảm xúc của mình khi bấm máy, người xem sẽ cảm nhận được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận