Số báo này xin giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Trần Tiến.
Gặp anh Sơn và duyên sách
Phóng to |
Ảnh: T.T.D. |
"Người mê sách gặm chữ như bò gặm cỏ, như mối gặm gỗ, như sư tử gặm xương. Gặm vậy mà vẫn đói. No chữ thì đói cơm. Người có chữ thường đói nên trông yếu xìu, đến cái kính cũng không giữ nổi, suốt ngày tụt xuống mũi. Gái mê tiền không mê đồ mọt sách, dài lưng tốn vải. Nhưng người có chữ đi đâu cũng được trọng"
Phía chân trời, nơi giáp biển, có một đám mây lặng lẽ trôi. Chắc ở đó có một gã thủy thủ dậy sớm bắn thuốc Lào, ngửa mặt nhả khói giữa thinh không.
Tự nhiên, nhớ anh Sơn (Trịnh Công Sơn).
Cuối đời ảnh cô đơn lắm, chỉ có nhận quyết định về hưu thôi mà buồn cả năm trời. Bảnh mắt ra đã gọi mình uống rượu, buồn như gã thủy thủ cuối chân trời.
Kẻ hay chữ một ngày không đọc sách cái mặt trông đần đần, ngu ngu.
Kẻ hay làm một ngày không có việc cái người trông bần thần, muốn bệnh.
Chả thế vớ được người hay chữ như anh Hoàng Thiệu Khang, giáo sư triết, mới ở Bắc vào, anh Sơn vui lắm. Uống rượu, luận triết, nói cười rổn rảng suốt ngày trên cái vườn treo ở nhà. Một buổi chiều ba anh em đang khề khà, bỗng có một em Nhật gõ cửa xin được hỏi anh về triết phương Đông. Em lại can tội xinh nữa. Thế là chàng bỏ hai anh em tôi, líu ríu với người đẹp.
Chờ lâu quá, thông cảm với ông anh chưa vợ, tôi ra chào xin phép về. Đi qua nàng tự nhiên tôi hát:
“Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc. Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng...”.
- Hay, hay. Toa mới bịa à, tiếp đi, tiếp đi! - Quay sang em gái xứ Phù Tang - Đấy, âm nhạc phương Đông đấy!
Từ hôm ấy, sáng nào anh cũng gọi tôi uống rượu để nghe tiếp những khúc sau. Nhờ gặp được tri âm kích động, tôi viết thêm được mấy chục bài nữa rồi tịt ngòi. Trước khi về cõi bên kia, anh vẫn nhớ dúi cho Bảo Phúc chút tiền để thu thanh chùm ngẫu hứng này của tôi. Anh đi rồi, tôi cũng cất hết đi, coi như một kỷ niệm quý giá của hai anh em.
Nhớ anh Sơn quá!
Anh Sơn, tôi và 200 cuốn sách
Sau 30-4, chợ sách Sài Gòn bày la liệt, sách cũ bán tháo như cho. Tôi mua cả đống về khoe anh. Chọn vài cuốn để lại, anh bảo tôi vứt hết đi. Rồi anh giới thiệu tôi những cuốn đáng đọc, không mua được anh kiếm của bạn bè cho. Ngày ấy, người ta chở về Bắc là nườm nượp Honda, tủ lạnh, Akai, cassette... Có mình tôi khệ nệ 200 cuốn sách. Ba năm sau, không làm gì cả, chỉ nằm đọc sách, tôi mới ngốn hết từng ấy cuốn. Cuộc đời tôi như lột xác.
Ngày ra Hà Nội chơi anh gặp thêm các danh sĩ Bắc Hà: Nguyễn Tuân, Văn Cao. Tôi dẫn anh đi gặp các đệ tử của Đốt (Dostoievsky), của Pau - u (Paustovsky), nghe người ta trêu nhau: Thằng này Pavel lắm; thằng kia dân con nhà Piez Berzukhov (nhân vật của Tolstoy); con này Acxenia (nhân vật của Sholokhov), đưa con này đi tiếp rượu ông anh mình... Anh ngớ người chả hiểu gì về văn hóa thịnh hành ngoài Bắc.
Chẳng khác gì thằng em, vào Sài Gòn được các tay Zorba chịu chơi (nhân vật của Nikos Kazantzaki) đưa đi phá đời mút chỉ, gặp các đệ tử của Henry Miller như Phạm Công Thiện suốt ngày đòi “phùng Phật sát Phật” mà thấy gớm. May mắn nước nhà thông thương, tôi được thông tuệ đa chiều. Cuộc đời như được lột xác. Tôi hiểu thêm ngoài Tổ quốc còn có gia đình. Ngoài cách mạng còn có phụ nữ và tình yêu. Ngoài tập thể còn có những cá thể độc lập, không bao giờ để tự do của mình bị đánh mất. Chuyện nghe như đùa. Thời của tôi thế đấy: ngu như bò.
Người ta có thể chết vì thiếu hiểu biết, và cũng có thể chết vì không có việc để làm. Nhưng không ai chết vì không đọc sách. Gặp người hay chữ như đàn bà được qua đêm với người quân tử, vẫn sướng hơn một đời ở với kẻ tiểu nhân (nhất dạ quân tử kiến). Có đọc vẫn có hơn. Đọc làm cho mình bớt ngu đi nhiều lắm. Một hồi tôi mê anh Pavel Corsaghin, đi đâu áo cũng cài khuy cổ bị bạn cười: thằng gàn. Đọc thêm lại mê anh Rakhmentop. Chả là ngày ấy thích hát quá nên học dốt, tôi quyết tâm cạo trọc đầu, lấy diêm đốt tay xem mình có nghị lực bỏ hát không. Đúng là... khùng. Rồi đọc, đọc nữa, mới hiểu ra nhiều điều. Không mê ai nữa, mình cứ là mình thôi, đọc sách đỡ ngu hơn thật.
Cuốn sách lớn nhất: Đời mình!
Thương anh...
Ngày anh Khang - người bạn vong niên của anh - mất, tôi tặng mấy cuốn của Osho, Mạc Ngôn. Anh chẳng còn thiết đọc. Rồi khi anh chia lìa cõi trần, tôi ở lại, cũng như anh, vứt đi tất cả, cả những cuốn sách anh mua cho. Chả còn gì hứng thú. Thế mới biết người ta ghiền sách vì có kẻ tri âm đàm đạo. Chung Tử Kỳ không còn nữa, Bá Nha đập đàn đi là phải.
Thật ra cũng chẳng cần đến 200 cuốn sách ngày đó. “Hành thư loạn tâm”, đọc nhiều chưa chắc đã là hay nếu không biết cách đọc. Nhiều khi còn bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đời người có may mắn tìm được sách hay, chỉ cần vài cuốn gối đầu giường là đủ. Tôi có hai cuốn sách mình thích là trọn bộ Thiền luận của Suzuki Teitaro và cuốn sách hai mươi tờ Thư gửi một thi sĩ trẻ của bà gì đó (Rainer Rilke thì phải). Hai cuốn gối đầu giường bây giờ cũng biến mất đâu rồi. Gối đầu giường của tôi bây giờ là... cái gối, vẫn còn phảng phất mùi ẩm mốc của rừng già thời chiến tranh.
Các cụ nhà chẳng có chữ nào, chỉ nghe tiếng mẹ ru tuổi thơ, thuộc vài câu ca dao quê cũ mà vẫn sinh ra hàng triệu tri thức chúng ta. Các cụ đọc trong chính nỗi bất hạnh của mình, trong nhọc nhằn và niềm khát sống.
Đã đành ngôi nhà không có sách trông hoang lạnh. Mặt người không có chữ trông vô hồn. Nhưng cuốn sách cần đọc nhất vẫn chính là: “Đời mình”.
Cổ vũ tình yêu sách “Quyển sách thay đổi cuộc đời” là dự án xã hội do Thư viện thông minh Samsung, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ, nhà sách Fahasa cùng phối hợp thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây dựng một cộng đồng yêu sách lớn mạnh gồm những hạt nhân tiên phong góp phần cổ vũ tinh thần yêu sách trong cộng đồng, đồng thời tận dụng công nghệ hiện đại để giúp cộng đồng tiếp cận nguồn kiến thức từ sách một cách dễ dàng và đầy hứng thú. Trong năm nay, dự án sẽ có nhiều hoạt động thú vị hứa hẹn sự tham gia ủng hộ của đông đảo bạn trẻ VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận