05/12/2014 08:30 GMT+7

​Nhạc sĩ Trần Lập kiện Zing: tòa sẽ tuyên án

H.ĐIỆP - Q.N.
H.ĐIỆP - Q.N.

TT - Ngày 3-12, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện của ông Trần Quyết Lập (nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập) và Công ty cổ phần VNG có trụ sở tại quận 11, TP.HCM.

Trang mp3.zing.vn vướng phải nhiều vụ kiện tụng về tác quyền, bản quyền
Trang mp3.zing.vn vướng phải nhiều vụ kiện tụng về tác quyền, bản quyền

Theo nội dung đơn khởi kiện của ông Lập thì ông phát hiện trang mạng xã hội trực tuyến Zing MP3 (mp3.zing.vn, thuộc Công ty cổ phần VNG) có đăng tải và chia sẻ bài hát Đường đến vinh quang mà ông là tác giả. 

Sau đó ông Lập đã yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng sự kiện này, đồng thời yêu cầu VNG trả tiền nhuận bút, tiền thiệt hại vì đã không phát hành được album, tuy nhiên phía VNG không đồng ý.

Vì vậy, ông Lập đã khởi kiện ra tòa và yêu cầu VNG bồi thường tổng cộng 155 triệu đồng (bao gồm cả chi phí thuê luật sư).

Tuy nhiên tại phiên tòa, VNG cho rằng mình sẽ không bồi thường vì VNG không có lỗi và cho rằng nguyên đơn đã xác định sai đối tượng khởi kiện. Bởi cả hai có quan điểm khác nhau nên tòa sẽ tuyên án vào ngày 10-12.

Xâm phạm quyền tác giả

Theo luật sư Vũ Thái Hà (Công ty luật You & Me), căn cứ vào điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Với quy định này, việc mp3.zing cho đăng tải bài hát Đường đến vinh quang do nhạc sĩ Trần Lập sáng tác nhưng không xin phép có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên, mức độ thiệt hại, trách nhiệm bồi thường và đối tượng phải bồi thường cần được hội đồng xét xử xem xét đánh giá dựa vào vai trò và các lợi ích kinh tế mà mp3.zing - với tư cách là mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ nhạc - nhận được cũng như người đã đăng tải bản nhạc này lên Internet.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 4-12, nhạc sĩ Trần Lập cho biết: “Tôi không có mặt ở TP.HCM trong thời gian tòa nghị án vì đã ủy quyền mọi việc cho luật sư đại diện. Cá nhân tôi cho rằng những vấn đề về tác quyền hay bản quyền thế này không có gì phải ầm ĩ. Đây không phải là một cuộc chiến, đây chỉ là vấn đề dân sự và đang chờ phán quyết từ tòa án để có được những kết quả tốt đẹp cho các bên liên quan”.

Trần Lập cũng cho biết thêm để chuẩn bị cho vụ kiện, anh và công ty luật đã có sự chuẩn bị trong gần một năm trước khi vụ việc được đưa ra tòa.

Chưa vụ nào được “tuyên án”

Nói đến các vụ kiện tác quyền, bản quyền thì có lẽ Trần Lập kiện trang Zing MP3 thuộc Công ty cổ phần VNG là vụ đầu tiên chính thức ra tòa.

Trước đó, ca sĩ Mỹ Tâm hay Lệ Quyên gửi “đơn nhắc nhở” các đơn vị cung cấp nhạc chuông, nhạc chờ và các trang chia sẻ nhạc trực tuyến đều được giải quyết êm thấm trước khi tòa thụ lý hồ sơ.

Đầu năm 2009, Công ty TNHH dịch vụ giải trí Mỹ Tâm đã gửi thư đến các nhà mạng như: MobiFone, Vinaphone, Viettel đề nghị không sử dụng các bài hát có giọng hát Mỹ Tâm làm nhạc chuông, nhạc chờ và yêu cầu trả tiền bản quyền liên quan.

Các công ty nội dung số đã cung cấp những bài có giọng hát của Mỹ Tâm khá lúng túng trước sự việc này vì những bài hát đó được cung cấp bởi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN.

Sau nhiều “tranh cãi nảy lửa”, các nhà mạng cũng đã đồng ý mức giá mà phía Mỹ Tâm đưa ra. Cụ thể là 1.000 đồng/lượt tải/bài hát đối với các ca khúc mà Mỹ Tâm có quyền sở hữu, quyền tác giả, quyền biểu diễn và 500 đồng/lượt tải/bài hát đối với các ca khúc mà Mỹ Tâm chỉ là “người biểu diễn”. Và đã có ca khúc Mỹ Tâm thu về đến 99 triệu đồng tác quyền đợt đó.

Riêng Lệ Quyên thì kiện chín trang web sử dụng trái phép những ca khúc trong hai CD Khúc tình xưa 2, Tình khúc yêu thương của cô với số tiền đòi bồi thường lên đến 8 tỉ đồng (trong đó Zing MP3 là 6 tỉ đồng). Tuy vậy, số tiền thỏa thuận sau đó không được tiết lộ.

Luật sư Lê Quang Vy - văn phòng luật Việt Long Thăng, đơn vị từng được Mỹ Tâm và Lệ Quyên ủy quyền để thực hiện các vụ kiện vi phạm tác quyền, bản quyền âm nhạc - cho biết: “Cả Mỹ Tâm và Lệ Quyên đều đã đạt được những thỏa thuận tốt nên sự việc chưa đến mức phải gặp nhau ở tòa. Riêng trường hợp Lệ Quyên sau đó còn ký hợp đồng kinh doanh nhạc trực tuyến với Zing MP3”.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Vy cũng bức xúc khi nói về “vụ Trần Lập”. Ông nói: “Tôi rất không đồng tình với những lý lẽ mà Zing đưa ra. Lần nào họ cũng cho rằng bản ghi âm các ca khúc bị kiện trên trang của họ là do người dùng đăng lên chứ không phải do công ty nên họ không có trách nhiệm phải thực hiện tác quyền. “Cổng” là cổng nhà anh, chẳng lẽ ai vào nhà anh cũng cho, không hợp pháp anh cũng cho?”.

Tháng 8-2014, ca sĩ Đăng Khôi - giám đốc Công ty Việt Giải Trí - cũng gửi đơn lên TAND TP.HCM khởi kiện trang Zing MP3 vì cho rằng công ty này đã vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc nhạc K-pop của khoảng 700 nghệ sĩ Hàn Quốc do Việt Giải Trí được ủy quyền sử dụng hợp pháp tại VN.

Tại thời điểm đó, tòa đã nhận hồ sơ và tiến hành các thủ tục để thụ lý vụ kiện. Và văn phòng luật Việt Long Thăng cũng đang đại diện cho Công ty Việt Giải Trí để theo đuổi vụ kiện.

H.ĐIỆP - Q.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên