13/04/2014 06:00 GMT+7

Nhạc sĩ Tô Vũ: Một hành trình đa thanh điệu

ÁNH TUYẾT
ÁNH TUYẾT

TT - Ông đã không nhận ra tôi. Nhầm tôi với một người cháu gái nào đó, ông cầm tay tôi mà hỏi: “Mẹ cháu có khỏe không?”... Mà ông nào đã một lần biết mẹ tôi là ai đâu chứ! Chỉ là ông đang lâm trọng bệnh mà thôi.

84W0qCCd.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Tô Vũ và ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh: ATB

Ông là nhạc sĩ giáo sư âm nhạc Tô Vũ, người đã cống hiến hết mình cho nền âm nhạc VN. Đến bệnh viện thăm ông, trong tôi cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui, khi ông vẫn còn ý thức để nói chuyện trìu mến và tình cảm. Buồn, vì đó chỉ là trong cơn mê sảng và do một thứ thuốc trị bệnh khiến ông đôi lúc lại bị ảo giác. Lặng nhìn ông, ngàn lần mong ông mạnh khỏe, sớm bình phục để có thể đọc những dòng tâm tình này của tôi - người ca sĩ mà hôm nào ông vẫn tếu táo đùa rằng: “Lúc nào gặp cũng thấy nó nhí nhảnh, say mê và rất trách nhiệm với nghề thế chứ. Trông nó thế mình cũng phải vui lây...”.

Hôm xưa và bài học âm nhạc đặc biệt

Cái hôm xưa đó đã trôi qua hơn 20 năm có lẻ, khi ấy nhạc sĩ Tô Vũ đã xấp xỉ 70 tuổi, còn tôi vẫn là một ca sĩ trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Ấn tượng của tôi về ông trong lần đầu tiên gặp gỡ ấy là tính cách hiền lành, nhiệt tình, cặn kẽ, nhanh nhạy so với tuổi của mình. Đặc biệt, ông có đôi mắt biết cười cùng lối nói chuyện duyên dáng, uyên bác. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra tại tư gia của nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế - tác giả thi phẩm Võng mây mà nhạc sĩ Tô Vũ phổ nhạc, và tôi có vinh hạnh được thu âm trong băng cassette vào cuối năm 1992.

Cũng trong lần nói chuyện ấy, nhạc sĩ chia sẻ với tôi về một điều mà ông luôn đau đáu trong tâm tư mình... Ấy là ca từ của tác phẩm Em đến thăm anh một chiều mưa. Nguyên gốc đoạn điệp khúc là: “Mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lời nghẹn lời hồn anh như say như ngây vì đâu”, nhưng chả hiểu sao các ca sĩ cứ hát thành “Lời nghẹn ngào...” và cho đến nay thì tất cả mặc nhiên hát theo như vậy. Đặc biệt có những câu hát khi vô tình bị thay đổi ca từ đã mang một ý nghĩa khác hẳn khung cảnh cũng như tâm trạng của tác giả lúc bấy giờ. Đoạn “Gió đưa cánh chim trời. Đó đây cách xa vời. Chiều vui mưa nặng cánh...” lại thường bị hát thành “Chiều vui mưa ướt cánh...” vừa thừa nghĩa không đúng ý, còn bị ép từ vào cao độ làm người hát thật khó rõ lời vì khi hát nghe thành ượt cánh. Lại mất đi chữ nặng vốn được tác giả đặt vào bản nhạc để diễn tả một nỗi lòng. Đặc biệt ở câu cuối phần điệp khúc “Chiều nào thôi xa anh...” bị hát thành “Chiều nào em xa anh...” đã thay đổi hoàn toàn cảm xúc, khát vọng một tương lai hạnh phúc thành nỗi sầu biệt ly. Ông nửa đùa nửa thật rằng mỗi lần nghe đến đoạn ấy tim ông “cứ nhoi nhói một nỗi niềm về một kỷ niệm đẹp đã khắc sâu thăm thẳm trong tâm hồn. Nhưng rất tiếc mọi người lại cứ mãi hát sai lời nên sai cả ý của tôi”. Ca sĩ là người đem tâm tình của tác giả gửi gắm qua tác phẩm đến với khán giả, có nhiều bài hát được chắp cánh bay, tỏa sáng nhờ vào giọng hát của ca sĩ và ngược lại - bữa đó ông nhạc sĩ lão thành nói với cô ca sĩ trẻ như thế.

Câu chuyện của ông đơn giản chỉ là một sự chia sẻ xúc cảm, nhưng với tôi nó mang ý nghĩa một bài học, luôn nhắc tôi nhớ rằng hãy thật sự hiểu nội dung tác phẩm, phải nên biết tác giả muốn nói gì và gửi gắm điều gì rồi hãy thể hiện theo cảm nhận của riêng mình. Mỗi lần đến với một tác phẩm nào đó dù mới hay cũ thì câu chuyện của nhạc sĩ Tô Vũ lại khiến tôi phải trăn trở nhiều hơn và cố gắng để hiểu những tác phẩm mà mình sẽ thể hiện một cách trọn vẹn nhất.

Người “chăn nhạc”

Có một nhà lý luận phê bình âm nhạc nào đó đã ví chuyện ông Tô Vũ nhà Hán năm xưa chăn dê giữa thảo nguyên mênh mông và nhạc sĩ Tô Vũ của chúng ta “chăn nhạc” từ khi mái tóc hẵng còn xanh cho đến tận hôm nay. Tôi thật sự tâm đắc với ý kiến đó. Chúng ta được gặp một Tô Vũ dạt dào xúc cảm trong các tác phẩm âm nhạc và còn được trải nghiệm những kiến thức uyên thâm của ông về âm nhạc trong vai trò là một nhà nghiên cứu, giáo sư âm nhạc lão thành. Cả cuộc đời ông là một hành trình đa thanh điệu. Ông rong ruổi trên mọi nẻo đường quê hương để sau hàng loạt sáng tác thời kỳ thanh xuân chịu ảnh hưởng của phương Tây như Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu và Võng mây... là hàng loạt tác phẩm sau này như chính ông tự nhận mình càng ngày càng say đắm “nàng âm nhạc dân tộc”. Đó là những Cấy chiêm (ngập tràn âm hưởng chèo), rồi Đề Thám (nhạc tuồng), Trưng Vương (nhạc cải lương), Sơn Tinh - Thủy Tinh (nhạc múa rối).

Trong những lần gặp gỡ sau này, ông luôn say sưa nói về âm nhạc dân tộc, sự vi diệu của trí tuệ cha ông. Ông đưa ra những nhận định và khiến tôi hiểu rằng “Cái mới đôi khi là cái cũ bị người đời lãng quên”. Có nhiều tác phẩm ngày hôm nay gây cho chúng ta ấn tượng mãnh liệt, thế nhưng nếu thật sự ngẫm nghĩ và mổ xẻ thì đó là điều cổ nhân đã làm từ rất lâu rồi. Đó cũng chính là lý do tại sao những nhạc sĩ biết hòa trộn giữa âm nhạc dân tộc và những cảm xúc đương đại lại có thể ghi đậm dấu ấn trong tâm hồn khán thính giả đến thế.

Mong sao nắng mãi còn xuân

Trò chuyện cùng ông, tôi nhận ra nơi ông một trái tim và tâm hồn nghệ sĩ chan chứa sự lãng mạn mà vô cùng chỉn chu trong lối sống và cách làm việc. Nhạc của bạn bè đồng nghiệp hầu như ông nhớ kỹ từng ca từ, giai điệu đến giai thoại nhưng không bao giờ tùy tiện nói trên phương tiện thông tin đại chúng. Bởi lẽ ông quan niệm một tác phẩm âm nhạc sống được do cảm nhận khác nhau của mỗi khán giả khi nhìn thấy chính bản thân mình trong đó chứ không phải những câu chuyện bên lề.

Giờ đây, sau chừng ấy năm cống hiến hết mình cho âm nhạc, giữa căn phòng bệnh viện lúc mê lúc tỉnh, người nghệ sĩ ấy, như một bản năng, vẫn giữ cho mình một phong thái gần gũi, bình dị nhưng lại hết sức trang nhã. Mỗi khi bật lên cơn ho liên tục, ông cũng cố gắng khum hai bàn tay rất đúng mực và gọn để che miệng và mặc dù đang trong cơn ảo giác tỉnh mê, ông vẫn nhẹ nhàng, mỉm cười gật đầu chào và cảm ơn những y tá, người thân đến thăm mình. Nụ cười của đôi mắt mà bất cứ ai từng trò chuyện cùng ông không thể không ấn tượng.

Ca khúc Em đến thăm anh một chiều mưa cuối cùng kết lại bằng một hình ảnh của “ánh nắng”: “Ta ước mơ một chiều theo nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về...”. Trong những nỗi buồn tưởng chừng bất tận của thế hệ nhạc sĩ tiền chiến cũng không bao giờ ẩn chứa hoàn toàn sự bi lụy, vẫn còn đó nỗi niềm hi vọng hoặc một sự buông tay nhẹ nhàng không oán hờn, trách móc, thù hận. Tôi mong cuộc sống này cũng vậy. Trong những giờ phút mà tuổi già đang thử thách cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa Tô Vũ, có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng khán thính giả đều mong ông sớm vượt qua để tiếp tục là dòng sông âm nhạc tắm mát những tâm hồn mộ điệu.

Một danh tiếng dị biệt

puzoemoO.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Tô Vũ - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nói đến Tô Vũ trong làng nhạc VN, người ta thường coi ông như một bậc tiên chỉ. Người ta có thể không biết ông vốn là Hoàng Phú - em trai nhạc sĩ Hoàng Quý, huynh trưởng nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng thời trước Cách mạng Tháng Tám và là tác giả bài sử ca Ngày xưa viết về Hai Bà Trưng. Những người ưa nhạc trữ tình, lãng mạn thường nhắc tới ông như một trong những tác giả ấn tượng với Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu. Người ưa nhạc “đỏ” thì chẳng ai là không biết ông với những ca khúc mang âm hưởng dân tộc như Cấy chiêm (thơ Quách Vinh), Nhớ ơn Hồ Chí Minh, Gợi ý mùa trăng, Khúc ca yêu đời, Như hoa hướng dương (thơ Hải Như)... Người yêu khí nhạc mà nhất là khí nhạc dân tộc thì ai cũng biết ông là tác giả bản hòa tấu đầu tiên Nông thôn đổi mới (viết cùng Tạ Phước), Hoàng hôn trên xóm nhỏ (1966).

Nhưng hỏi Tô Vũ học trường âm nhạc nào mà là một tác giả tầm cỡ như thế? Chắc không ai ngờ, ông chỉ hoàn toàn tự học. Hoàn toàn tự học nhưng sau hòa bình ở miền Bắc, ông đã trở thành giáo viên Trường Âm nhạc VN với hàng chục cuốn sách, giáo trình, nghiên cứu về âm nhạc. Tô Vũ hiện diện là một nhạc sĩ với rất nhiều dòng chảy và kỳ lạ nhất, vẫn là sự tự học mà ra. Kiên nhẫn và tài năng đã tạo ra danh tiếng dị biệt của Tô Vũ.

Ấy vậy mà ông lại rất khiêm nhường, dù ngay từ năm 1982 ông đã được phong hàm giáo sư âm nhạc - một giáo sư thành danh bởi tự học. Ông và Văn Cao cùng nhóm Đồng Vọng là thế, nhưng Văn Cao nghiêng về sáng tác nên cũng không có nhiều thành tựu phê bình, lý luận như ông. Nhưng ông vẫn rất tôn trọng bạn đồng niên (cùng sinh năm 1923) của mình và khẳng định Văn Cao là một trong những người đầu tiên xác tín thang âm đồ - rê - fa - sol - la là thang âm cơ bản của âm nhạc cổ truyền VN. Tại sao lại là đồ - rê - fa - sol - la mà không là đồ - rê - mi - sol - la, đó còn là một vấn đề thú vị cho các nhạc sĩ nghiên cứu sau các ông. Chỉ cần khảo sát cuốn sách cuối cùng của ông Sức sống của nền âm nhạc truyền thống VN (1996) mới thấy sức tự học của ông ghê gớm đến mức nào. Không chỉ tự học âm nhạc, ông còn tự học văn học, văn hóa để có thể viết nên những bài nghiên cứu tầm cỡ như Nguyễn Trãi với âm nhạc.

Tôi còn kính trọng cả nhân cách ông ở tình yêu và học thuật. Ở Tô Vũ yêu là yêu, biết là biết. Không có sự nhập nhằng. Mãi cảm phục tình cảm của ông với một nữ bác sĩ thích âm nhạc của ông. Còn cảm phục hơn khi bàn đến tác giả bài hát Hận Ô Giang là ai? Theo văn bản đã in thì Hận Ô Giang là của Văn Cao. Nhưng Văn Cao chưa bao giờ nhắc tới bài này. Hóa ra đó là sáng tác của một đàn em sau Văn Cao là ông Trung Kiên - nguyên phó tổng biên tập báo Nhân Dân. Hận Ô Giang đã được một nam ca sĩ thời chống Pháp hát rất hay, hay đến nỗi ông tự nhận mình là tác giả. Ông đã mất, nhưng em ông lại muốn Tô Vũ khẳng định điều đó bằng tất cả mọi giá. Tô Vũ đã cười mỉm và không nhận lời. Đó là cốt cách, là nhân cách Tô Vũ.

ÁNH TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên