"Kể chuyện ngày mùa" - Nghệ sĩ Thế Dân trình bày
Cha đẻ của chương trình Hà thành 36 phố phường
"20 năm trước, chính thầy Thao Giang là người đã đưa tôi bén duyên với nghệ thuật xẩm", Nguyễn Quang Long cho biết.
Khoảng cuối năm 2004, hai thầy trò gặp nhau lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Âm Nhạc, nơi Nguyễn Quang Long đang công tác. Cũng trong cuộc gặp đầu tiên đó, nhạc sĩ Thao Giang bày tỏ nguyện vọng của ông: "Nếu chúng ta không chung sức thì trong tương lai, nghệ thuật xẩm của cha ông cũng không còn".
Nguyễn Quang Long nhớ lại là thời điểm đó, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã bắt đầu ốm yếu. Nghệ thuật xẩm đứng trước nguy cơ bị đứt gãy giữa đường.
Năm 2005, ông Thao Giang đã cùng GS Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) với ba nhiệm vụ: sưu tầm, nghiên cứu; truyền dạy, đào tạo; biểu diễn, giới thiệu tác phẩm âm nhạc truyền thống.
Với uy tín của mình, nhạc sĩ Thao Giang đã tập hợp rất nhiều nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam tham gia "hồi sinh" xẩm ở Hà thành, gồm các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Tự Cường, Thúy Ngần, Đoàn Thanh Bình, Văn Ty, Phạm Minh Khang, Hạnh Nhân…
Lứa trẻ hơn có Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Khương Cường…
Ông chính là "cha đẻ" của chương trình Hà thành 36 phố phường diễn ra vào các tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần trong khu vực phố cổ Hà Nội, gây được tiếng vang lớn.
Nếu nghệ nhân Hà Thị Cầu tôn vinh xẩm làng quê thì nhạc sĩ Thao Giang lại hồi sinh xẩm Hà thành. Đáng chú ý nhất, ông sưu tầm và đã giới thiệu với công chúng xẩm tàu điện - một di sản quý của thủ đô đã rơi vào quên lãng.
Người "đấu tranh" để xẩm có vị trí như ca trù, quan họ, cải lương…
Nguyễn Quang Long khẳng định: "Chính nhạc sĩ Thao Giang đã khiến tôi nhận ra, mặc dù là một bộ môn nghệ thuật rất truyền thống nhưng xẩm không hề cổ hủ. Ngược lại, nó có thể truyền đạt những vấn đề thời sự một cách hết sức dí dỏm, gần gũi".
Theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long, chính nhạc sĩ Thao Giang là người "đấu tranh" không ngừng nghỉ để xẩm có vị trí tương đương như ca trù, quan họ, cải lương, bài chòi, ca Huế…
Ông đã khởi xướng và vận động để cho ra CD xẩm Hà thành, lễ giỗ tổ nghề hát xẩm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Đặc biệt, năm 2008, với nỗ lực không mệt mỏi của ông, chương trình Đêm hát xẩm và trống quân mừng quân Mậu Tý 2008 được diễn ra ở Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là lần đầu tiên xẩm "bước vào" Nhà hát lớn Hà Nội với một vị trí hết sức sang trọng.
Sự kiện đó có sự góp giọng của nghệ nhân Hà Thị Cầu, Nguyễn Văn Khôi, các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Đoàn Thanh Bình, Khương Cường, Thanh Mai, Đức Huy…
Nhạc sĩ Thao Giang sinh ngày 22-7-1948 tại Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ông là người có vốn am hiểu âm nhạc truyền thống của Việt Nam một cách sâu sắc.
Năm 8 tuổi, trong một lần tình cờ, ông ghi danh vào lớp sơ cấp khóa 1 của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia giảng dạy ở trường. Ông là một trong những người đầu tiên gầy dựng khoa âm nhạc truyền thống của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Không chỉ là danh cầm mang cây đàn nhị của Việt Nam đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới, ông còn là thầy của nhiều nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có NSND Thế Dân.
Nhạc sĩ Thao Giang là tác giả của chùm tác phẩm nổi bật viết cho đàn nhị: Kể chuyện ngày mùa, Tình quê hương, Làng ven sông, Đan lưới, trong đó nổi tiếng nhất là Kể chuyện ngày mùa.
Ngoài ra, ông còn có tác phẩm Hương rừng viết cho đàn tam thập lục, Ao cá Bác Hồ viết cho đàn tranh, Du thuyền trên sông Hương viết cho đàn bầu, Đường xa vui những tiếng đàn viết cho đàn tỳ bà…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận