Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon music Festival) năm nay tiếp tục diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long vào tháng 10.
Khán giả trẻ rất văn minh
* Giá trị của Monsoon đối với các ban nhạc trẻ và khán giả trẻ ở Việt Nam như thế nào, theo anh?
- Chúng tôi mang lại cảm hứng cho các ban nhạc trẻ bằng cách trao cho các bạn cơ hội được lên sân khấu biểu diễn, thấy được niềm vui của khán giả mang tới cho mình, rồi các buổi hội thảo với nhiều chủ đề khác nhau, cơ hội được giao lưu, học hỏi từ các nghệ sĩ quốc tế... giúp các bạn trẻ tự xây dựng dự án, tìm kiếm tài trợ, có thêm kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức các tour diễn để giới thiệu mình nhiều hơn.
Ngoài ra, năm nay có các buổi biểu diễn trong phố nhỏ, không gian nhỏ, tạo nhiều mô hình biểu diễn khác nhau để các bạn trẻ nhìn vào đó có thể biết lựa chọn quy mô phù hợp với mình để được hoạt động âm nhạc nhiều hơn.
Về phía khán giả, chúng tôi muốn tạo thói quen cho khán giả có nhu cầu nghe cái mới để ủng hộ nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ mới. Đó là điều cần làm cho một thị trường âm nhạc đa dạng. May mắn Monsoon đã thu hút được lượng khán giả trẻ 18 - 25 tuổi có văn hóa thưởng thức văn minh, các bạn có nhu cầu mua vé đi nghe nhạc tương đối lớn.
* Anh có thể nói thêm về sự văn minh của lớp khán giả trẻ?
- Thực ra đời sống của chúng ta đã phát triển rất nhiều. Mặt bằng thu nhập lên cao. Nhưng lứa khán giả 7X, 8X mặc dù có điều kiện về tài chính vẫn chưa có thói quen dành tiền cho tiêu dùng nghệ thuật. Họ thích hát karaoke, đi nhậu, mua sắm. Còn các bạn trẻ hiện nay thì khác.
Các sô của ban nhạc Chillies, của Vũ... khán giả là những người rất trẻ, là sinh viên chưa ra trường hoặc nhân viên văn phòng. Các bạn có nhu cầu thưởng thức thật và rất biết cách hưởng thụ văn hóa.
Đời sống của các bạn đã văn minh hơn nhiều. Các bạn có chuyên môn, có việc làm, rất tự tin, quan tâm hơn về môi trường, chăm lo đời sống tinh thần và không tự đặt cho mình nỗi lo phải tích lũy giống như thế hệ trước.
Sự nổi tiếng không phải tiêu chuẩn của một tài năng
* Monsoon thường mời một số ban nhạc quốc tế giàu tính thể nghiệm và còn xa lạ với công chúng Việt Nam khiến đã từng xảy ra tình trạng là có những tiết mục khiến khán giả... im lặng. Năm nay, anh có tiếp tục mời những ban nhạc như vậy?
- Sự sáng tạo rất đa dạng. Sự nổi tiếng không phải tiêu chuẩn của một tài năng.
Một người nghệ sĩ nhạc jazz hay cổ điển thì tầm ảnh hưởng của họ rất hạn chế, họ chỉ diễn trong một khán phòng nhỏ, không có nghĩa họ không tài năng bằng các nghệ sĩ pop, rock hát ở những sân vận động cho hàng trăm ngàn người xem.
Chúng ta cần tạo thói quen thưởng thức đa dạng cho khán giả. Khi tôi đi dự một liên hoan âm nhạc điện tử thể nghiệm ở Anh, có những phần biểu diễn rất kỳ dị, thậm chí không hay. Tôi là một người trong nghề mà cũng khó nghe, nhưng khán giả dành sự tôn trọng, họ không bỏ ra ngoài, vẫn vỗ tay bình thường.
Thích hay không thích là chuyện khác, nhưng ít nhất là khán giả không phản ứng theo hướng kỳ thị, vùi dập những thử nghiệm ấy một cách "dã man".
Khán giả phải có nhiều lựa chọn như thế thì nền nghệ thuật mới sản sinh ra những trào lưu mới. Những thể nghiệm này có thể hôm nay chưa thành công, hoặc không bao giờ thành công cả nhưng đóng góp vào sự đa dạng của đời sống âm nhạc.
Nó cũng tạo nên những cảm hứng cho nghệ sĩ để phát triển. Còn nếu chúng ta chỉ theo một chuẩn thì giống như Việt Nam bao năm qua chỉ có những buổi biểu diễn ca nhạc với hàng chục nghệ sĩ lên hát, mỗi người hát vài bài. Nó không thay đổi gì trong nhiều năm. Đấy không phải là một đời sống âm nhạc đa dạng.
* Anh đã chứng kiến sự "vùi dập dã man" với những thử nghiệm âm nhạc ở ta?
- Đầu tiên là truyền thông vùi dập một cách tàn bạo nhất. Điển hình là vụ khán giả và truyền thông phản ứng với chương trình của Đại Lâm Linh khi chương trình này được phát sóng trên truyền hình, trong khuôn khổ cuộc thi âm nhạc trên truyền hình Bài hát Việt năm 2010.
Tôi đã đứng cả buổi trong Nhà hát lớn Hà Nội để xem chương trình ấy, dành sự tôn trọng rất lớn cho anh nhạc sĩ Ngọc Đại. Nhưng những thử nghiệm của nhóm không phù hợp với một chương trình dành cho đại chúng trên truyền hình.
Tôi nghĩ những nghệ sĩ đó phải bản lĩnh, bởi những cuộc vùi dập như vậy sẽ dẫn đến tâm lý hoàn toàn không tích cực cho nghệ sĩ. Nó còn tạo dây chuyền với những cái khác, và tạo thói quen không tốt cho khán giả là vùi dập những thử nghiệm mà mình không thích.
Nhưng rất mừng là hiện tại trong đời sống âm nhạc cũng có nhiều bạn trẻ đã dám thể hiện những điều rất thú vị. Tôi hy vọng Monsoon lần này sẽ giới thiệu được những dự án, nhóm nhạc sáng tạo và độc đáo.
Tôi không còn nhiều hứng thú làm cho ca sĩ nữa
* Trở lại với anh, Monsoon có ý nghĩa như thế nào với anh mà anh vẫn đeo đuổi dù năm nào cũng lỗ?
- Những năm đầu thì tôi cũng có những khao khát mục tiêu này nọ. Nhưng đến bây giờ thì tôi làm cái này chỉ là vì niềm vui, niềm vui đến từ những thách thức chứ không phải từ tiền bạc. Niềm vui, thành quả tinh thần cũng là chất gây nghiện.
Mà thực ra niềm vui, ao ước của tôi bây giờ là được chơi nhạc, sáng tác nhạc, làm những dự án âm nhạc chứ không phải là làm Monsoon nhưng tôi chưa dứt ra được. Cần một thời gian nữa.
* Đúng là lâu lắm rồi khán giả không còn được nghe những ca khúc mới của Quốc Trung, anh còn sáng tác ca khúc nữa không?
- Tôi không còn nhiều hứng thú làm cho ca sĩ nào đó nữa. Có thể là một dịp nào đấy, với ai đấy, tôi sẽ trở lại viết cho ca sĩ, nhưng hiện tại tôi đang tập trung vào nhạc điện tử, trong đó cũng có hát nhưng mà là hát của các đồng bào thiểu số ở Tây Bắc.
Trong Monsoon sắp tới, tôi sẽ giới thiệu dự án âm nhạc tôi làm cùng Xinh Xô do Hội đồng Anh tài trợ với các nghệ sĩ visual art của Anh quốc, một dự án âm nhạc từ chất liệu Tây Bắc. Rất thú vị.
Đấy, bây giờ tôi mong muốn có thời gian làm các dự án như vậy để biểu diễn tại Monsoon và ở nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận