Phóng to |
Lời mở đầu súc tích của Nguyễn Thị Minh Châu về Phạm Minh Tuấn trong tuyển tập trên: "Người vẫn được coi là nhạc sĩ phương Nam với giọng nói cũng như những sáng tác “đặc sệt” Nam Bộ, lại sinh trưởng trên đất Campuchia và có gốc gác từ xứ Bắc, quê nội: Nam Định, quê ngoại: Hưng Yên".
Bố mẹ ông phiêu bạt đến đất Chùa Tháp sinh ông tại Phnôm Pênh. Cha ông về Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh năm 1946, lúc ông mới 4 tuổi.
Lớn lên, Phạm Minh Tuấn vượt biên giới về Tây Ninh, nhận công tác ở Đoàn Văn công Giải phóng năm 1961 (tại căn cứ R) và cuối năm đó, bài Tiếng hát dân công ra đời tại chiến khu Đ. Sang đầu năm 1962, bài Đập tan kế hoạch Staley viết tại núi Bà Đen được hát giữa chiến khu. Có lẽ giao thừa năm 1965 rất đáng nhớ đối với ông khi bài Qua sông được hát trong chương trình đón xuân của Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội - mà ông được nghe từ miền Nam qua làn sóng điện.
Và cũng bài Qua sông, tên tuổi ông được nhiều người biết đến khi bài hát được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu 1960 - 1965. "Tác giả đã đem toàn bộ số tiền thưởng đó mua đậu xanh và đường, nấu một nồi chè đãi cả đơn vị ăn mừng..." (Lời giới thiệu). Từ đó đến ca khúc Người nữ tự vệ Sài Gòn (1968), rồi nhiều bài của những năm đầu thập kỷ 70 (thế kỷ 20), tên tuổi Phạm Minh Tuấn đã không còn xa lạ với giới âm nhạc nước ta...
Trong cả trăm ca khúc, khá nhiều bài của ông được nhắc tới như: Bài ca không quên, ca khúc viết cho thiếu nhi Cháu lên 3 cháu vô mẫu giáo, Xuân về trên quê ta (1964), Đường tàu mùa xuân (1976), Em ơi mùa xuân (1980), Tuổi trẻ mùa xuân (1989), Tình khúc mùa xuân (1989), Cảm xúc mùa xuân (1992-2000)...
Đọng trong nhiều người là Tình khúc thiên thu (1989): "Đời tựa như dòng sông có khi vơi khi đầy, đời là những tiếng khóc tiếng cười buồn vui (...). Dù ngày mai ta khuất sẽ dâng người tình khúc thiên thu". Tất cả góp thành Ca khúc Phạm Minh Tuấn. Sách tiếp tục phát hành đầu năm mới 2005.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận