Phóng to |
Mấy thập kỷ gần đây, tên tuổi của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Ðạo đã trở nên thân quen với nhiều người làm nghệ thuật và công chúng cả nước. Ông từng sáng tác hơn 80 tác phẩm độc tấu, giao hưởng, opera và được nhiều chính phủ ở châu Âu đặt viết để biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới.
Nguyễn Thiên Ðạo được lưu danh trong hai cuốn từ điển lớn Le Petit Larousse (1982) và Le Petit Robert (1995) với tư cách là "nhạc sĩ tài năng, tác giả của dòng nhạc hợp lưu Ðông - Tây vô cùng độc đáo".
Gặp Nguyễn Thiên Ðạo vào một ngày cuối thu, trời se lạnh, tiếp ông bên quán cà-phê ven hồ Hoàn Kiếm... Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một con người giản dị, khiêm nhường, vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn... Ít ngày sau đó, tôi may mắn được chứng kiến sự "xuất thần" của ông khi đứng trên bục chỉ huy dàn nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi ấy Nguyễn Thiên Ðạo vừa như "đạo sĩ" vừa như "vị tướng" chỉ huy trận cuồng phong âm thanh, cuốn người nghe theo dòng sóng nhạc tưởng như bất tận...
Sinh năm 1940 tại Hà Nội, năm 13 tuổi, Nguyễn Thiên Ðạo sang Pháp với sự bảo trợ của Pôn Le-vi cựu Giám đốc Viện Viễn đông Bác Cổ. Ông đã trải qua 10 năm sống và học tập ở ký túc xá nuôi dưỡng trẻ em Do Thái, nạn nhân của chiến tranh thế giới thứ II. Sau Nguyễn Thiên Ðạo được Giáo sư, nhà soạn nhạc Ô-li-vơ Mét-xi-en dìu dắt, đào tạo và ông tốt nghiệp hạng nhất Khoa sáng tác Nhạc viện Paris với tác phẩm Thành đồng Tổ quốc.
Những năm tháng học ở Pháp, ông sống bằng học bổng, trong căn phòng tuềnh toàng. Bằng tài năng, nghị lực và lòng yêu quê hương mạnh mẽ, Nguyễn Thiên Ðạo đã tạo nên những tác phẩm âm nhạc tầm vóc.
Trong hành trang nghệ thuật của ông, ta thấy có không ít tác phẩm nói về quê hương đất nước, như: Thành đồng Tổ quốc, Tuyến lửa (1968), Bất khuất, Tây Nguyên (1969), Nhớ (1970), Khóc Tố Như (1971), Máy (1972), Bà mẹ Việt Nam, Gió đồng, Phù Ðổng (1973), Máu và hoa (1974), Bao giờ, Nam ai (1975), Mưa (1976), Mai sau, Nơi xa, Phù Ðổng II (1977), Mỵ Châu Trọng Thủy (1978), Hoàng hôn (1979), Tuôn hận, Tìm lửa Thiên thai (1980-1989) và những Hòa tấu 95, Giao hòa, Khai nhạc, Sóng hồn, Hồn non nước...
Năm 1975, ông từng có tác phẩm CAMATITHU, cách viết tắt của tên Việt "Cách mạng tình thương" cho bộ gõ, trong đó có trích Di chúc Bác Hồ. Tác phẩm đặc biệt này được ông diễn nhiều lần ở Ðại hội Thế giới Âm nhạc ở Pháp và Ba Lan.
Ông tâm sự: "Tình yêu với văn hóa Việt Nam và âm nhạc cổ truyền đã là nền tảng cho những sáng tác của tôi, nhưng nó phải được hun đúc để kết thành cái tinh túy... Tôi luôn cố gắng tìm tòi, trau dồi đi trên con đường âm nhạc thấm đẫm tính dân tộc đích thực và nhân loại tiên phong. Với tôi, âm nhạc là cơn sóng dâng lên từ ngọn nguồn cảm xúc. Vì thế, tôi có khá nhiều tác phẩm mang tên sóng: Sóng hồn; Sóng nhất nguyên; Sóng nhạc Trương Chi..."
Tôi hỏi: "Phải chăng sự kết hợp ở những yếu tố đỉnh cao giữa hai dòng nhạc Ðông - Tây đã cho ông những thành công và độc đáo về nghệ thuật?", thoáng nét suy tư, Nguyễn Thiên Ðạo hào hứng: "Theo tôi, sự đối nghịch giữa hai dòng âm nhạc Ðông và Tây lại là một sự may mắn cho các nhà soạn nhạc. Thấu hiểu tường tận và yêu say đắm cả hai dòng nhạc này và biết "khơi động" nó thì rất có thể chúng ta "khai minh" ra một ngôn ngữ âm nhạc mới anh ạ!"
Nguyễn Thiên Ðạo đã có những thành công khi hài hòa được những yếu tố đỉnh cao của cả hai dòng nhạc Ðông - Tây. Ông từng giành được những giải thưởng âm nhạc lớn: Giải thưởng Hội nhạc sĩ Pháp (1970); Giải thưởng Hàn lâm Viện Mỹ thuật Pháp (1972); Giao hưởng Máu và hoa đoạt giải thưởng Ô-li-vơ Mét-xi-en của Fondation Erasmus, Hà Lan (1974); Giải thưởng André Caplet của Hàn lâm Viện Mỹ thuật Pháp (1983); và được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Chevalier des Arts et des Lettres (1984); Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam tặng Huân chương Chiến sĩ Văn hóa (2000); Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba (2001)...
Với Nguyễn Thiên Ðạo, âm nhạc không chỉ là một nghề để sống mà cao hơn còn là một Ðạo và ông là người sẵn sàng tử vì đạo. Ông có lối sống giản dị, ít nhu cầu cho mình nhưng lại không tiếc bất cứ sự chi tiêu nào và công sức, thời gian cho âm nhạc. Năm 2003, tiền tác giả 35 triệu đồng Nhà nước ta trả cho Sóng nhất nguyên, ông dành tặng Quỹ học bổng của hai nhạc viện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Gần hai chục năm nay, Nguyễn Thiên Ðạo thường xuyên về nước phối hợp với các đơn vị trong nước dựng nhiều tác phẩm âm nhạc lớn; tiêu biểu như: Sóng nhạc Trương Chi với Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Sóng nhất nguyên với Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng tác concerto Vivo cho piano và dàn nhạc theo lời mời của NSND Ðặng Thái Sơn, sáng tác sáu bản độc tấu cho nhạc cụ dân tộc Khói sóng (đàn tranh); Khói nguyệt (đàn nguyệt); Khói hát (đàn nhị); Khói Trương Chi (đàn bầu); Khói khói (sáo và tiêu); Khói (đàn tì bà). Gần đây nhất là sáng tác và chỉ huy biểu diễn bản hòa tấu cho dàn nhạc dân tộc mang tên Suối lưng mây (2006).
Những ngày này, ông đang cùng một số đơn vị nghệ thuật lớn luyện tập để ra mắt giao hưởng Chuyện của Pao (âm nhạc trong bộ phim cùng tên) chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC 2006 được tổ chức tại Việt Nam. Ðặc biệt, ông đang phối hợp với NSND Nguyễn Công Nhạc thực hiện trích đoạn ballet Ghen Hoạn Thư trong Truyện Kiều của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tặng lễ ra mắt Quỹ văn hóa Nguyễn Du vào cuối năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận