Nhạc sĩ Khắc Huề: Nhạc tiền chiến đã từng ăn khách

TRƯƠNG QUÝ 16/06/2023 04:45 GMT+7

TTCT - Sức hút của nhạc tiền chiến là vì gắn liền với kỷ niệm - Nhạc sĩ Khắc Huề chia sẻ.

NSƯT Khắc Huề hiện vẫn dạy violin cho học sinh các trường nhạc. Ông tiếp chuyện tôi ngay ở nơi từng diễn ra chương trình Ca khúc trữ tình (có lúc gọi là Khúc hát trữ tình), 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Câu chuyện bắt đầu từ mốc ra đời của sân khấu này ngay sau khi bắt đầu Đổi mới.

Nghệ sĩ Khắc Huề. Ảnh: TRƯƠNG QUÝ

Nghệ sĩ Khắc Huề. Ảnh: TRƯƠNG QUÝ

Khi có chủ trương "cởi trói tư duy", ai là người nghĩ ra tổ chức chương trình hát những bài từng bị dán nhãn nhạc vàng, bị cấm đoán?

Sau khi Đại hội Đảng lần thứ VI cho phép đổi mới tư duy văn nghệ, chúng tôi, gồm có tôi, ca sĩ Quốc Đông, Dương Minh Đức, nhạc sĩ Trần Hải, ngồi bàn với nhau để làm ra chương trình này. 

Đầu tiên chỉ định bán vé một chủ nhật, rồi hôm đó bán tới bốn suất diễn, rồi kéo dài suốt như vậy những ngày sau. Bảo vệ còn bị đánh gãy tay vì hết vé, người ta tưởng bán vé chui. Lúc đó khán phòng chỉ có 70 chỗ mà bán nhoáng cái đã hết. 

Có thể cắt nghĩa là do người ta khao khát nghe lại những tác phẩm này sau những năm tháng chiến tranh.

Có phải xin phép dưới nhãn một cơ quan nào không?

Tổ chức với danh nghĩa công đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lúc đó có anh Phan Phương, chủ tịch công đoàn, là kỹ sư âm thanh ở đây, đại diện để ký giấy cho bắt đầu. Cấp trên có Sở Văn hóa, Hội Nhạc sĩ cùng ủng hộ.

Quang cảnh buổi đầu tiên (10-3-1988), cử tọa có nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, vợ nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Hoàng Giác chơi guitar trong chương trình và nhà thơ Phạm Tiến Duật. Quan chức thì không mời ai cả. 

Cho đến năm 1990 chúng tôi vẫn chưa có giấy phép đi biểu diễn các nơi. Tháng 9, tháng 10 năm đó, phòng tổ chức biểu diễn của Sở VH-TT Hà Nội dẫn chúng tôi đi diễn một dải ở Nha Trang, Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Bình Định. 

Năm 1991, cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bùi Gia Tường mới ký giấy đồng ý cho chương trình đi lưu diễn.

Trừ tài tử Ngọc Bảo và ca sĩ Thanh Hiếu hát từ trước 1954, các ca sĩ của Ca khúc trữ tình đều là những người quen hát nhạc đỏ, trong khi đó dòng nhạc tiền chiến vốn dĩ vẫn phổ biến ở Sài Gòn và hải ngoại. Ý kiến so sánh lúc ấy như thế nào?

Tất nhiên có ý kiến cho rằng mình hát hơi "chiến đấu tính" quá, giọng thì hơi cao. Vì đa số các ca sĩ hát nhạc vàng giọng hơi thấp xuống, ấm hơn. Nhưng mình quen hát nhạc cách mạng nên nâng giọng lên một chút cho đúng với giọng học ở nhạc viện.

Đêm nhạc Đoàn Chuẩn tại 51 Trần Hưng Đạo năm 1983.

Đêm nhạc Đoàn Chuẩn tại 51 Trần Hưng Đạo năm 1983.

Ông làm thế nào để giúp ca sĩ nhạc đỏ hát "mềm" ra? Việc đó mất bao lâu?

Hằng ngày cứ biểu diễn, sau khi hát thì góp ý cho nhau. Từ lúc có ý tưởng, mời mọi người, tập luyện cho đến ngày bắt đầu là nửa tháng. Những bài hát này các ca sĩ đã nghe từ thời bố mẹ họ nên tập rất nhanh.

Khoảng năm 1991-1992, Đài BBC có phỏng vấn tôi giữa buổi biểu diễn ngay tại sân khấu, hỏi tôi là "Tại sao các anh không hát những bài hát của hôm nay mà lại chỉ hát những bài hát của quá khứ?". 

Tôi trả lời chúng tôi tổ chức chương trình này để nhớ lại tất cả những kỷ niệm mà bố mẹ chúng tôi hay hát lúc chúng tôi còn nhỏ. Và đến lúc chúng tôi lớn tuổi rồi, chúng tôi muốn trả ơn những tác phẩm ấy bằng cách biểu diễn chúng. Chẳng hạn bố tôi từng là nhà báo có bút danh Thường Quân trên báo Phong Hóa.

Một lần khác, một nhà báo hải ngoại có hỏi lương một ca sĩ ở đây bao nhiêu. Khi đó chúng tôi biểu diễn bốn buổi (3-5-7-chủ nhật) một tuần. Tôi trả lời là lương chúng tôi mua được 1 tấn gạo. Nghe thì to nhưng hồi đó gạo rất rẻ, tính ra tiền thì may lắm bằng vài triệu bây giờ.

Ông đã chọn các bài hát và các tác giả như thế nào? Giọng ca nào khiến ông nhớ nhất?

Nhiều bài hát lắm. Hồi đầu chỉ thiếu bài của Phạm Duy, Phạm Đình Chương vì chưa có giấy phép. Ngoài Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác thì phổ biến nhất là những bài như Bóng chiều xưa (Dương Thiệu Tước), Nỗi lòng, Chiều vàng, Thu (Nguyễn Văn Khánh), Thơ ngây (Anh Việt), Tiếng thời gian (Lâm Tuyền), Tiếng hát quay tơ (Tử Phác). Bài Thu vàng của Cung Tiến trở thành một bài nhạc mở màn một dạo đêm nào cũng có.

Về phía ca sĩ, tôi ấn tượng nhất với NSND Trần Hiếu, hát bài Gửi người em gái miền Nam (Đoàn Chuẩn - Từ Linh) tuyệt hay. Cảm động lắm. Đó là một trong bài hát "ăn khách" nhất sân khấu này.

Sáng đèn là nhờ kỷ niệm

Điều gì khiến những bài hát đã vắng bóng ít nhất 30 năm giữ được chân khán giả hằng đêm?

Sức hút của chúng là vì gắn liền với kỷ niệm. Tôi để ý có một ghế ở góc khuất, tuần nào cũng có một cô hồi đấy tuổi khoảng 40 ngồi vài buổi. Tôi có hỏi điều gì khiến chị đến đây? Cô trả lời "Em đến để yêu cầu bài Ngày về (Hoàng Giác)". Cô có một mối tình, cô mong chờ ngày người ta trở lại sau năm 1975. 

Hoặc có một bà lớn tuổi bán báo ở khu Bách Khoa, buổi diễn nào cũng xông lên nhất định tặng đoàn 1 triệu đồng, hồi đấy là to lắm, so với vé lúc ấy có 2.000 đồng, chỉ với lý do là mê những bài hát gắn với kỷ niệm. Tất nhiên là tôi không nhận.

Đến một giai đoạn thì những bài gắn với kỷ niệm của những người đi kháng chiến như Sông Lô, Du kích sông Thao, Bộ đội về làng, Quê em, Bài ca hy vọng, Mời anh đến thăm quê tôi, Tình em… được yêu cầu. 

Một thời gian sau, sân khấu lại thay ca sĩ vì khán giả yêu cầu Mưa trên phố Huế, Ca dao em và tôi, Sao em nỡ vội lấy chồng

Như thế liệu có một độ chênh giữa thẩm mỹ âm nhạc của hai quãng thời gian đó không? Và sự chọn lọc có bị pha loãng không?

Không tránh khỏi. Nhưng chúng tôi không đưa những bài hát quá dị biệt vào để vẫn giữ chất trữ tình. Để phục vụ những đoàn nước ngoài, chúng tôi có những bài hát Ý như Trở về Sorrento, Santa Lucia, Mama, bài hát Tây Ban Nha như La Paloma, Besame mucho, hay Pháp như Plaisir d'amour, Tombe la neige (Tuyết rơi). Chúng tôi còn muốn dẫn người nghe đến những bài hát có hơi chất bán cổ điển như Serenade (Schubert), The Blue Danube (Dòng sông xanh) của J. Strauss.

Nhiều buổi có hẳn tập thể một cơ quan đi xem. Có lần, vào ngày 27-7, tôi đến thấy nhiều ghế xếp bị bê hết ra ngoài. Cô bán vé nói hôm nay có trại thương binh bên Đông Anh tổ chức đi xem. Họ bảo chỉ có sân khấu này được nghe theo yêu cầu. 

Chương trình đột xuất nên nhạc mục có sự thay đổi, phải gọi thêm ca sĩ phù hợp đến chữa cháy, chẳng hạn nhất định phải có Trần Hiếu hát Vết chân tròn trên cát hay Thanh Hoa hát những bài như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Tàu anh qua núi

Nối một vòng tay nhạc Việt

Ông có kỷ niệm với nhạc sĩ nào có bài hát được biểu diễn ở đây không?

Nhạc sĩ Đan Trường. (ông Huề cất giọng hát ca khúc Trách người đi: "Sương lam tuôn rơi hắt hiu bên hàng thông xám reo vi vu"…). Năm đó ông đã 90 tuổi. Ông lên tặng cho hai nhạc phẩm cầm theo là bài Trách người điCái áo the thâm tàng, bày tỏ sự cảm động vô cùng.

Nhạc sĩ Khắc Huề: Nhạc tiền chiến đã từng ăn khách - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Anh Bằng từng ngồi xem chương trình nơi hàng ghế khán giả. Đêm đó có bài hát Nỗi lòng người đi của ông. 

Các tác giả và nhân vật từng đến dự còn có Văn Cao, Phạm Duy, Duy Cường, Doãn Mẫn, Trần Hoàn, Hồng Đăng và các nhà thơ Huy Cận, Phạm Tiến Duật, Thanh Tùng.

Thậm chí từng có yêu cầu gửi đến Bộ Văn hóa tổ chức một buổi diễn theo yêu cầu cho các vị lão thành cách mạng ở Cung Hữu nghị Việt Xô, các đoàn đều không sẵn lực lượng trong thời hạn vài ngày, vậy là bộ trưởng khi đó - nhạc sĩ Trần Hoàn - nhờ đến chương trình Ca khúc trữ tình. 

Sau phần hát đầu tiên, các yêu cầu được đưa lên gồm có Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn tặng các cựu chiến binh kháng chiến Nam Bộ đang có mặt một bài hát thời kháng chiến chống Pháp ở miền Nam, nhà thơ Nông Quốc Chấn một bài về Tây Bắc và nhà thơ Tố Hữu muốn nghe một bài hát phổ thơ của ông.

Lúc này, sự đa dạng của vốn bài hát trong đội ngũ ca sĩ và nhạc công của chương trình phát huy tác dụng: họ hát bài Niềm thương mến (Phan Vân), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh), Đợi anh về (Văn Chung, lời Tố Hữu dịch thơ Simonov). 

Chương trình kết thúc, nhạc sĩ Trần Hoàn cho biết các vị khách hài lòng và khen ngợi rất nhiều.

Ông nghĩ thế nào về việc tồn tại được 28 năm, thăng trầm xảy ra là bình thường, vậy loại nhạc tiền chiến này có cách nào tái sinh không? Có cách nào để tìm lại vẻ đẹp đó không?

Khó, vì các thế hệ trước dần dần mất đi, thì các thế hệ sau không hiểu được. Chẳng hạn bài Hương xưa (Cung Tiến) có rất nhiều điển tích trong ca từ, thế hệ sau mà không được giải thích thì rất khó hát cho hay. 

Tất nhiên vẫn còn những người yêu nhạc xưa nhưng không nhiều. Gần đây có cô bé khán giả chỉ tầm 20 tuổi nói bài hát mình yêu thích nhất là Nỗi lòng.

Thế còn trong giảng dạy, đào tạo âm nhạc, những bài hát tiền chiến có trọng lượng để đưa vào giáo trình không?

Nói chung là không đủ. Dù sao về khúc thức, hòa thanh… thì các bài hát ấy còn đơn sơ. Trừ vài bài sau này của Lâm Tuyền, Cung Tiến là có chất liệu giá trị về học thuật, ví dụ bài Tiếng thời gian (Lâm Tuyền, lời Dạ Chung) hay Hương xưa (Cung Tiến).

Xin cảm ơn ông và hi vọng khán giả sớm có dịp tái ngộ Ca khúc trữ tình.■

Những buổi đầu tiên có các giọng ca Quốc Đông, Dương Minh Đức, Tường Vy, Ngọc Bảo, Tuyết Thanh, Thu Phương, Thúy Nga, Mạnh Chung cùng nhạc sĩ Hoàng Giác (guitar), Khắc Huề (violin), Chung Cường (piano), Mai Giang (viola), Ngọc Toàn (violin), Lê An (cello).

Khi chương trình phát triển có thêm các giọng ca Thanh Hiếu, Thanh Hòa, Thanh Hoa, Trần Hiếu, Quang Thọ, Đức Long, Quỳnh Hoa, Tuyết Tuyết, Trọng Thủy, Minh Thúy, Sao Mai, Thanh Hằng, Trung Anh, Thúy Nương, Thu Thủy, Trọng Tấn, Tấn Minh, Lan Anh, Quang Tám, Minh Huyền, Ngọc Quy.

Nhạc công: Phương Khanh (cello), Doãn Hương, Trí Tuệ (trống), Nguyên Vũ, Công Nguyên (piano), Khắc Hoan - Khắc Quân (violin).


CA SĨ THÚY NGA: TRI ÂM NGHE THỬ DÂY ĐỒNG VỌNG (*)

Nghệ sĩ Thúy Nga trong một đêm diễn ở 51 Trần Hưng Đạo.

Nghệ sĩ Thúy Nga trong một đêm diễn ở 51 Trần Hưng Đạo.

Cô đến với Ca khúc trữ tình như thế nào ạ?

Tôi gặp anh Khắc Huề năm 1987, khi ấy tôi mới 25 tuổi, là ca sĩ đã tốt nghiệp đại học thanh nhạc. Anh Huề rất ngạc nhiên là sao một người trẻ như vậy lại biết nhiều nhạc xưa như thế. Bảy năm sau chúng tôi kết hôn.

Để chuẩn bị cho chương trình, cô có tìm hiểu cách hát của những ca sĩ lớp trước hay ở hải ngoại không?

Thực ra hồi đó tôi ít nghe các ca sĩ hải ngoại. Tôi đã biết các bài hát tiền chiến từ lúc còn nhỏ, do nghe bố mẹ hát. Bố tôi là công nhân, mẹ làm nghề đan len, cả hai đều rất thích ca hát, nên tôi nhận được ảnh hưởng nhiều từ họ.

Hôm đầu tiên (10-3-1988) tôi hát bài Sơn nữ ca (Trần Hoàn), một bài dân ca Nga và Ave Maria (Schubert) do tôi đặt lời, để phù hợp với âm sắc giọng của mình. Chương trình được người Hà Nội đón nhận rất nồng nhiệt vì được nghe lại những bài hát đã lâu không được nghe.

Tôi nhớ là hồi đấy diễn liên tục, mong có một ngày nghỉ cũng khó.

Có một thực tế là các ca sĩ hát nhạc tiền chiến ở Sài Gòn xưa hay hải ngoại có xu hướng hát giọng thổ, âm trầm hơn, trong khi đó các ca sĩ được đào tạo thanh nhạc ngoài Bắc lại phổ biến giọng nữ cao. Vậy cô làm thế nào để dung hòa sự khác biệt đó?

Khi hát tôi có xu hướng hát thấp đi nhằm mục đích hát rõ lời. Nói chung những bài tiền chiến mà mọi người yêu thích thì tôi đều đã biết cả nên việc tập luyện rất dễ dàng.

Trong vòng 28 năm, cách hát của cô và các ca sĩ có thay đổi không?

Ngoài cách hát hạ tông giọng xuống để người nghe cảm thấy ấm áp hơn thì danh mục bài hát kết hợp thêm nhiều dòng, cả những bài nhạc phổ thông khác, mới hơn như Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Em ơi Hà Nội phố… để chiều lòng khán giả, nhưng cũng không sa đà quá, không hát những bài nhạc "sến".

Bài hát nào cô thích nhất và bài nào cô được khán giả yêu cầu nhiều nhất?

Những bài hát được yêu cầu nhiều nhất ngoài Sơn nữ ca là những bài của Văn Cao như Thiên thai, Trương Chi, các bài của Đoàn Chuẩn - Từ Linh như Thu quyến rũ, Chuyển bến, Gửi gió cho mây ngàn bay… Có những bài ít phổ biến hơn như Thơ ngây (Anh Việt). Đó cũng là những bài tôi rất thích, đến giờ vẫn nhớ, mặc dù nhiều bài khá dài.

Những giọng ca nào cùng ở Ca khúc trữ tình mà cô ấn tượng nhất?

Trong số các nghệ sĩ cùng hát, tôi ấn tượng với NSƯT Đức Long. Nếu các ca sĩ khác chỉ thuộc vài bài thì ở anh có cả một sự đam mê, anh thuộc rất nhiều bài nhạc xưa.

Mỗi ca sĩ có một sở trường. Lệ Thu, Khánh Ly có cách xử lý rất riêng với nhạc tiền chiến. Tôi cũng ấn tượng với NSND Trần Hiếu, đặc biệt với ca khúc Gửi người em gái miền Nam.

Các nhạc sĩ tiền chiến đón nhận sự tái xuất các bài hát của họ như thế nào?

Tôi nhớ hôm hát đầu tiên, ông Đoàn Chuẩn không dám vào vì ông quá hồi hộp. Còn các ông Doãn Mẫn, Hoàng Giác thì rất vui. Các nhạc sĩ ở nước ngoài về cũng nồng nhiệt lắm, như các ông Đan Trường, Phạm Duy.

Hôm ông Phạm Duy đến, tôi hát bài Dòng sông xanh của Johann Strauss II, lời Việt của ông. Ông có khen trong số các ca sĩ trong nước, ông thích tôi và Hà Trần, có lẽ cũng vì lịch sự (cười).

Sau 28 năm hoạt động, sân khấu Ca khúc trữ tình đóng cửa vì lý do gì?

28 năm là quãng thời gian khá dài, ngày nào đầu óc hai vợ chồng tôi cũng phải lo rất nhiều việc khác nên cũng mệt mỏi. Mặc dù doanh số vẫn ổn định nhưng chúng tôi nghĩ rằng dừng lại là đúng lúc. Cũng có người hỏi khi nào mở lại!

Các nghệ sĩ trẻ có ai tìm đến thọ giáo cô chú để kế tục việc hát nhạc xưa không?

Bây giờ các bạn trẻ thích những thể loại nhạc khác, cũng không còn mấy ai nhớ các bài hát xưa nữa. Sự khác biệt về tư duy cũng như sự khác nhau giữa ca từ ví von "về đôi mắt như hồ thu" với "tóc ngắn, mắt bồ câu sáng ngời". Có lẽ mình cũng cổ lỗ rồi chăng (cười).

Xin cảm ơn nghệ sĩ Thúy Nga.

(*) Đầu đề mượn ý thơ Văn Cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận