TTCT - Nhạc sĩ Huy Tuấn - giám đốc âm nhạc của lễ hội âm nhạc Hò dô 2019 - trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần về những “lần đầu tiên” của một lễ hội âm nhạc chuẩn quốc tế cho TP.HCM. Nhạc sĩ Huy Tuấn. Vì sao anh nhận vị trí giám đốc âm nhạc của dự án mới mẻ và đầy thách thức này khi cuối năm là “giờ cao điểm” của các nhà sản xuất như anh và những chương trình, sự kiện khác thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều? - Lễ hội âm nhạc giống như một khuôn mặt tinh thần của một TP, nhất là với các TP lớn như TP.HCM. Lễ hội âm nhạc cũng là nơi những người làm nghề như chúng tôi luôn luôn hướng tới. Tôi đã dành không ít thời gian, tiền bạc để tham gia những lễ hội kiểu này ở nước ngoài như một cách trau dồi nghề nghiệp, học hỏi. Trong quá trình đó, tôi gặp không ít bạn trẻ, công chúng yêu nhạc tìm đến các lễ hội âm nhạc danh tiếng ở các quốc gia khác để được hòa mình vào không khí lễ hội âm nhạc thực thụ. Điều này càng khiến tôi đau đáu với việc làm sao có được cơ hội thực hiện một lễ hội âm nhạc quốc tế tương tự. Tôi đã là cư dân của TP.HCM từ chục năm nay và ngay từ những ngày đầu đến TP, tôi đã mơ ước thực hiện một lễ hội âm nhạc ra trò và thật may mắn khi giờ đây được đảm nhận nhiệm vụ này. Hơn một năm, tôi đã bỏ thời gian tìm hiểu, suy nghĩ cách tổ chức, nghe ngóng nhu cầu thị trường, nhu cầu khán giả, mong muốn của nghệ sĩ... Nhiều ý kiến cho rằng thật đáng tiếc khi TP.HCM chưa xây dựng được một lễ hội âm nhạc quốc tế đúng tầm của mình. Nhưng khi Hò dô “rục rịch” cũng có nhiều nghi ngại. Anh có cảm thấy khó khăn lắm không? - Khó khăn lớn nhất là phần lớn mọi người vẫn chưa mường tượng được một lễ hội âm nhạc là cái gì, sẽ diễn ra như thế nào. Một lễ hội âm nhạc dài ngày sẽ khác với một sự kiện âm nhạc chỉ diễn ra vài giờ. Và không khí, sự hòa mình, cộng hưởng của tất cả, từ nhà tổ chức đến nghệ sĩ, đặc biệt là khán giả, là vô cùng quan trọng. Làm cho khán giả tưng bừng, sung sướng với không khí âm nhạc của lễ hội thì lễ hội đó mới thành công. Tôi rất vui khi TP.HCM quyết tâm thực hiện lễ hội này và khi nó đã diễn ra thì chúng ta sẽ có cơ sở để đi tiếp, có cơ hội để khẳng định “cá tính” của mình. Vậy đâu là thuận lợi lớn nhất để thực hiện Hò dô? - Bản thân tên tuổi của TP.HCM đã là thuận lợi lớn nhất để tổ chức một sự kiện quốc tế, nó như một “con dấu” uy tín mà khi nhìn thấy, các nghệ sĩ quốc tế sẽ không thấy e ngại ngay cả khi đây là lần đầu tiên. Họ hiểu đấy là sự quyết tâm của những người lãnh đạo và giới làm nghề để tạo nên một sự kiện văn hóa ý nghĩa. Khi chúng tôi mời, không ít nghệ sĩ quốc tế còn chủ động giảm catsê, có những nhóm chỉ đặt vấn đề sang giao lưu, khám phá TP, chứ không đề cập thù lao vì họ hiểu rằng đây cũng là cơ hội để họ tiếp cận một thị trường tiềm năng đang dần lớn. Hò dô 2019 không chỉ là âm nhạc, đây còn là lễ hội âm nhạc quốc tế đầu tiên tại Việt Nam đưa vào chương trình hoạt động tổng thể các tiêu chí về thân thiện môi trường. Với thông điệp “More music, less plastic” (Thêm âm nhạc, giảm đồ nhựa), Hò dô 2019 phát động thử thách #HozoChallenge dành cho cộng đồng nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải từ nhựa. Và bằng ảnh hưởng của mình, các nghệ sĩ cũng sẽ có những cách riêng để “nói” với khán giả về câu chuyện môi trường. Dù đã mất rất nhiều thời gian để có được “lần đầu”, nhưng tôi thấy rất đáng giá khi có được sự ủng hộ và thấu hiểu. Đã có những sự dung hòa, như việc Sở VH-TT chỉ xem qua về tinh thần các ca khúc, đồng ý bỏ qua phần duyệt từng tiết mục, đường dây kịch bản của các nghệ sĩ quốc tế để họ được diễn ngẫu hứng theo đúng tinh thần lễ hội. Nguyên Lê - Nghệ sĩ Pháp gốc Việt và những người bạn về Việt Nam tham gia Hò dô 2019. (Ảnh: Macha Mosconi) Các điều kiện khác về trình độ, kỹ thuật của chúng ta đã đủ để tạo nên một lễ hội gọi là “quốc tế”? - Trình độ của các nghệ sĩ Việt Nam tại lễ hội này không thua kém bất kỳ nghệ sĩ quốc tế nào. Mọi người sẽ được thấy tài năng của họ ngay trên sân khấu của ba ngày lễ hội. Về mặt kỹ thuật, âm thanh ánh sáng, sân khấu... các đối tác của chúng tôi cũng đã tự nâng cấp mình để không chỉ mang đến thành công cho Hò dô 2019 mà còn tạo tiền đề để tiếp tục ở những năm sau. Các nghệ sĩ nước ngoài khi lưu diễn rất quan tâm đến các điều kiện kỹ thuật, âm thanh - ánh sáng - sân khấu. Khi chúng tôi gửi cho họ danh mục thiết bị và nhân sự phục vụ lễ hội lần này, nhiều nghệ sĩ đã tin tưởng cắt giảm việc mang theo máy móc, thiết bị và con người riêng của họ. Họ khá bất ngờ về sự chuẩn bị của TP.HCM cho Hò dô 2019. ■ Bạn được nghe ai? Vì tài chính còn eo hẹp nên Hò dô 2019 chưa có được dàn “line up” (nghệ sĩ tham gia trình diễn) với những siêu sao như mong đợi. Dẫu thế, các nghệ sĩ đến với Hò dô 2019 đều có chuyên môn và đại diện từ những nền âm nhạc cùng phong cách âm nhạc độc đáo. Nổi bật trong số đó là nghệ sĩ Ấn Độ từng đoạt giải Grammy - Ricky Kej, trình diễn trong ngày thứ hai của chương trình (14-12). Cường Vũ - nghệ sĩ kèn trompette người Mỹ gốc Việt, từng đoạt hai giải Grammy - biểu diễn vào ngày thứ ba (15-12) với ban nhạc của nghệ sĩ Pháp gốc Việt Nguyên Lê. Ca sĩ Hà Trần và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cùng xuất hiện trong ngày này. Đây cũng là dịp để công chúng được thưởng thức những màn kết hợp rất đặc biệt của các nghệ sĩ Việt. Đó là Lê Hồng Quang cùng nhóm nhạc từng chiến thắng tại The X-Factor Tây Ban Nha - Vocal Tempo; Lê Thanh Tâm cùng dự án hòa tấu jazz-funk cùng Nguyễn Tuấn Nam (piano), Dũng Đà Lạt (guitar) và hai nghệ sĩ Úc - Tass Petridis (bass), Gerry Pantazis (bộ gõ). Vietnam Allstars Band - ban nhạc được thành lập riêng cho lễ hội với các nhạc công hàng đầu trên cả nước như: Hoài Sa, Dũng Đà Lạt, Hồng Kiên, Anh Quân, Phan Thanh Tân, Nguyễn Quân... cùng hai giọng hát Hồ Ngọc Hà, Thu Minh cũng sẽ góp mặt. “Tôi kỳ vọng Hò dô không chỉ là một địa chỉ mới cho các nghệ sĩ nước ngoài đến biểu diễn, mà đây phải là nơi cho nghệ sĩ Việt Nam “đối đáp” cùng các nghệ sĩ tên tuổi của quốc tế, mang đến những thay đổi tích cực cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Hầu hết nghệ sĩ Việt Nam hay nghệ sĩ gốc Việt trình diễn tại lễ hội lần này là những người có tầm nhìn và mong muốn cùng nhau nâng cấp thị trường âm nhạc trong nước. Họ đã dành nhiều thời gian và tâm sức để mang đến những dự án rất riêng, chỉ dành cho Hò dô, chỉ có tại Hò dô”. Nhạc sĩ Huy Tuấn Ảnh: Gia Tiến "Lễ hội âm nhạc là sinh hoạt văn hóa cần cho các thành phố lớn ở Việt Nam. Hà Nội có Gió mùa và đã đi đến mùa thứ 6, giờ đây TP.HCM có Hò dô, đó là tín hiệu đáng mừng. Tôi tin Hò dô sẽ là cánh cửa mở cho sự giao lưu, giao thoa văn hóa, mang đến những trải nghiệm quý giá cho người dân thành phố. Với nghệ sĩ chúng tôi, đây cũng là một cái cớ để cùng nhau đưa ra những ý tưởng, thử nghiệm mới, chia sẻ những cái mới, những cái mà mọi người ít thấy ở chúng tôi nơi các sân khấu thương mại. Cá nhân tôi lần này cũng sẽ có sự kết hợp hết sức thú vị cùng anh Nguyên Lê và những người bạn Pháp của anh trong lần đầu tiên hát nguyên “set” với ban nhạc của anh. Tôi rất hồi hộp vì nhạc của anh ấy rất khó và những câu chuyện Tales of Vietnam mà anh kể thật đa lớp đa tầng". Ca sĩ Hà Trần Tags: Hà TrầnNhạc sĩ Nguyên Lê
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.