Nhạc sĩ Hồng Đăng
Bà Lê Anh Thúy - vợ của nhạc sĩ Hồng Đăng - xác nhận thông tin với Tuổi Trẻ Online. Nhạc sĩ vừa nhận Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội mấy tháng trước.
Chỉ trong vòng 1 tháng, 3 nhạc sĩ nổi tiếng cùng sinh năm 1936 là Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung, Hồng Đăng đều ra đi.
Tuy quê gốc Nghệ An nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng gắn bó cả cuộc đời, từ lúc tuổi trẻ cho tới khi về già ở Hà Nội. Và vì sinh ra trong một gia đình trí thức, theo Tây học, chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Pháp nên ông càng gần gũi với "chất" Hà Nội lịch lãm, sang trọng.
Ai được tiếp xúc với ông ngoài đời cũng như nghe nhiều ca khúc của ông đều dễ hiểu vì sao nhiều người nhầm ông là người Hà Nội gốc. Và càng không bất ngờ khi nhạc sĩ được trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Theo đánh giá của ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái, ông đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát..., đồng thời có đóng góp lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ ở Trường Âm nhạc Việt Nam (sau là Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Hoa sữa - Thanh Lam (năm 1997)
Bà Lê Anh Thúy chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Hồng Đăng chính là thầy dạy của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thuận Yến, Phú Quang...
Trong đó Phú Quang tuy không theo học thầy qua trường lớp chính quy, bài bản nhưng đều một lòng tôn tác giả Hoa sữa là thầy mình.
Sáng tác âm nhạc từ rất sớm, sau hòa bình lập lại năm 1954, Hồng Đăng là một trong những học viên của khóa học sáng tác đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam cùng với lứa nhạc sĩ "vàng" của âm nhạc Việt Nam như: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát...
Thuộc thế hệ luôn luôn tìm tòi, khiêm nhường học hỏi, ông đã thử viết rất nhiều loại, từ khí nhạc, nhạc phim, ca khúc và cuối cùng chọn sống bằng sáng tác nhạc phim và ca khúc.
Từng viết trên 70 tác phẩm âm nhạc cho phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật, phim hoạt hình...; ông là nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ca khúc Hoa sữa nhiều người hiện nay tưởng là một ca khúc độc lập do Hồng Đăng tự sáng tác, nhưng nó là ca khúc ông viết theo đơn đặt hàng của nữ đạo diễn Đức Hoàn cho bộ phim đầu tay bà làm đạo diễn - phim Hà Nội mùa chim làm tổ năm 1972.
Một điều thú vị, bài Hoa sữa tuy nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội nhưng phải đến khoảng 10 năm sau mới được biết tới rộng rãi trong công chúng cả nước khi ca khúc được Nhã Phương - ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của TP.HCM - thể hiện.
Lúc đó, ca khúc vốn sinh ra ở Hà Nội, viết về Hà Nội này mới từ thành phố phương Nam quay ngược trở lại Hà Nội, để rồi nổi tiếng cả nước sau đó.
Nhưng bài hát ông thích nhất và đánh giá nó toàn bích hơn cả là bài Biển hát chiều nay, cũng là một bài ông sáng tác cho một bộ phim tài liệu về hải quân. Với những cống hiến cho âm nhạc, ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Biển hát chiều nay - Trọng Tấn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận