Phóng to |
Trò chuyện trước thềm đại hội, nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, nói: "Ngổn ngang và nhiều bức xúc là nhận định chung của nhiều cơ quan văn hóa và là thực tế của đời sống âm nhạc hiện nay. Có sự mất cân bằng trong đời sống âm nhạc. Biểu hiện là sự thiếu hài hòa trong các thể loại âm nhạc, khán giả chỉ được nghe, thưởng thức những ca khúc đại chúng, phổ cập như pop, trong khi đời sống âm nhạc của chúng ta không chỉ có pop mà thôi. Bức tranh âm nhạc vì thế đang lệch lạc".
* Do đâu lại lệch lạc, thưa ông?
- Ðó chính là lỗi của truyền thông và lỗi của đầu ra: dàn dựng, thu thanh, quảng bá... Công chúng đang bị tước đi một phần lớn quyền thưởng thức âm nhạc. Những ca khúc sống mãi với thời gian thì công chúng không có cơ hội được thưởng thức, còn những ca khúc thị trường thì được quảng bá thường xuyên không phải vì quyền lợi của khán giả. Ðó không phải là lỗi của công chúng mà là lỗi điều tiết của các cơ quan truyền thông.
* Theo ông, cần phải làm gì để điều hòa lại sự mất cân bằng đó?
- Ưu tiên phát triển các loại hình âm nhạc có những đặc thù riêng: giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch... Quan trọng hơn, chúng ta không nên coi mặt bằng âm nhạc bằng phẳng như nhau, phải có sự đầu tư về tài chính của Nhà nước đến các loại hình âm nhạc như nhạc kịch, balê... Bên cạnh đó cũng phải thả lỏng một số loại hình âm nhạc như nhạc đại chúng, phổthông để nó tự xã hội hóa.
Những ca khúc thị trường người ta chỉ nghe hôm nay rồi ngày mai chẳng còn nhớ đến nữa mà thay vào đó là ca khúc thị trường khác. Trong khi đó ca khúc chính thống, nghệ thuật có giá trị vững bền sẽ đứng trong lòng công chúng, cơ bản là cách quảng bá và cơ hội để những tác phẩm ấy đến với công chúng thế nào thôi.
* Cụ thể, Hội Nhạc sĩ VN sẽ làm gì?
- Cố gắng cùng với cơ quan quản lý của Nhà nước tạo ra mặt bằng âm nhạc một cách hài hòa có kiểm soát và ưu tiên phát triển các loại hình đặc thù đỉnh cao, phát triển mặt rộng, khuyến khích các tài năng âm nhạc trong các lĩnh vực để đẩy mạnh đời sống âm nhạc, giáo dục trình độ thưởng thức âm nhạc của quảng đại quần chúng.
* Ông nói giáo dục trình độ thưởng thức âm nhạc của quần chúng, vậy bằng cách nào, thưa ông?
- Ðây là một chiến lược của quốc gia, từ các cấp học nhỏ. Cần phải có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý về văn hóa với tổ chức mang tính chuyên môn cao mà không đâu hơn chính là những hội chuyên ngành. Còn đối với công chúng, để những sản phẩm văn hóa tốt được tiếp nhận thì cần đến các phương tiện truyền thông. Ðưa đến những sản phẩm tốt, giảm thiểu những tác phẩm kém chất lượng, điều đó nằm trong tay các cơ quan truyền thông.
* Mong muốn của cá nhân ông và Hội Nhạc sĩ VN là gì?
- Nếu cho chúng tôi một kênh truyền hình về âm nhạc để giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới thì chắc chắn đời sống âm nhạc sẽ cực kỳ phong phú. Làm được điều đó, người nhận được lợi ích đầu tiên và lợi ích lâu dài chính là công chúng yêu nhạc. Hãy cho chúng tôi một cơ hội, một cửa để quảng bá, khi đó công chúng yêu nhạc sẽ thấy tiềm năng sáng tạo, sản phẩm âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN không đến nỗi phụ lòng công chúng như bức tranh âm nhạc chúng ta thấy hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận