Nghệ sĩ cello Đỗ Pha Lê thông báo tin buồn, cho biết bố chị mất lúc 14h52 ngày 19-5.
Một nghệ sĩ tài năng, tử tế
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết những năm tháng tuổi già, vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Dũng sống cùng gia đình một người con gái tại Mỹ. Sau khi vợ mất, nhạc sĩ Đỗ Dũng trở về sinh sống trên quê hương.
Được vài tháng sum vầy bên con cháu trên mảnh đất nguồn cội thì ông qua đời.
Ông Phúc bày tỏ lòng kính trọng với người nhạc sĩ gạo cội đã có công lớn trong việc gây dựng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ khi nó mới được thành lập lại vào năm 1984.
Đó là một thế hệ các nghệ sĩ làm nghề trong thời đất nước còn nghèo khó, họ chỉ có một lòng trong sáng phục vụ và dâng hiến tài năng của mình cho đất nước, cho cách mạng.
Là giám đốc đầu tiên của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Dũng đã lãnh đạo dàn nhạc trong gần 20 năm gian khó của buổi đầu thành lập trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, tạo dựng nền móng để dàn nhạc phát triển như ngày nay.
Ngoài công tác lãnh đạo thì nhạc sĩ Đỗ Dũng còn cống hiến lớn cho âm nhạc cổ điển Việt Nam, với vai trò nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc và nhạc sĩ sáng tác nhiều giao hưởng, hợp xướng, concerto, opera…
Ông cũng sáng tác một số ca khúc cho giọng hát của NSND Lê Dung. Ông có tác phẩm phối âm thành hợp xướng không nhạc đệm (acapella) cho bài hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ rất hay.
Không chỉ đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam với tư cách cá nhân, gia đình âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Dũng (gồm cả vợ và các con) đã có nhiều cống hiến cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng như âm nhạc cổ điển của đất nước.
Người có công xây dựng dàn hợp xướng chuyên nghiệp đầu tiên
Nhạc sĩ Đỗ Dũng khai sinh là Đỗ Hiếu Dũng, sinh năm 1939, quê ở Quốc Oai, Sơn Tây.
Năm 1949, ông theo học Trường Thiếu sinh quân trung ương. Năm 1964, ông được sang Liên Xô học văn hóa và âm nhạc (chuyên ngành chỉ huy và sáng tác).
Về nước, ông nhận công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm 1978, là phó giám đốc chỉ đạo nghệ thuật.
Ông là người có công xây dựng Dàn hợp xướng chuyên nghiệp đầu tiên của nhà hát từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
Khi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam được thành lập lại vào đầu những năm 1980 thì ông về làm giám đốc dàn nhạc cho tới tận đầu những năm 2000.
Nhạc sĩ Đỗ Dũng đã tham gia dàn dựng, chỉ huy nhiều nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng, hợp xướng, thanh xướng kịch, biểu diễn trong và ngoài nước.
Ngoài công việc chỉ huy dàn nhạc, ông đã sáng tác một số tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, được sử dụng trong biểu diễn hòa nhạc, trong và ngoài nước, trên sân khấu, trên sóng phát thanh và vô tuyến truyền hình, như:
Cantate Tiến lên toàn thắng ắt về ta, Đêm nay cả nước lên đường, opera Người mặc áo choàng đỏ, concerto cho piano và dàn nhạc Bất khuất, giao hưởng Việt Nam, hợp xướng Tổ quốc (giải ba Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1995), chùm hợp xướng không nhạc đệm (a capella) bảy chương Nhớ Bác (giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996)…
Nhạc sĩ Đỗ Dũng đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương khác.
Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt II năm 1988.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận